THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 06:24

Tương lai việc làm và tác động tới thị trường lao động trong kỷ nguyên số

 

Lao động có trình độ làm tại Cty Panasonic khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).

Lao động có trình độ làm tại Cty Panasonic khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội).

 

Nhiều thách thức và cơ hội

Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2017 cả nước đã tạo việc làm cho gần 1,6 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm xuống còn 3,19%. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, về cơ bản nước ta vẫn dư thừa lao động trong nông nghiệp, nông thôn; vẫn còn tỷ lệ lớn lao động làm trong các nghề giản đơn; chất lượng lao động thấp. Khu vực làm công ăn lương phát triển chậm, tỷ lệ thiếu việc làm vẫn còn khá cao.  Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, khu vực và đang nhận được nhiều làn sóng đầu tư từ nước ngoài. Sự phát triển của công nghệ cũng như thay đổi trong dây chuyền sản xuất được đánh giá là mang tới nhiều cơ hội. Tuy nhiên, do xuất phát điểm, nền tảng, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực… của nước ta còn hạn chế nên thị trường lao động sẽ gặp nhiều thách thức. Chẳng hạn, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ sẽ không còn là yếu tố tạo nên lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Cùng với đó là sức ép về vấn đề giải quyết việc làm và sẽ phải đối mặt với sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Trước những tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiên cứu, dự báo về việc làm và thị trường lao động nhằm tìm ra những chính sách phù hợp để bảo đảm việc làm cho người lao động.

Đối với thị trường lao động, những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 liên quan đến đến số lượng và chất lượng việc làm, chất lượng nguồn nhân lực và chuyển dịch cơ cấu lao động. Theo nhận định của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có sức ảnh hưởng lớn tới ngành dệt may, tự động hóa sẽ thay thế một bộ phận lớn lao động trong ngành này. Với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, khả năng thay đổi sản phẩm nhanh chóng trên cơ sở thiết bị tùy chỉnh, dùng robot bán tự động để làm việc bên cạnh con người để tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng, giảm thiểu tai nạn lao động, thay thế các công việc lặp đi lặp lại, do vậy, cách mạng 4.0 có khả năng làm gia tăng nguy cơ mất việc làm trong ngành dệt may. Một báo cáo mới đây của ILO dự báo, máy móc thiết bị công nghệ 4.0 có thể thay thế 65% lao động dệt may, da giày của Indonexia, 86% của Việt Nam, 88% của Campuchia.

Tuy nhiên, một báo cáo khác của Ngân hàng thế giới (WB) lại cho rằng, dự báo số việc làm mất đi này có thể là quá cao, đặc biệt trong ngắn hạn, đặc biệt trong ngắn hạn. Một số việc làm chưa thể tự động hóa như trang phục đặc chủng, những tri thức ở tầm cao trong chuỗi giá trị, sẽ vẫn tiếp tục tồn tại. Đồng thời, một loạt việc làm mới cũng sẽ xuất hiện như vận hành sửa chữa máy móc, lập trình thiết bị theo phong cách mới hay thiết kế công xưởng để phù hợp với máy móc.  Báo cáo của WB chỉ ra rằng, ước tính tỉ lệ mất việc làm do ứng dụng công nghệ ở Việt Nam là từ 10-70%. Số liệu này cho thấy, rất khó để biết được thời điểm và mức độ tự động hóa sẽ ảnh hưởng đến tính chất, số lượng công việc. Ngoài ra, bên cạnh những việc làm bị mất đi, sẽ có những việc làm điều chỉnh hay xuất hiện mới để thích ứng với công nghệ mới. Trong khi những việc làm yêu cầu kỹ năng toán học, đọc hiểu cơ bản có nguy cơ bị tự động cao thay thế thì những việc làm ít có nguy cơ bị thay thế bởi công nghệ là những việc làm đòi hỏi các kỹ năng của con người (như nghề quản lý), kỹ năng nhận thức bậc khó, kỹ năng đọc hiểu và toán trình độ cao...

 

Lao động tại dây chuyền may xuất khẩu Cty may Sông Hồng (Hà Nội).

Lao động tại dây chuyền may xuất khẩu Cty may Sông Hồng (Hà Nội).

 

Cần nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0

Dự báo cũng cho thấy, cầu lao động đến 2020 là 57,157 triệu việc làm, đến 2025 tăng khoảng 7% là 61, 141 triệu việc làm. Năm 2025, trong số ngành công nghệ và dịch vụ thì ngành tập trung nhiều lao động gồm: công nghiệp chế biến, chế tạo (8,606 triệu người), hoạt động kinh doanh bất động sản (6,982 triệu người); bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô xe máy và xe có động cơ khác (5,622 triệu người), xây dựng (5,501 triệu người), dịch vụ lưu trú và ăn uống (4,798 triệu người) Nghề tập trung nhiều lao động nhất là nhân viên dịch vụ bán hàng (13,019 triệu người), tiếp đến là lao động giản đơn (12,349 triệu người), lao động có kỹ năng trong nông, lâm, thủy sản (9,164 triệu người), thợ lắp ráp và vận hành máy (7,665 triệu người), lao động thủ công và các ngành nghề khác có liên quan (7,457 triệu người.

Theo bà Lê Kim Dung, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), bên cạnh những thách thức về vấn đề việc làm, cách mạng 4.0 có thể tác động tới sự phát triển kinh tế mạnh mẽ và tạo đà thuận lợi cho thị trường lao động phát triển, nhất là khả năng tạo việc làm của nền kinh tế.  Cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng tập trung chủ yếu số hóa, công nghệ robot và tự động hóa.  Vì vậy, xu hướng máy móc thay dần sức lao động của con người là chủ yếu và điều đó dẫn tới sự thay đổi cơ cấu lao đông có việc làm trong 3 ngành kinh tế chính của nước ta. Lực lượng lao động nước ta đến năm 2025 tăng cả về số lượng và chất lượng. Đến 2025, lực lượng lao động nước ta ước đạt 62.638 nghìn lao động; trong đó lao động khu vực thành thị chiếm 39,7% và khu vực nông thôn chiếm 60,3%  tổng lực lượng lao động. Lao động không qua đào tạo đến 2025 ước khoảng 21.359 nghìn người, chiếm 34,1% tổng lực lượng lao động và lao động đã qua đào tạo ước khoảng 41.278 nghìn người, chiếm 65,9% tổng số lao động.

Để nắm bắt được cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, theo Cục trưởng Lê Kim Dung, Việt Nam cần hoàn thiện khung khổ pháp lý để vận hành thông suốt và đồng bộ các thị trường, phát triển các yếu tố thị trường lao động phù hợp với điều kiện trong nước và hội nhập quốc tế; hoàn thiện và tiển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo, tạo việc làm cho các nhóm lao động bởi trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và yêu cầu của tự động hóa, số hóa. Bên cạnh đó, cần nhận thức đúng và tìm hiểu kỹ về công nghệ 4.0 để có sự chuẩn bị kỹ về nguồn lực, tận dụng lợi thế của cách mạng 4.0.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh