THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:05

Phiên họp thứ 33 UBTV Quốc hội khóa XIII: Nhà báo tác nghiệp tại tòa chỉ cần trình thẻ

Chỉ gói gọn trong phiên xét xử

     Phạm vi điều chỉnh của dự thảo Pháp lệnh là các hành vi cản trở lỗi do cá nhân, tổ chức gây cản trở hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính của TAND. Theo đó, dự thảo Pháp lệnh dành hẳn chương II, với 9 Điều quy định về các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Pháp lệnh này chỉ nên dừng lại ở những lỗi, hành vi trực tiếp cản trở quá trình tố tụng tại phiên tòa. “Quá trình tố tụng của TAND thì rất dài. Tôi đề nghị chỉ quy định những hành vi nào gây cản trở tới hoạt động tố tụng ở phiên tòa. Những hành vi đó phải rất cụ thể, rõ và đúng thì mới ban hành”, Chủ tịch Quốc hội  Nguyễn Sinh Hùng dứt khoát.

     Đồng quan điểm với Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc K’so Phước nêu quan điểm: Với những hành vi làm giả, hủy hoại chứng cứ; buộc người làm chứng khai báo gian dối; đe dọa xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người tham gia tố tụng... là những hành vi vi phạm luật hình sự chứ không phải là hành vi vi phạm hành chính nữa. “Những hành vi này phải được xử lý theo luật hình sự, không thể chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính”, ông K’so Phước nói.

     Chỉ ra nhiều điểm không thống nhất với Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản luật hiện hành trong dự thảo Pháp lệnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý thẳng thắn: “Pháp lệnh này ban hành cách đây 3 năm thì hợp lý, bởi hiện nay thẩm quyền của TAND đã được mở rộng rất nhiều. Nên để lại và chưa thông qua dự thảo Pháp lệnh này”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

     Quy định về hoạt động tác nghiệp của nhà báo tại phiên tòa cũng nhận được nhiều ý kiến của các thành viên UBTV Quốc hội. Đề nghị bỏ quy định ra khỏi Pháp lệnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dứt khoát: “Nhà báo và nhân dân (trừ các trường hợp đã được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Dân sự) được quyền tham dự đối với những phiên tòa xử công khai. Khi tác nghiệp tại phiên tòa nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ Nhà báo là đủ, sao còn phải đòi thêm “giấy phép con” là giấy giới thiệu? Nếu cơ sở vật chất không đủ để bố trí cho nhà báo tác nghiệp và nhân dân tham gia thì cần bố trí vị trí, chỗ ngồi hợp lý để họ tham gia, tác nghiệp như thế nào để không ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của phiên tòa mà thôi”.

Kiểm toán chỉ tuân theo pháp luật

     Cho ý kiến về một số vấn đề còn khác nhau trong dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), khoản 1, Điều 3 Dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), quy định: “Kiểm toán Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm và báo cáo Quốc hội, Chính phủ cho ý kiến trước khi ra quyết định kiểm toán”. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, nêu quan điểm: Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là cơ quan do Quốc hội thành lập. KTNN hoạt động theo nguyên tắc, “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Do đó, KTNN không phải báo cáo Chính phủ về kế hoạch kiểm toán trước khi ra quyết định kiểm toán. “Quy định KTNN báo cáo Chính phủ về kế hoạch kiểm toán, nếu Chính phủ không đồng ý với kế hoạch kiểm toán thì không kiểm toán nữa hay sao? KTNN chỉ báo cáo Quốc hội khi có kết quả kiểm toán”, ông Lý nói.

     Đồng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dứt khoát: “Bỏ điều này ra khỏi dự án Luật”.

Các nhà báo tác nghiệp  tại tòa

     Về quy định khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo Luật quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại chưa bao quát, cụ thể, thống nhất với Luật Khiếu nại mà cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại của các đơn vị kiểm toán theo từng cấp.

     Tiếp thu ý kiến trên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách và cơ quan soạn thảo thống nhất: Dự thảo luật còn chưa bảo đảm tính cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại của các đơn vị được kiểm toán theo quy định của Luật Khiếu nại. Do đó, hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể hơn về mặt nguyên tắc giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán. Theo đó, Tổng KTNN có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, trường hợp khiếu nại không được giải quyết hoặc đơn vị được kiểm toán không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN thì đơn vị đó có quyền khởi kiện ra Tòa án.

     Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đặt vấn đề: Cơ quan KTNN không phải là cơ quan quản lý nhà nước, do đó  quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN có được xem là quyết định hành chính để các đơn vị có khiếu nại về báo cáo kiểm toán khởi kiện ra tòa theo thủ tục tố tụng hành chính?

Ngọc Ước

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh