THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 10:53

Xu hướng việc làm và kỹ năng của người lao động trong kỷ nguyên số

Ảnh minh hoạ- nguồn Internet.

Ảnh minh hoạ- nguồn Internet.

Số hóa và ứng dụng công nghệ tác động lớn đến việc làm và nhu cầu kỹ năng

Nền kinh tế Việt Nam đã và đang thay đổi kéo theo sự thay đổi của thị trường lao động. Những thách thức mới đối với lao động, việc làm xuất hiện khi ngày càng nhiều lao động không thuộc phạm vi điều chỉnh bởi pháp luật lao động xuất phát từ các tác động của số hóa và ứng dụng công nghệ:

Theo đó, có thể nói, một số công việc cũ mất đi và một số công việc mới xuất hiện khi ứng dụng số hóa và công nghệ. Theo khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, để đáp ứng nhu cầu phát triển các loại hình dịch vụ ứng dụng CMCN 4.0, có 60,9% DN đã có bổ sung vị trí việc làm/công việc mới, đặc biệt các công việc yêu cầu về công nghệ thông tin, các DN thương mại, du lịch, khách sạn có xu hướng gia tăng ứng dụng công nghệ dẫn tới giảm nhân sự ở các ví trí văn phòng hoặc tổng đài dịch vụ khách hàng. Theo một DN tại Đà Nẵng "sử dụng trí tuệ nhân tạo, thực hiện thu thập số liệu hay trả lời tự động có thể tiết kiệm được 70% nhân lực cho công ty".

Bên cạnh đó, quan hệ lao động, quan hệ việc làm thay đổi khi xuất hiện nhiều loại hình nhân sự không chỉ là nhân viên làm theo hợp đồng. Mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người lao động không chỉ ràng buộc về pháp lý - hợp đồng lao động mà còn ràng buộc trên cam kết thực hiện công việc và nguyên tắc chia sẻ công việc, chia sẻ lợi nhuận. Do vậy, khái niệm người lao động, quan hệ lao động được quy định trong Bộ Luật lao động không còn phù hợp đối với một số nhóm lao động. Điều này đặt ra thách thức khi giải quyết các tranh chấp/xung độ lao động trong thực tiễn mặc dù hệ thống các qui định, chính sách pháp luật liên quan về cơ bản đã khá đầy đủ.

Ngoài ra, môi trường và điều kiện lao động thay đổi khi làm việc từ xa trên các ứng dụng công nghệ ngày càng phổ biến, Mark Zuckerberg - người sáng lập Facebook đã cho rằng sẽ có khoảng một nửa công ty làm việc từ xa vĩnh viễn. Số hóa, tự động hóa giúp loại bỏ một số yếu tố môi trường độc hại nguy hiểm nhưng cũng đem lại những nguy cơ mới như: gia tăng mức độ căng thẳng trong công việc do việc tăng cường giám sát công nhân qua thiết bị công nghệ thông tin, ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư không còn rõ ràng; gia tăng công việc ít vận động dẫn tới nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe như béo phì, tim mạch, tiểu đường...; gia tăng số lượng lao động làm việc tự doanh và khả năng nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của các quy định về ATVSLĐ; gia tăng làm việc trực tuyến, linh hoạt, quản lý nhân sự bằng thuật toán và trí tuệ nhân tạo sẽ có thể phá vỡ cơ chế quản lý ATLĐ hiện tại,... Các quy định về điều kiện nơi làm việc, thời gian làm việc không còn phù hợp.

Đặc biệt, nhu cầu kỹ năng và giáo dục đào tạo thay đổi, quan niệm về nghề nghiệp, ổn định nghề nghiệp không còn đúng trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của công nghệ, các kỹ năng trở nên lỗi thời chỉ trong vòng vài năm. Bên cạnh các kỹ năng cứng, người lao động còn phải có các kỹ năng và năng lực xử lý đồng thời nhiều công việc trong thực tế. Theo Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF), hơn 1/3 các kỹ năng cơ bản mà các ngành nghề hiện nay đang cần sẽ bị thay thế bằng các kỹ năng hoàn toàn khác. Trong thế giới tương lai, việc làm và ngành nghề mới sẽ xuất hiện, đòi hỏi người lao động cần được bổ sung năng lực, kỹ năng phù hợp để thích ứng với sự thay đổi liên tục đó. Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD) cho rằng trong tương lai có khoảng 30% việc làm sẽ trải qua quá trình đào tạo lại, bao gồm các kỹ năng mới. Hơn nữa, mức độ phân đoạn thị trường lao động có xu hướng ngày càng gia tăng. Tri thức chứ không phải là vốn sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất trong tương lai. Thị trường việc làm ngày càng tách biệt thành các mảng "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao".

Xu hướng thay đổi chính sách liên quan

Người lao động không còn là người làm công theo nghĩa truyền thống mà là người lao động độc lập thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, là người tự làm chủ, các doanh nghiệp khi đó sẽ không bị yêu cầu phải trả lương tối thiểu hay các phúc lợi xã hội. Theo GS. Klaus Schwab, điều này dẫn đến thách thức to lớn đặt ra cho một thế giới của những người lao động bấp bênh, không có quyền lao động, quyền thương lượng và an toàn nghề nghiệp.

Trước những thay đổi, thách thức này, chúng ta cần điều chỉnh chính sách cho phù hợp với sự thay đổi bản chất của việc làm, quan hệ việc làm và kỹ năng hiện nay như: Trước hết là các chính sách về lao động - việc làm, cần phải quy định phù hợp với đặc điểm, yêu cầu mới về tính linh hoạt của việc làm về thời gian, quan hệ lao động, nơi làm việc, điều kiện làm việc và bảo đảm việc làm. Theo đó, cần nghiên cứu làm rõ mối quan hệ việc làm qua các hình thức tổ chức làm việc khác nhau, điều chỉnh khái niệm về lao động, quan hệ lao động phù hợp với tính hình mới. Quy định pháp luật về ATVSLĐ đảm bảo môi trường và điều kiện làm việc của những loại hình công việc mới. Quy định về tiền lương tối thiểu phù hợp với sự gia tăng chênh lệch về tiền lương và thu nhập giữa nhóm lao động. Quy định về BHXH, BHTN đảm bảo bao phủ hết các nhóm đối tượng, xem xét mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHTN bắt buộc đối với người lao động là cộng tác viên, lao động bán thời gian vì loại lao động này có xu hướng tăng tương lai.

Xu hướng việc làm và kỹ năng của người lao động trong kỷ nguyên số - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ- nguồn Internet.

Thứ hai là, nâng cao hiệu quả công tác quản trị thị trường lao động. Mức độ biến động về qui mô, phạm vi và loại việc làm cũng như kỹ năng nghề nghiệp mà thị trường đòi hỏi sẽ diễn ra liên tục. Điều này đòi hỏi công tác thu thập, nắm bắt, dự báo và phổ biến thông tin thị trường lao động cần phải được thực hiện thường xuyên, nhanh chóng và kịp thời. Công tác dự báo đòi hỏi phải có độ chính xác cao cả trong phạm vi ngắn/trung/dài hạn. Nâng cao chất lượng và đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm, ứng dụng công nghệ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường về thông tin về tính kịp thời, tính kết nối thông tin...

Thứ ba là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu mới của thị trường lao động. Giáo dục và đào tạo sẽ phải chuyển đổi phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ: Đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phát triển hài hòa với các nhóm kỹ năng, các kỹ năng làm việc số, làm việc với công nghệ cần phải được chú trọng; đẩy mạnh giáo dục trực tuyến kết hợp với việc sử dụng phần mềm, công nghệ hình ảnh. Đào tạo tâm thức cho người lao động chuẩn bị thay đổi với các thách thức nghề nghiệp trong tương lai. Khuyến khích tinh thần học tập suốt đời, học tập liên tục trên cơ sở tận dụng những công nghệ học tập mới dựa trên Internet.

Chính sách lao động, việc làm phù hợp với xu hướng mới trong kỷ nguyên số sẽ góp phần tận dụng, phát huy tác động tích cực, đồng thời bảo vệ quyền lợi cho người lao động trước các động tiêu cực của số hóa và công nghệ đem lại.

TS. Chử Thị Lân

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh