THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:05

Nhận diện xu hướng việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Ngày 13/8, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo quốc tế về các xu hướng việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu: Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) Cao Thanh Thủy; Viện trưởng viện Khoa học Lao động Xã hội Đào Quang Vinh; Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Đỗ Văn Giang và đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài của Hàn Quốc, Ba Lan, Uruguay, các trường đại học của Hàn Quốc, các đối tác, hiệp hội doanh nghiệp, các trường cao đẳng nghề và đại học Sư phạm Kỹ thuật.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Cao Thanh Thủy phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Cao Thanh Thủy cho biết: ”Hiện lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của Việt Nam tính đến quý I/2019 là 55,4 triệu người, trong đó ước tính 54,3 triệu người có việc làm. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam đang tăng dần theo các năm; từ 53% năm 2016 lên 56,1% năm 2017 và 58,6% năm 2018. Phát triển nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiên đề quan trọng để sử dụng có hiệu quả nguồn lao động, góp phần tích cực vào việc hình thành thể chế kinh tế thị trường, đồng thời tận dụng lợi thế để phát triển, tiến kịp khu vực và thế giới”.

"Để phát triển thị trường lao động, trong những năm qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động, trong đó chú trọng kết nối giữa các địa phương có nhu cầu về nguồn lao động; tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm của các trung tâm dịch vụ việc làm, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng và tay nghề cho người lao động", bà Thủy nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội thảo

Một số điểm nổi bật của thị trường lao động Việt Nam thời gian vừa qua bao gồm việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động tăng dần. Tỉ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động làm việc nước ngoài theo hợp đồng cũng tiếp tục tăng.

Bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động, việc làm và nguồn nhân lực của Việt Nam cũng vẫn tồn tại những hạn chế cần phải khắc phục như: Cơ cấu lao động của Việt Nam còn khá lạc hậu, về cơ bản Việt Nam vẫn là thị trường nhiều lao động trong nông nghiệp, nông thôn với chất lượng cung lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý; vẫn còn một tỷ lệ lớn lao động làm việc trong các nghề giản đơn, không đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật; đặc biệt, số người thất nghiệp có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn còn cao… Chính vì vậy, việc trang bị kiến thức kỹ năng cho nguồn nhân lực tương lai trong bối cảnh hội nhập, các giải pháp hợp tác nhằm kết nối cung - cầu lao động hiệu quả hơn là điều vô cùng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Viện trưởng Viện KHLĐXH Đào Quang Vinh phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận về các nội dung như: Xu hướng lao động, việc làm và phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế; vấn đề lao động, việc làm trong các cam kết thương mại quốc tế; việc làm trong CMCN 4.0; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng hội nhập quốc tế; khảo sát xu hướng việc trong kỷ nguyên số; lao động, cơ hội và thách thức của các cơ sở đào tạo…

Các đại biểu  được nghe các trao đổi kinh nghiệm về việc làm, đào tạo nhân lực gắn với thị trường lao động Hàn Quốc do đại diện Bộ Lao động Hàn Quốc, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Đại học Koreatech, trường Politechnics Hàn Quốc trình bày.

TUẤN ANH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh