CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:26

Xây dựng chính sách giảm nghèo trong kỷ nguyên số

 

Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo, trưởng nhóm nghiên cứu Nguyễn Thắng trình bày báo cáo nghèo đa chiều trong bối cảnh thu nhập trung bình thấp ở Việt Nam. Báo cáo phân tích chi tiết về thực trạng và xu hướng nghèo đói ở Việt Nam dưới các khía cạnh thu nhập, chi tiêu và đa chiều nhằm phục vụ cho việc đánh giá giảm nghèo và thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững. Mục đích của báo cáo nhằm phân tích đặc điểm nghèo và hiện trạng nghèo theo vùng, dân tộc thiểu số, và các nhóm dễ tổn thương từ đó đưa ra một số khuyến nghị chính sách về đo lường nghèo đói và hỗ trợ giảm nghèo trong thời kỳ tới.

 

Vụ trưởng, Chánh văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Ngô Trường Thi phát biểu tại hội thảo.

 

Trong giai đoạn 2016-2020, nghèo được đo lường bằng cả thu nhập và chỉ số đa chiều. Theo đó, hộ nghèo bao gồm: Có thu nhập bình quân từ chuẩn nghèo trở xuống (700 nghìn đồng khu vực nông thôn và 900 nghìn đồng khu vực thành thị); có thu nhập bình quân trên chuẩn nghèo và tới chuẩn cận nghèo (700.000 – 1.000.000 đồng/nông thôn và 900.000 – 1.300.000 đồng/thành thị) và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt trở lên trên tổng số 10 chỉ số.

Theo số liệu thống kê, nếu tính tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo chi tiêu thì năm 2016 ở mức 9,8%; tỷ lệ nghèo thu nhập là 7%; tỷ lệ nghèo theo chuẩn đa chiều ở mức 10,9%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn 2016 – 2020 là 9,1%; hộ nghèo xác định ở đại phương ở mức 10,5% và theo chuẩn nghèo quốc tế là 4,2%.

Trong năm 2016, dân tộc Kinh có tỷ lệ nghèo là 2,9%, thấp hơn nhiều các dân tộc thiểu số: Dân tộc Mông (65,9%), dân tộc Dao (28,4%), dân tộc Thái (26,3%);… Vì thế, những nhóm cần ưu tiên thực hiện chính sách giảm nghèo bao gồm: Nhóm dân tộc Mông, Dao, Thái… Kết quả điều tra cho thấy, năm 2016, tỷ lệ dân số có mức thiếu hụt từ 5 chỉ số trở lên cũng giảm đi. Tỷ lệ này chênh lệch rất lớn giữa dân tộc Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số. Năm 2016, có 0,5% dân tộc Kinh thiếu hụt 5 chỉ số trở lên thì tỷ lệ này trong các dân tộc thiểu số là 8,3%.

 

Các chính sách giảm nghèo tập trung vùng lõi nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Ông Thắng cho biết, mức độ đóng góp của chỉ số nghèo đa chiều của từng nhóm dân tộc lên chỉ số nghèo đa chiều của quốc gia bằng tỷ lệ giữa chỉ số nghèo đa chiều của nhóm nhân với tỷ lệ dân số của nhóm trên tổng dân số chia cho chỉ số nghèo đa chiều quốc gia. Nhóm dân tộc có mức đóng góp nghèo cao là nhóm có mức nghèo đa chiều cao và dân số lớn. Dân tộc Kinh có mức độ đóng góp nghèo cao vì chiếm tới 85% dân số. Mức đóng góp của dân tộc Kinh giảm đi từ 56,3% xuống còn 45,1% trong thời kỳ 2012-2016.  Mức đóng góp của người Mông và các nhóm dân tộc thiểu khác tăng lên theo thời gian, phản ánh mức độ giảm nghèo của các nhóm này thấp hơn nhiều so với các nhóm khác trong cùng thời kỳ.

Cũng theo kết quả điều tra, nghèo đa chiều không có tương quan lớn với giới tính của chủ hộ nhưng có tương quan tới tuổi của chủ hộ. Các hộ gia đình của chủ hộ trẻ tuổi (dưới 31 tuổi) có tỷ lệ nghèo đa chiều rất cao so với các nhóm khác. Nguyên nhân là do các hộ gia đình trẻ chưa tích lũy được tài sản và có mức thiếu hụt cao về các chỉ số điều kiện sống và nhà ở.

Trong kỷ nguyên số, viễn thông đóng vai trò quan trọng và nếu như trước đây thiếu hụt nhiều thì nay thiếu hụt ít hơn. Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cần vượt qua cách tiếp cận truyền thống mà xây dựng chính sách giảm nghèo trong kỷ nguyên số. Các nền tảng công nghệ số giúp giảm mạnh chi phí giao dịch. Vì thế, nếu biết tận dụng các công nghệ số có thể thúc đẩy cả hiệu quả cũng như tính bao trùm của tăng trưởng nói chung và các chương trình giảm nghèo nói riêng

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng, Chánh văn phòng quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi cho biết, sắp tới sẽ tổ chức đánh giá giữa kỳ năm 2018 và kết quả nghiên cứu của báo cáo này là đầu vào rất quan trọng. Đây là báo cáo đầu tiên đo lường nghèo đói bằng chuẩn đa chiều. Hiện nay, quốc tế có rất ít nước có báo cáo về chuẩn này vì vậy đây sẽ là báo cáo được quốc tế rất quan tâm.

Ông Thi cho biết: “Hiện nay, việc xác định đối tượng, hoạch định chính sách và phân loại đối tượng là điều các địa phương đang vướng. Các địa phương đang thắc mắc là vấn đề chính sách: Những hộ nghèo về thu nhập được hưởng đầy đủ các chính sách và đa chiều không được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ. Chính phủ đã có giải pháp đầu tư hỗ trợ vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, trong đó tập trung vùng lõi nghèo, vùng đồng bằng dân tộc thiểu số. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ đầu tư theo vùng, địa bàn để tác động cả người nghèo và không nghèo được hưởng. Bên cạnh đó sẽ đầu tư chính sách theo hộ (chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, giáo dục, hỗ trợ phát triển sản xuất…). Đặc biệt, các chính sách của nhà nước sẽ theo hướng giảm dần chính sách hỗ trợ cho không”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh