THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:34

Xuân ấm đang về Nậm Đét

Từ “Cây thoát nghèo”...

Cụ Triệu Mùi Pham, người đi tiên phong trồng cây quế trên vùng Bắc Hà cho biết: Trước đây đồng bào chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là chặt, đốt rừng để trồng ngô và cấy lúa nương, năng suất rất thấp nên “con ma đói” hoành hành cuộc sống đồng bào ghê gớm.

Khi hay tin bà con người Dao, ở Văn Yên  (Yên Bái) đã thoát nghèo nhờ trồng quế, cụ liền đến xin giống quế về trồng thử. Sau một năm chăm bón, cụ vui mừng vì thấy giống cây này sống được và phát triển tốt ở quê hương mình.

Từ đó cụ xin chính quyền đưa cây quế vào trồng ở Nậm Đét. Lúc đầu không ít người phản đối, nhưng sau khi đến xem vườn quế xanh tốt của gia đình cụ và nắm được thông tin ở nhiều địa phương khác, cây quế đã “cứu” bà con, cán bộ và người dân đã cử người xuống Yên Bái mua giống về trồng thử trên diện rộng.

Vụ thu hoạch tỉa đầu tiên cho thu nhập cao, bà con phấn khởi lắm, từ đó người dân xác định cây quế là cây chủ lực nhằm xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống. UBND xã Nậm Đét đã thành lập HTX, phối hợp với cán bộ khuyến nông tỉnh, hướng dẫn người dân về kỹ thuật ươm giống, chăm sóc và thu hoạch quế.

Xuân ấm đang về Nậm ĐétMùa thu hoạch.

Đến nay, vùng chuyên canh cây quế của xã đã lên tới hơn 800 ha, chiếm 3/5 diện tích đất tự nhiên, trong đó gần 450 ha đang cho thu hoạch. Từ năm 2000 trở lại đây, trung bình mỗi năm xã Nậm Đét thu hơn một tỷ đồng từ bán vỏ và gỗ quế.

Hầu hết các gia đình người Dao, Mông đều trồng quế, nhiều hộ trồng đến 7 ha. Điển hình là gia đình anh Triệu Kim Vảng (thôn Tống Hạ), mỗi năm thu được hơn 50 triệu đồng. Giờ anh Vảng đã là cán bộ xã rất tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo, vận động bà con phát triển trồng quế, chăn nuôi, được dân yêu, dân quý.

Anh Triệu A Líu, 27 tuổi, người Dao đỏ, ở thôn Nậm Đét tâm sự: “Tôi lập gia đình được hơn 7 năm nay và có hai con. Khi ra ở riêng vợ chồng tôi nghèo lắm, được cấp một mảnh đồi hơn nửa ha trồng cây quế và một túp lều ở tạm.

Đầu năm 2009, được Đoàn xã hỗ trợ 5 triệu đồng và Nhà nước hỗ trợ 12 triệu đồng, cho vay 8 triệu đồng không tính lãi. Thêm nữa các bạn thanh niên trong thôn giúp tôi công lao động nên đã dựng được ngôi nhà gỗ, lợp ngói mới ba gian.

Vợ chồng tôi đã có chỗ ở ổn định. Tôi còn được Đoàn xã đứng ra giúp vay vốn ưu đãi, giúp đỡ làm ăn, bây giờ không còn đói như trước nữa!”.

Mấy năm qua, Nậm Đét có nhiều gia đình thu từ gần 50 triệu đồng mỗi năm, điển hình như các gia đình anh Bàn A Ton, Triệu Kim Hin, chị Triệu Thị Ké... Thấy được hiệu quả trồng quế ở Nậm Đét, người dân các xã Bảo Nhai, Nậm Khánh, Nậm Lúc, Cốc Lầu, Bản Cái... đã đến học hỏi cách trồng, chăm sóc quế để chuyển hướng lao động sản xuất. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, có thu nhập ổn định, một số gia đình đã trở nên giàu có

Cây quế nậm đét đã mang lại ấm no cho nhiều gia đình.

Cây quế đã mang lại ấm no cho nhiều gia đình.

.... Đến mô hình “Vườn quế hạnh phúc”

Giờ đến vùng cao Nậm Đét đâu cũng thấy rừng quế xanh ngút ngàn, bên lề các con đường phơi đầy vỏ quế, mùi hương tỏa ra thơm ngát. Vào mùa thu hoạch, khắp xã vùng sâu này trở nên rộn ràng bởi bà con đoàn kết, giúp đỡ nhau thu hoạch. Những hộ gia đình diện tích quế lớn, ngày thu hoạch phải nhờ hơn 100 người trong thôn, xóm đến giúp đỡ.

Chị Triệu Thị Dần, Phó Bí thư đoàn xã Nậm Đét đưa chúng tôi đến thăm mô hình “Vườn quế hạnh phúc” của tuổi trẻ Nậm Đét tại thôn xa nhất xã - thôn Nậm Đét. Chị Dần cho biết: “Nậm Đét có hai loại hình “Vườn quế hạnh phúc”, một là của các đôi vợ chồng trẻ, hai là của tập thể xã. “Vườn quế hạnh phúc” đầu tiên của tuổi trẻ xã Nậm Đét được trồng cách đây hơn 15 năm do anh Bàn A San, hiện là Chủ tịch UBND xã, nguyên Bí thư đoàn xã làm thí điểm và phát động phong trào.”

Anh Bàn A San là tấm gương điển hình vượt khó làm giàu từ mô hình trồng quế. A San sinh ra trong gia đình nghèo, học hết lớp năm thì phải ở nhà phụ giúp cha mẹ việc nương rẫy. Năm 18 tuổi anh lập gia đình và ở riêng, kinh tế gia đình rất khó khăn.

Lúc đó, theo phong trào trồng quế trong xã, vợ chồng anh cũng khai hoang, trồng 5 ha. Đất không phụ công người, sau ba năm cây quế đã cho thu hoạch tỉa, kinh tế gia đình từ đó khá lên. Sau này, trung bình mỗi năm gia đình anh thu trên 40 triệu đồng tiền bán quế.

Nhớ lại những năm tháng cơ hàn, anh San chia sẻ: “Năm tôi mới lấy vợ nghèo quá. Được chính quyền xã giao đất, giao rừng, chúng tôi cùng thanh niên trong xã bắt tay vào việc khai hoang, cải tạo thành đất trồng quế. Đến nay, 100% cặp vợ chồng trẻ ở Nậm Đét có vườn quế riêng.”

Xã Nậm Đét hiện có 5 trong 8 chi đoàn thôn, bản có “Vườn quế hạnh phúc” (vườn thoát nghèo). Thời gian tới, Đoàn xã phấn đấu mở rộng thêm nhiều vườn mới.

Với cương vị là Chủ tịch UBND xã, anh Bàn A San cho biết, xã Nậm Đét tiếp tục xác định cây quế là cây chủ lực xóa đói, giảm nghèo của địa phương, Đảng ủy xã đã ra Nghị quyết phát triển mở rộng vùng chuyên canh quế, mỗi năm phấn đấu trồng mới từ 60 đến 80 ha quế, khuyến khích đoàn thanh niên mở rộng phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế từ “Vườn quế hạnh phúc”.

Mùa xuân về sớm

Những năm gần đây, người Mông, người Dao ở Nậm Đét đón Tết theo đời sống mới, chỉ “khoanh” lại khoảng 1 tuần, không kéo dài lê thê đến 15 ngày như trước. Họ xác định rõ Tết là dịp để bà con nghỉ ngơi, con cháu chúc mừng ông bà, ông bà chúc phúc cho con cháu và cũng là lúc những người chủ gia đình mài lại cày, cuốc, dao cho sắc để làm vụ năm sau.

Tháng 9 âm lịch, người dân nuôi lợn, gà để dành cho Tết. Từ ngày 27, 28 nhiều gia đình đã rổn rảng thịt lợn, gà. Phần làm giò, phần treo trong bếp và chế biến những món ăn truyền thống. Mâm cỗ cúng làng và cúng tất niên thể hiện cuộc sống no đủ, sung túc của một vùng cao khi đã đuổi được “con ma đói”.

Các đồng chí cán bộ xã cho biết, năm nào cũng vậy, UBND xã kết hợp cùng các thầy cô giáo tuyên truyền, vận động để bà con đón Tết lành mạnh, tránh lãng phí, quá đà.

Năm 2014, Nậm Đét tiếp tục được mùa quế, bà con phấn khởi, xúng xính đi chợ sắm Tết Ất Mùi từ sớm. Bởi thế, dù trời còn lạnh nhưng dường như xuân đã về đây sớm hơn. Hương thơm từ rừng quế bạt ngàn đang tỏa ra thơm phức trong mùa no ấm của mọi gia đình.

Văn Học

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh