CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

 

 

Cơ quan chức năng đã phát hiện Cty TNHH Thức ăn chăn nuôi Trường Phú dùng chất cấm Salbutamol và Vàng ô trong sản xuất cám. Ảnh: Phạm Anh.

 

Bộ NN&PTNT cho biết, mức xử phạt đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và hành vi giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi của chủ cơ sở giết mổ và chủ lô gia súc còn thấp, chưa đủ sức răn đe cũng như chưa hợp lý. Mặt khác, Bộ luật hình sự 2015 được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2016 đã có những điểm mới về việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi cần phải sửa đổi, bổ sung để đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật hình sự 2015.

Vì vậy, tại dự thảo, Bộ này đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo hướng xử phạt nặng hơn như sau: Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi vi phạm giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật chứa chất cấm sử dụng trong chăn nuôi (Quy định hiện hành là 10 – 15 triệu).

Bên cạnh đó, Bộ đề xuất phạt tiền bằng 80% - 100% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi nông hộ nhưng chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm; phạt tiền bằng 100% - 120% tổng giá trị động vật vi phạm tại thời điểm vi phạm nhưng số tiền phạt tối đa không quá 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trang trại hộ nhưng chưa tạo dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm.

Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi vi phạm kinh doanh mỗi loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi không có trong Danh mục thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc không có văn bản cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Xử phạt hành vi đưa nước vào động vật trước, sau khi giết mổ theo giá trị động vật

Ngoài ra, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc xử lý hành vi cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP chưa đảm bảo tính hợp lý, răn đe.

Theo quy định tại Nghị định 119/2013/NĐ-CP, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này quy định chung là 5 – 6 triệu đồng. Điều này có nghĩa rằng: việc cố tình bơm nước vào 2 cá thể động vật là gà và trâu, bò cũng bị phạt cùng một mức phạt, trong khi đó, trọng lượng cũng như giá trị của 2 cá thể này khác nhau. Vì vậy, Bộ đề nghị sửa đổi mức xử phạt đối với hành vi này theo hướng phạt theo giá trị động vật, sản phẩm động vật.

Bộ đề xuất phạt tiền bằng 40% - 60% tổng giá trị động vật tại thời điểm vi phạm đối với hành vi vi phạm cố tình đưa nước hoặc chất khác vào động vật trước và sau khi giết mổ nhưng số tiền phạt tối đa không quá 50 triệu đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến dự thảo này trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh