CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:03

Việc làm trong kỷ nguyên số

 

Ngành sửa chữa ô tô luôn “khát” công nhân có tay nghề và kỹ thuật cao. 

 

Có thể thấy thời kỳ nào thì nguồn nhân lực cũng là trung tâm, động lực của phát triển. Trong CMCN 4.0, sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin đặt ra rất nhiều yêu cầu, tạo ra nhiều điều kiện mới để phát triển nguồn nhân lực, không chỉ nhân lực có trình độ cao mà còn liên quan tới  mọi tầng lớp lao động, kể cả lao động giản đơn. Đã có nhận định cho rằng CMCN 4.0 sẽ tạo ra nguy cơ mất việc làm hàng loạt, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động; nhưng cũng có nhận  định lạc quan hơn, bao giờ cũng có những ngành nghề, việc làm bị mất đi nhưng số lượng việc làm mới, ngành nghề mới được tạo ra còn nhiều hơn thế. Ai là người nắm bắt được sự thay đổi trước thì người đó sẽ giành được lợi thế.

Bản chất của CMCN 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất là công nghệ sinh học, vật liệu mới, tự động hóa, người máy... Từ đó sẽ có tác động mạnh tới mọi mặt đời sống xã hội, tổ chức và cá nhân. Đối với kinh tế là những thay đổi về tăng trưởng, việc làm và thu nhập. Trong lĩnh vực lao động việc làm, cuộc cách mạng này cũng tạo tác động không nhỏ đến thị trường lao động.Với Việt Nam hiện nay có trên 54 triệu người tham gia lao động và có trên 12 triệu người đã qua đào tạo có bằng với tỷ lệ 23,9%. Như vậy mặc dù nguồn nhân lực của nước ta dồi dào nhưng lực lượng lao động ở nông thôn còn nhiều, trình độ chuyên môn kỹ thuật, công nghệ chưa đáp ứng kịp nhu cầu phát triển thì thách thức từ cuộc CMCN 4.0 là khá lớn, đặt ra nhiệm vụ nặng nề cho những cố gắng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trao đổi với ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT SOFTWARE về nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

Ông Tiến cho hay: “Tôi cho rằng trong 10 năm tới rất nhiều lao động có thể sẽ mất việc khi robot dần thay thế con người. Đây là ảnh hưởng từ công nghệ. Hiện nay công nghệ làm thay đổi cả thế giới, nên chúng ta cần chuẩn bị trước vấn đề này. Để tiếp cận và thích ứng hiệu quả với thị trường năng động, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt quyết định sự thành bại của  hợp tác và cạnh tranh trong thị trường lao động”.

 

Học sinh ngành cơ điện tử tham gia kỳ thi tay nghề thế giới. 

 

Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay của chúng ta đã có một mạng lưới 1974 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đã tuyển sinh khoảng 2,2 triệu người, nhận thức xã hội cũng đã thay đổi, chuyển biến tích cực khi lao động trẻ quyết định tương lai chính là con đường học nghề để lập nghiệp. Chất lượng đào tạo nghề  tuy đang từng bước tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, kỹ năng nghề của học sinh sinh viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo  được nâng cao, nhưng nguồn nhân lực trẻ hay nhân công giá rẻ không thực sự là một lợi thế nữa khi nhu cầu nhân công giá rẻ, kỹ năng thấp sẽ nhường chỗ cho nhu cầu nhân lực trình độ cao. Xét về tổng thể, các công việc an toàn và thu nhập cao hơn có thể sẽ gia tăng sau khi công nghệ thay thế con người, theo đó một phần lực lượng lao động có kỹ năng trung bình như hiện nay sẽ  bị ảnh hưởng nặng nề. Trong một tọa đàm quốc tế  VietNam HR Awards 2017 với chủ đề “Nâng tầm quản trị nhân sự thích ứng CMCN 4.0” do Báo Lao động&Xã hội tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh tháng 8/2017, bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch UNILEVER Việt Nam chia sẻ: “Thế giới hôm nay có sự kết nối rất mạnh mẽ, điều này khiến các doanh nghiệp phải thích nghi với công nghệ, nếu không tận dụng công nghệ thì khó tồn tại, phải đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với công nghệ hiện nay, bởi thực tế tất cả công nghệ hiện nay đang thay đổi mô hình kinh doanh trên toàn thế giới.”

Sự chuẩn bị tốt việc đào tạo, gắn đào tạo với doanh nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0 sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cơ hội việc làm mới tốt hơn do 4.0 mang lại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền  vững. Để giúp lao động có việc làm ổn định  cần thay đổi rất căn bản trong giáo dục đào tạo.

 

Việc làm trong CMCN 4.0 luôn đòi hỏi người lao động có tay nghề cao. 

 

Không chỉ có ngành nghề mới, việc làm mới mà phương thức tổ chức, cung cấp lao động cũng thay đổi,  cần đổi mới trên phương diện ngành nghề, chương trình, giáo dục không chỉ ở bậc đại học mà ngay ở bậc phổ thông. Không chỉ là yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhà trường với doanh nghiệp hay đào tạo các kỹ năng mềm mà còn có một yêu cầu đặc biệt quan trọng là giáo dục ý thức của một lao động có kỹ năng. Cơ sở đào tạo và doanh nghiệp cần được xác định vai trò mới là hai chủ thể của quá trình đào tạo. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp với mô hình hợp tác “Trường -  Doanh nghiệp” sẽ tạo nên sản phẩm nguồn nhân lực chất lượng thích ứng với yêu cầu của doanh nghiệp và sự đổi mới công nghệ. Vừa qua Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã yêu cầu khẩn trương thực hiện 4 chức năng của lĩnh vực việc làm. Trong đó quản lý nhà nước về việc làm, thị trường lao động. Phải dự báo thông tin thị trường lao động; giới thiệu việc làm của hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm. Nghiên cứu dự báo lao động trong những ngành nghề trung hạn, dài hạn, phát triển thị trường lao động một cách đồng bộ, trong đó chú trọng nâng cao năng lực phân tích thị trường lao động và dự báo nhu cầu nhân lực theo cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, đây là một trong những hoạt động đi trước đón đầu các kỹ năng cần thiết cho cho một nền kinh tế thông minh và công nghiệp hóa.

Trong CMCN 4.0 mô hình sản xuất mới là hiện hữu, việc tổ chức lại mô hình, tăng cường phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và nơi sử dụng lao động là quan trọng, xác định CMCN 4.0 là xu thế tất yếu, nó đang diễn ra và không thể cưỡng lại được; ai cũng phải thích nghi bằng cách chủ động học tập, rèn luyện, phải nỗ lực tự vượt qua chính mình, trước hết là tư duy, lề thói làm việc, sau đó là tự học tập, tự trang bị kiến thức, kỹ năng, học nhiều nghề để đáp ứng yêu cầu công việc, đó là chìa khóa để mình tìm việc làm, có việc làm và thu nhập ổn định. Để mỗi độ xuân về ta vui với một nguồn lực lao động tinh hoa trong công nghệ bứt phá.

TRUNG CHÍNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh