THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:30

Xử lý rác thải rắn xây dựng, chất thải nguy hại tại Thừa Thiên Huế gặp khó: Bài 2: Vì đâu nên nỗi

Nước trong kênh dẫn nước thải tại cụm công nghiệp Hương Sơ có màu đen sẫm và bốc mùi hôi khó chịu

Năng lực có hạn

Theo số liệu của Sở TN&MT, tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có có khoảng 207 chủ nguồn thải CTNH với 350 cơ sở phát sinh CTNH. Tổng khối lượng đăng ký khoảng 400 tấn/năm. Dự báo đến năm 2020, khối lượng RTYTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh ước tính khoảng 1,71 tấn/ngày; chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 21 tấn/ngày và CTNH khác khoảng 22 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay, tại Thừa Thiên Huế chỉ có duy nhất Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO Huế) có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH. Lò đốt CTNH tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt Thủy Phương (Hương Thủy) của Công ty này có công suất xử lý 750kg/giờ, cùng 1 bãi lưu chứa CTNH đã qua khâu xử lý ban đầu tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc.

Nhưng điều đáng nói là, theo báo cáo của Sở TN&MT Thừa Thiên Huế, lượng CTNH mà HEPCO Huế thu gom và xử lý được chỉ có 1,8 tấn/tháng, tương đương 0,06 tấn/ngày. Một tỷ lệ quá nhỏ, chỉ chiếm 1,4% lượng CTNH phát sinh. Theo tính toán thì lượng CTNH khá lớn chưa được xử lý đúng quy định là 6,18 tấn/ngày, tương đương 185,4 tấn/tháng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Trung Khánh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP HEPCO Huế cho biết, hiện công ty đang hợp đồng thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế nguy hại (RTYTNH) cho khoảng 142 trên tổng số 731 bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Thừa Thiên Huế cùng 1 ít cơ sở sản xuất, kinh doanh có phát sinh CTNH khác. Thời điểm đầu tháng 3/2016, báo LĐXH, báo Dân sinh có bài viết phản ánh thực trạng mang RTYTNH ra đốt ở hố lộ thiên tại Khu xử xử lý RTYTNH của Bệnh viện Trung ương Huế. Sau đó, đơn vị này đã thừa nhận sự việc và đã đóng cửa Khu xử lý RTYTNH (đóng tại phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy). Hiện, RTYTNH phát sinh từ hoạt động của Bệnh viện Trung ương Huế (khoảng 600 kg/ngày) được đơn vị hợp đồng với Công ty HEPCO Huế vận chuyển, xử lý. Qua đó, nâng tổng khối lượng CTNH được xử lý tại lò đốt của HEPCO Huế lên con số khoảng 750 kg/ngày.

Mặt khác, theo như kết quả phân tích chất lượng nước thải  của các cơ sở y tế trên địa bàn Thừa Thiên Huế, do Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh này thực hiện thì: mức độ ô nhiễm do nước thải từ các cơ sở y tế chưa qua hệ thống xử lý nước thải là rất cao; các chỉ tiêu rắn lơ lững vượt gấp 3 đến 7 lần cho phép; ô nhiễm hữu cơ khá cao (nhu cầu ôxy sinh hóa cao gấp từ 2 đến 4 lần và nhu cầu ôxy hóa học vượt từ 2,5 đến 7 lần); hàm lượng tổng nitơ trong nguồn thải vượt từ 7 đến 28 lần; chỉ tiêu vi sinh – tổng coliform vượt gấp hàng nghìn lần quy chuẩn Việt Nam. Mức độ ô nhiễm cao là vậy, xong ở hầu hết các bệnh viện, cơ sở y tế tại Thừa Thiên Huế, nước thải sinh hoạt và nước thải y tế hoặc đượng dẫn về xử lý tại hệ thống nước thải hoặc xả trực tiếp ra ngoài cống thoát nước chung hoặc tự ngấm xuống đất qua bể thấm.

Tại các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp cũng không ngoại lệ. Nếu biết rằng, 80% CTNH tại Thừa Thiên Huế phát sinh từ các hoạt động trong công nghiệp, nhưng việc xử lý ở khu vực này lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Thừa Thiên Huế hiện có 6 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế và 17 cụm tiểu thủ công nghiệp. Nhưng trớ trêu thay, ngoại trừ khu công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy) ra, số còn lại đều không có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp tập trung. Lượng chất thải rắn tại các khu công nghiệp ngày càng tăng, nhưng vấn đề thu gom và xử lý còn nhiều bất cập, nhất là đối với việc quản lý, vận chuyển và xử lý theo quy định về CTNH. Không khí ở một số khu công nghiệp, đặc biệt là các khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khoáng sản (KCN Tứ Hạ và La Sơn) bị ô nhiễm nặng, do các nhà máy ở đây sử dụng công nghệ sản xuất cũ hoặc mới đầu tư sơ bộ hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường.

Đó là chưa kể, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có khoảng 88 làng nghề và ngành nghề nông thôn. Nhưng vấn đề xử lý chất thải rắn ở khu vực kinh tế này từ xưa đến nay vẫn còn bị bỏ ngỏ, trong khi đó, ý thức tự bảo vệ môi trường của người dân lại rất thấp. Khi không có cơ sở hạ tầng, người dân không biết đổ chất thải ở đâu, nên buộc họ phải vứt ra đường, xuống ao, hồ, sông ngòi, kênh mương,…tích tụ lâu ngày gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong một lần làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Việt Hùng Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế ) cho biết, năng lực xử lý CTNH ở Thừa Thiên Huế hiện nay vẫn còn rất hạn chế. Mới chỉ có khoảng 6 mã CTNH trong tổng số hơn 200 mã theo quy định là Thừa Thiên Huế có thể tự xử lý được, một số mã được hợp đồng vận chuyển đi các tỉnh khác có năng nực xử lý để xử lý.

Cơ chế xử lý chưa đủ răn đe?

Thực trạng CTNH tại Thừa Thiên Huế rất đáng báo động là vậy, song cơ chế xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước đối với các hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ môi trường liệu đã đủ răn đe hay chưa?

Tháng 1/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành quyết định sử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Hello Quốc tế Việt Nam, do vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tổng số tiền phạt là 180 triệu đồng, tuy nhiên, suốt 1 năm trôi qua công ty này trây ì không chịu nộp phạt. Song, không chỉ riêng gì Công ty Hello này bị xử nhưng không chịu nộp phạt. Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã ra quyết định xử phạt đối với các Công ty TNHH Sản xuất tái chế giấy Hà Xuyên trên 114 triệu đồng, Công ty TNHH Sản xuất giấy Như Ý trên 120 triệu đồng, DNTN Nhựa Thùy Dương trên 94 triệu đồng, DN Thế Phương 57 triệu đồng cùng với hành vi nêu trên.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, lý do muôn thuở việc khó xử phạt được đưa ra vẫn là do khi đi kiểm tra, đoàn kiểm tra không tạm giữ bất kỳ tài sản nào của DN; việc lập đoàn cưỡng chế thì vướng nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều ban ngành…

Nhưng liệu Thừa Thiên Huế đã công bằng trong việc xử lý các đơn vị vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường? Như đã nói, chúng tôi đã từng có bài viết phản ánh về thực trạng xử lý RTYTNH không đúng theo quy định của Bệnh viện Trung ương Huế hồi tháng 3/2016. Trong cuộc họp giao ban báo chí do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức gần đây, phóng viên báo LĐXH đã có câu hỏi chất vấn các vị lãnh đạo chủ trì buổi họp về vấn đề này. Khi đó, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh cho biết rằng đơn vị đã tổ chức đoàn kiểm tra và xác nhận sự việc mà báo phản ánh là chính xác. Bệnh viện Trung ương Huế sau đó đã được cho tự xử lý, tự đóng cửa khu xử lý rác thải. Nhưng câu hỏi về việc xử phạt hành chính đối với bệnh viện này khi có hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của chúng tôi đã không nhận được câu trả lời nào từ đại diện cơ quan chức năng hay lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế. Vậy sự công bằng ở đâu ra?

Bệnh viện Trung ương Huế mang RTYTNH ra đốt ở ngoài hố lộ thiên nhưng không bị xử phạt

Như vậy có thể thấy thực trạng quản lý CTNH trong công nghiệp, y tế, nông nghiệp và làng nghề tại Thừa Thiên Huế còn nhiều vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Hy vọng rằng, với việc UBND tỉnh này vừa ban hành quyết định phê duyệt “Đề án tổng thể thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”, mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách cơ bản.

Thảo Vi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh