CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:03

Thúc đẩy hợp tác APEC vì tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số

 - Ảnh 1Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc 

 

Khu vực diễn ra sự chuyển đổi sâu sắc nhất là về việc làm trong tương lai 

Hôm nay 18/7/2019, Hội thảo APEC về “Đào tạo kỹ năng đổi mới sáng tạo vì tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số” do Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – TB&XH và Ban Thư ký APEC phối hợp tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có hơn 100 diễn giả và đại biểu quốc tế, trong nước, gồm đại diện các nền kinh tế thành viên APEC, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC, đại diện nhiều tổ chức quốc tế và khu vực như Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á-TBD Liên hợp quốc (UNESCAP), Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO)... cùng lãnh đạo và đại diện nhiều Bộ, ngành, doanh nghiệp, trường đại học và các trường dạy nghề tại Hà Nội.

Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Tiến sỹ Rebecca Sta Maria nhấn mạnh trước sự phát triển mang tính đột phá của các công nghệ mới, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực diễn ra sự chuyển đổi sâu sắc nhất là về việc làm trong tương lai.

Tiến sỹ Rebecca Sta Maria đánh giá cao Việt Nam và các nước đồng sáng kiến tổ chức Hội thảo với chủ đề rất thiết thực nhằm đánh giá những kỹ năng sáng tạo cần thiết trong kỷ nguyên số, từ đó thúc đẩy hợp tác APEC để lực lượng lao động trong khu vực có khả năng thích ứng với những thay đổi của việc làm trong tương lai.

Sáng kiến này sẽ đóng góp thiết thực cho việc triển khai các ưu tiên của APEC về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, thúc đẩy xã hội số.    

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh công nghệ số và các công nghệ mới đang tác động căn bản đến nền tảng kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế cũng như thế giới việc làm trong tương lai.

Đây chính là thời điểm APEC cần phát huy hơn nữa vai trò đi đầu thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, bao trùm và bền vững tại châu Á – Thái Bình Dương, đưa khu vực trở thành trung tâm toàn cầu về các công nghệ mới. 

 - Ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh kỷ niệm

Theo đó, trước hết, APEC cần có cách tiếp cận sáng tạo và toàn diện, đồng thời cần có những chương trình hợp tác cụ thể nhằm hướng tới một tương lai việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số. Cần phát triển các kỹ năng sáng tạo, thu hẹp khoảng cách số, thúc đẩy đào tạo chất lượng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao và đào tạo suốt đời.

Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – TB&XH) Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, bước sang thế kỷ 21, thế giới đã chứng kiến những bước nhảy vọt về công nghệ thông tin, internet, tự động hóa, phát triển dựa trên tri thức và trí tuệ nhân tạo. 
“Đồng thời, cũng tạo sự dịch chuyển về nhu cầu sử dụng lao động: từ các công việc chủ yếu là thủ công, đơn giản sang các công việc yêu cầu kỹ năng và trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hơn; từ các công việc truyền thống sang các công việc hiện đại, đòi hỏi những kỹ năng mới; thay thế lao động giản đơn hay trình độ thấp bằng các hệ thống, máy móc tự động hóa“, ông Nguyễn Mạnh Cường nêu thực tế khó tránh khỏi trong kỷ nguyên số.
Ông Cường cũng cho rằng, bên cạnh đó, toàn cầu hóa, già hóa dân số, biến đổi khí hậu và các yếu tố khác đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với thế giới, với các nước thành viên APEC nói chung và Việt Nam nói riêng. „Những tác động này sẽ kéo theo những yêu cầu thay đổi về giáo dục, đào tạo và phát triển kỹ năng, chính sách an sinh xã hội của các nước“, ông Cường nói. 
Theo đó, đại diện của Bộ Lao động – TB&XH nhìn nhận, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần có bước đi phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, chuyển đổi cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 
“Tôi tin tưởng rằng những sáng kiến, kinh nghiệm và những bài học tốt về mặt chính sách và thực tiễn của các nền kinh tế APEC về kỹ năng đổi mới sáng tạo hướng tới việc làm bao trùm trong kỷ nguyên số sẽ giúp chúng ta chủ động đào tạo nguồn nhân lực, điều chỉnh các chính sách về an sinh xã hội”, ông Cường nhấn mạnh.

Đẩy mạnh thực hiện Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề trong APEC

Cùng với đó, cũng cần đẩy mạnh thực hiện Hệ thống giáo dục và đào tạo nghề trong APEC, triển khai hiệu quả Khuôn khổ APEC về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số đã được thông qua tại Hội nghị cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, APEC cần chú trọng hơn nữa hợp tác kinh tế kỹ thuật nhằm hỗ trợ các nền kinh tế thành viên, nhất là các thành viên đang phát triển tiếp cận tốt hơn với công nghệ số, tăng cường khả năng thích ứng, quản lý rủi ro và thu hẹp khoảng cách số. APEC cũng cần tăng cường phối hợp với các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực và liên khu vực trong lĩnh vực này.

Bộ Lao động-TB&XH và nhiều Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, các trường đào tạo của Việt Nam cho rằng nhiều nội dung thảo luận tại Hội thảo như sự thay đổi bản chất việc làm, các kỹ năng sáng tạo trong thế kỷ 21, cải cách hệ thống giáo dục, đào tạo trong kỷ nguyên số, chính sách phát triển thị trường lao động… hiện là những quan tâm hàng đầu của nhiều thành viên APEC.

Việc tăng cường hợp tác APEC sẽ góp phần hỗ trợ Việt Nam trong xây dựng chính sách và triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong hai ngày 18-19/7/2019, Hội thảo sẽ tập trung trao đổi và đề xuất các khuyến nghị cụ thể để trình lên các Quan chức cao cấp tại Hội nghị sắp tới diễn ra vào 29 - 30/8/2019 tại Chile.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh