THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:00

Sức sống mới trên vùng biên La Lay

Vượt qua thách thức

Xã A Ngo có hơn 90% dân là đồng bào dân tộc thiểu số, bà con canh tác theo các phương thức lạc hậu như: Phát, đốt, cốt (cuốc), trỉa nên cuộc sống nơi đây từng triền miên trong nghèo khó. Thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển và cải thiện cuộc sống cho đồng bào- đó là bài toán, cũng là thách thức lớn đối với chính quyền các cấp ở tỉnh Quảng Trị.

Một góc cửa khẩu quốc tế La Lay.

Khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Với sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã và tới tận thôn, bản; với tinh thần làm việc quyết liệt, chính xác và phối hợp đồng bộ, huyện Đa Krông và xã A Ngo đã đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm, đồng thời thực hiện có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Bộ đội Biên phòng Quảng Trị hướng dẫn đồng bào Pa Cô, Vân Kiều trồng trọt.

Hệ thống các công trình phúc lợi như: Đường giao thông, điện lưới, trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa  đảm bảo phục vụ đời sống dân sinh nơi đây. Đặc biệt, các nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh được chính quyền địa phương phân bổ một cách hợp lý đã góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.

Ăng Công, Kỳ Ne là 2 thôn thuộc diện nghèo nhất xã A Ngo, với gần 100% là đồng bào dân tộc Pa Cô. Cả hai thôn có gần 100 hộ dân, trước năm 2004 hầu hết đều là hộ nghèo. Song nhờ các chính sách, chương trình xóa đói giảm nghèo của Nhà nước như: Chương trình 135, 134; Chương trình hỗ trợ đồng bào vùng biên giới, Chương trình 30a... mà đời sống của người dân đã dần được cải thiện.

Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất

Từ năm 2012 – 2014, xã A Ngo có 10 hộ dân được chọn thí điểm mô hình cam kết thoát nghèo bền vững, mỗi thôn 5 hộ. Bà Hồ Thị Den (thôn Kỳ Ne)- một trong những hộ được chọn thí điểm, chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui vì được Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện để phát triển kinh tế. Trước đây nhà tôi nghèo lắm, phải ăn sắn, ăn chuối thay cơm, nhưng giờ thì đỡ nhiều rồi. Gia đình đã có cơm ăn, con cái cũng được học hết phổ thông”...

Một buổi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của đồng bào Pa Cô ở vùng biên giới La Lay.

Mô hình hỗ trợ cam kết thoát nghèo bền vững ở A Ngo đặt mục tiêu đến cuối năm 2015, các hộ dân sau khi nhận được sự hỗ trợ tích cực từ mô hình sẽ có 100% hộ thoát nghèo bền vững.

Mỗi hộ nghèo khi tham gia mô hình, ngoài việc được hỗ trợ tiền công lao động để phát triển sản xuất còn được hỗ trợ trực tiếp khoảng 30 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản và làm chuồng trại nuôi nhốt; trồng từ 1 - 1,5 sào cỏ voi cung cấp thức ăn về mùa đông cho bò; hỗ trợ giống cây lâm nghiệp, phân bón và một phần công phát thực bì, đào hố, trồng và chăm sóc 1 - 2 ha rừng thâm canh; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón cho vụ đầu tiên (tính từ khi tham gia mô hình) để trồng các loại cây ngắn ngày như lúa nước, ngô, lạc, đậu các loại; hỗ trợ khai hoang, phục hóa hoặc hỗ trợ chuyển nhượng đất sản xuất đối với hộ nghèo không có đất sản xuất; hỗ trợ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các hộ dân có khả năng sẽ được giao khoán bảo vệ rừng và hưởng lợi từ rừng được giao khoán; hỗ trợ vắc xin tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc; được tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và được hướng dẫn, tạo điều kiện vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc không lãi suất để phát triển sản xuất...

Tính đến nay, khoảng 70% số hộ dân ở xã A Ngo tham gia mô hình đều đã thoát nghèo, bước đầu có thu nhập ổn định. Đó thực sự là một bước đột phá và là niềm vui rất lớn đối với người dân, chính quyền địa phương ở vùng biên giới La Lay.

Hải quan và Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay phối hợp làm thủ tục cho hành khách xuất nhập cảnh. 

Sức bật từ cửa khẩu quốc tế La Lay

Đứng chân trên địa bàn xã A Ngo, Cửa khẩu La Lay được Chính phủ 2 nước Việt - Lào nâng cấp thành cửa khẩu quốc gia vào năm 1998. Theo đó, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua La Lay từ 7,7 triệu USD (năm 2010) tăng mạnh lên 63 triệu USD vào năm 2013, ước tính con số này sẽ sớm đạt mốc 100 triệu USD vào 2015 và xấp xỉ 245 triệu USD vào 2020.

Ngày 25/6/2014, tại cửa khẩu La Lay (huyện ĐaKrông, Quảng Trị), Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao Lào tổ chức khai trương cặp cửa khẩu quốc tế La Lay- Salavan. Sự kiện này có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới gồm huyện ĐaKrông (Quảng Trị), huyện A Lưới (Thừa Thiên- Huế) và Sa Muồi (Salavan- Lào).

Đây còn là điều kiện để hình thành Khu kinh tế - thương mại La Lay, vùng kinh tế động lực trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Có 8 trên tổng số 14 xã của huyện ĐaKrông nằm trên tuyến đường kết nối với Cửa khẩu Quốc tế La Lay được hưởng lợi trực tiếp về kinh tế- xã hội, góp phần nâng cao dân trí và cải thiện sinh kế cho cư dân trong vùng.

Lãnh đạo hai nước Việt Nam và Lào cắt băng khai trương cặp cửa khẩu quốc tế  La Lay – Salavan.

Tại buổi khai trương cặp cửa khẩu quốc tế La Lay, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: “Cặp cửa khẩu quốc tế La Lay góp phần thu hút đầu tư của hai nước Việt Nam - Lào và quốc tế vào khu vực này, tạo tiền đề cho việc hoàn chỉnh quy hoạch toàn bộ hệ thống cửa khẩu biên giới hai nước, hỗ trợ cho việc phát triển hành lang kinh tế đông tây, cũng như thúc đẩy tiến trình kết nối ASEAN để tiến tới hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015”.

Toàn xã A Ngo chỉ mới có 13 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp với hơn 25 lao động tham gia sản xuất; 35 hộ kinh doanh cá thể; chưa có cơ sở kinh doanh dịch vụ nghỉ, dưỡng, ẩm thực thật sự nào. “Khu vực La Lay có hơn 80% dân số là đồng bào Pa Kô, Vân Kiều, trình độ dân trí chưa cao, bà con sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng năng suất rất thấp.

Từ khi cửa khẩu đi vào hoạt động đã tạo cơ hội cho bà con làm ăn, từng bước tiếp cận và phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại và du lịch”, ông Hồ Văn Lập, Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo, cho biết.

Được biết, cùng với xã A Ngo hưởng lợi từ sự kiện cửa khẩu La Lay được nâng cấp thành cửa khẩu quốc tế còn có địa phương liền kề là Tà Rụt. Nhiều năm về trước, nhắc đến Tà Rụt, xã nằm sát với A Ngo, người ta nghĩ đó là những bản làng hẻo lánh.

Bây giờ, Tà Rụt đã là thị tứ sôi động trên đường Hồ Chí Minh. Giống như ở A Ngo, đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô sống tại Tà Rụt trước đây chỉ biết làm nương rẫy, nay đã biết sang bên kia làm ăn, buôn bán, hàng hoá nông sản của bà con được xuất khẩu nhiều hơn, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Nhiều hộ dân biết làm dịch vụ, phục vụ hoạt động giao thương qua cửa khẩu ngay tại quê nhà. Nhờ đó, cuộc sống của đồng bào ở vùng cửa khẩu La Lay cũng vơi bớt khó khăn...

Cửa khẩu quốc tế La Lay là một trong những cửa khẩu quan trọng của nước ta, đặc biệt trong quan hệ mở rộng giao lưu phát triển kinh tế giữa các tỉnh khu vực miền Trung với các tỉnh: Salavan, Champasak, Sekong, Atabu (Lào), Ubon Rathatchani, AmanatCharoen (Thái Lan), Preah Vihear, Oddar Meanchay, Strung Treng (Campuchia).

Tỉnh Quảng Trị đang quy hoạch xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu La Lay trở thành đô thị loại 4 trước năm 2020 và đô thị loại 3 vào năm 2025. Đã đầu tư 570 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và hàng chục công trình phụ trợ khác. Tỉnh lộ 588 nối từ ngã ba A Ngo lên Cửa khẩu Quốc tế La Lay đã được nâng cấp lên Quốc lộ 15D.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh