THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:16

Hối hả làng nghề tháng cuối năm

Làng hoa bận rộn chăm hoa Tết

Làng hoa Tây Tựu thuộc phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nơi nổi tiếng là vùng cung cấp hoa tươi cho Hà Nội. Vào những ngày uối năm này, trên những cánh đồng hoa của Tây Tựu, bà con đang cần mẫn chăm sóc những vườn hoa chuẩn bị cho mùa hoa tết.

Cạnh những ruộng hoa đã đến kỳ thu hoạch, là những luống hoa đang chúm chím đâm bông. Những đoàn người tấp nập ra vào những vườn hoa đặt mua trước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Trung Hoà, Phó Chủ tịch phường Tây Tựu cho biết: Nghề trồng hoa bắt đầu bén duyên với đất Tây Tựu vào năm 1994, đến nay trên địa bàn phường đã có 333 ha trồng hoa và gần 160  ha người dân thuê của các xã lân cận để trồng hoa.

Hàng năm Tây Tựu cung cấp ra thị trường hơn 250 triệu bông hoa các loại. Việc chuyển đổi cây trồng đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Ông Đinh Duy Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã số 1, cho biết: “Ở đây, nhà nhà đều trồng hoa, người lớn tuổi truyền kinh nghiệm cho người ít tuổi. Người dân hỗ trợ nhau về vốn, giống, liên kết cùng nhau phát triển kinh tế.

Nghề trồng hoa cũng là nghề nông, nhưng nó đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Năm nào mưa thuận gió hòa, tiết trời ấm áp thì người trồng cũng nhàn hơn, còn ngược lại thời tiết khắc nghiệt thì tốn nhiều công sức trong việc chăm sóc”.

Chia sẻ về cách chăm sóc để hoa ra đúng vụ, ông Hoà nói, việc lựa chọn giống hoa ảnh hưởng quyết định tới chất lượng hoa, chăm sóc hoa cũng phải kỹ lưỡng. Hoa cúc ở Tây Tựu có khoảng 5- 7 loài, trồng rất nhàn bởi là loại cây trồng ngắn ngày, sức chịu đựng tốt.

Người dân phường Tây Tựu chăm sóc vườn hoa.

Hoa hồng thì lại dễ gặp sâu bệnh, nên đòi hỏi người trồng phải thường xuyên chăm tưới. Muốn có một bông hoa đẹp và nở đúng thời điểm thì ngoài khâu chăm bón cẩn thận còn phải chú ý từ lúc hoa bắt đầu ra nụ và phải dùng giấy cuốn từng nụ hoa để bảo vệ hoa khỏi thời tiết xấu và các loại sâu bệnh.

 “Chính vì vậy nên nghề trồng hoa đòi hỏi phải đúng kỹ thuật và sự kiên trì, bền bỉ từ khâu lựa chọn giống hoa, chăm sóc cho đến khâu hái tỉa, thu hoạch đều phải tỉ mỉ và cẩn thận” – Chủ nhiệm Hợp tác xã số 1 cho hay.

Cây cảnh lên chậu chờ xuất đi

Cũng giống như làng hoa Tây Tựu, khi Tết Ất Mùi 2015 đang tới gần thì tại các vườn quất, cam, bưởi cảnh ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) bắt đầu nhộn nhịp người qua lại mua bán. Nhiều chậu cam canh, quất cảnh, bưởi diễn đã được lên chậu chờ xuất đi.

Ngoài Nhật Tân (Hà Nội) thì Văn Giang là một trong những nơi chuyên cung cấp các loại cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Văn Giang là nơi cung cấp quất cảnh từ loại bình dân đến “sang chảnh”.

Trên cánh đồng bạt ngàn quất cảnh, những cây quất tầm trung được trồng nhiều hơn cả. Ngoài ra, những cây quất loại nhỏ và lớn hẳn chỉ chiếm một phần diện tích. Giá cả các chậu cây ở đây chênh nhau rất nhiều, những chậu quất bình dân giá dao động trong khoảng vài trăm nghìn.

Riêng những chậu quất lớn, giá từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Tuy nhiên, theo một số chủ vườn ở đây, những chậu quất cảnh to chủ yếu được các cơ quan, đoàn thể đặt thuê bày Tết cho đẹp.

Còn người dân chủ yếu chơi loại quất cảnh tầm vừa đến nhỏ. Quất cảnh có 2 loại dáng là dáng thẳng và dáng thế. Trong đó, quất thế vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng bởi vẻ sang trọng và giá cả phải chăng. Cam canh chậu là một trong những cách chơi cây cảnh ngày Tết đã có từ lâu và vẫn được nhiều người yêu thích.

Năm nay, những chậu cam canh có giá dao động từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng/một chậu. Mức giá tùy vào độ lớn của cây, độ sai, bóng của quả... Những năm gần đây, xu hướng chơi bưởi chậu cũng được nhiều người hưởng ứng.

 Đặc biệt, loại bưởi được cắt ghép cùng với phật thủ, cam canh tạo ra loại cây có 3 thứ quả được nhiều người ưa chuộng hơn cả. Với những chậu bưởi diễn đơn thuần, cây lớn vừa phải có giá trên 1 triệu đồng/chậu. Riêng các chậu bưởi được cắt ghép với phật thủ, cam canh có giá đắt hơn. Chậu rẻ dao động từ 3 đến 5 triệu đồng/chậu, loại đắt có thể từ 7 đến 10 triệu đồng/chậu.

Bác Nguyễn Bá Học – một chủ vườn cho biết: "Quất cảnh, cam cảnh, bưởi chậu... năm nay tăng giá khoảng 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, các chậu cảnh trong vườn nhà tôi đã được đặt hàng gần hết".

Làm bánh đa nem ở thôn Ngự Câu.

Bánh đa nem Ngự Câu tăng sản lượng

Thôn Ngự Câu, xã An Thượng (huyện Hoài Đức) là làng nghề làm bánh đa nem truyền thống duy nhất tại Hà Nội, nổi tiếng bởi độ dẻo dai và thơm ngon rất riêng biệt. Về Ngự Câu những ngày này, đâu đâu cũng thấy người dân tất bật tráng bánh, phơi bánh rồi cắt bánh để kịp hàng phục vụ dịp tết đến.

Nghề tráng bánh đa nem ở Ngự Câu ra đời cách đây khoảng 50 năm. Trước kia, có tới 90% số hộ trong làng làm nghề theo lối sản xuất thủ công. Ngày nay, làng chỉ còn 40 hộ giữ nghề truyền thống.

Chúng tôi đến thăm xưởng sản xuất của gia đình ông Nguyễn Quang Hoa, ở xóm Thượng. Ông Hoa cho biết, đã có 25 năm gắn bó với nghề tráng bánh đa nem. Trước đây, gia đình làm bánh bằng tay, đun bếp than nên có nhanh đến mấy, một ngày cũng chỉ làm được vài cân gạo.

Từ năm 2002, khi chiếc máy tráng bánh đầu tiên được người dân mua về ứng dụng và cải tiến cho phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, gia đình đã gom góp, vay mượn thêm để có 100 triệu đồng mua máy.

Cũng từ đó, công suất làm bánh tăng hàng chục lần. Hiện mỗi ngày, gia đình ông Hoa làm 80kg gạo, cho ra lò 16.000 bánh...

Bên cạnh đó là gia đình ông Nguyễn Viết Cảnh cũng đang tất bật bên lò than hồng rực, nồi tráng bánh bốc hơi nghi ngút, người thì ra bột, người khác kéo bánh, rồi chuyển ngay ra phên phơi...

Ông Cảnh cho biết, hiện mỗi ngày gia đình làm 1 tạ gạo, cho ra lò khoảng 2 vạn bánh, vậy mà vẫn không đủ hàng để bán cho khách đặt. Sở dĩ hàng chạy như vậy là do bánh đa Ngự Câu đã có uy tín trên thị trường.

Ông Cảnh cho biết thêm, để có bánh đa nem ngon, vừa dẻo, vừa dai, người thợ phải có kinh nghiệm từ chọn gạo, pha bột đến nêm muối, phơi bánh. Đơn cử như phơi nắng, nếu khô quá bánh cũng sẽ bị nổ, kém ngon.

Bánh đa Ngự Câu chỉ dùng duy nhất nguyên liệu gạo và muối, không cần đến bất cứ phụ gia nào khác. Nhưng theo thời tiết hanh hay ẩm, người làm gia giảm lượng muối cho phù hợp.

Mùa sản xuất bánh tết đang về, đa số các lò tráng bánh ở Ngự Câu đều đẩy công suất tăng thêm 10-20% so với thường ngày. Trung bình mỗi hộ làm khoảng 90-100kg gạo mỗi ngày. Dù tăng công suất, nhưng làng nghề vẫn không đủ số lượng bánh để cung cấp cho thương lái. 

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh