THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:30

Xử hình sự người khai gian tài sản?

 

Ngày 16/12, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về hoàn thiện cơ chế kê khai, kiểm soát và minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Giải trình tài sản người thân khi có bất thường

Tại hội thảo, ông Thái Anh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Ban Nội chính Trung ương) cho rằng, đối tượng kê khai tài sản như hiện nay là chưa phù hợp, nhiều trường hợp khó xác định. Từ đó, ông Hùng đề nghị nên nghiên cứu theo hướng quy định: Những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước phải kê khai trung thực…

“Không nhất thiết phải quy định người có chức vụ, quyền hạn phải kê khai tài sản của người thân nhưng cần thiết phải bổ sung các quy định liên quan đến trách nhiệm giải trình đối với những người thân của họ khi những người này có biểu hiện gia tăng tài sản hoặc tiêu dùng lớn.

Đồng thời kết hợp công cụ kiểm soát thuế thu nhập cá nhân để kiểm tra, xác minh trực tiếp đối với những người thân của họ thì sẽ hạn chế tình trạng che giấu bất minh bằng cách chuyển giao tài sản cho người thân”, ông Hùng đề xuất.

Cũng về vấn đề này, ông Phạm Đức Tiến, Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu (Ủy ban Kiểm tra Trung ương) nêu quan điểm: “Cần thu hẹp chủ thể phải công khai việc kê khai tài sản, trước mắt tập trung vào những người có chức vụ quản lý và những vị trí công tác có khả năng dễ xảy ra tham nhũng".

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần xử lý hình sự việc cố ý khai gian, cố ý sửa đổi hay che giấu thông tin tài sản. Ảnh: NGUYỄN ĐỨC


Bám chặt biến động tài sản mới biết giàu bất thường

Ông Tiến cũng cho rằng cần giao một số cơ quan quản lý tập trung bản kê khai tài sản đó là thanh tra và ủy ban kiểm tra các cấp. Đặc biệt cần có quy định chặt chẽ về việc thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng đối với các tài sản có giá trị (chẳng hạn từ 50 triệu đồng trở lên). Đây cũng là kênh quan trọng để kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn làm căn cứ phát hiện hành vi tham nhũng…”.

Ông Hoàng Nam Hải, Vụ Tư pháp Văn phòng Quốc hội, nêu quan điểm về việc xử lý tài sản không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp.

Theo ông Hải, cần hoàn thiện quy định về kết nối thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước trong theo dõi biến động tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Có cơ chế cho việc kết nối thông tin giữa bản kê khai tài sản, thu nhập với bản kê khai thu nhập cá nhân, các giao dịch ngân hàng, các đăng ký quyền sử dụng bất động sản… phải đăng ký của người có chức vụ.

Ông Hải cho rằng chỉ khi theo dõi được những biến động đó thì mới có thể thuận tiện hơn trong việc phát hiện các loại tài sản tăng lên bất thường.

“Vì vậy cần có một trung tâm độc lập có chức năng quản lý và theo dõi việc kê khai tài sản, thu nhập. Trung tâm này có quyền sử dụng dữ liệu của các cơ quan khác nhằm so sánh, tổng hợp những thông tin về các biến động tài sản của người có chức vụ, quyền hạn”, ông Hải nêu kiến nghị.

Cần có cơ quan đặc biệt xử lý về tài sản cán bộ

Tham gia phản biện tại hội thảo, luật sư Trương Trọng Nghĩa, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng tỷ lệ xác minh tài sản hiện nay quá thấp…

Theo ông Nghĩa, tình trạng lạm dụng bảo mật thông tin, thiếu công khai, minh bạch với nhân dân và trong nội bộ vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Việc kê khai nặng hình thức, hầu hết các bản kê khai chưa được kiểm tra, xác minh. Chưa giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được những biến động về tài sản của người có chức vụ, quyền hạn.

Luật sư Nghĩa đưa ra một số đề xuất: Cần phải được điều tra tài sản và việc tiêu xài của thân nhân hoặc những người có quan hệ tài sản, làm ăn. Đồng thời cho phép điều tra đối với việc tiêu xài của người thuộc diện kê khai tài sản ở ngoài nước. Khi phát hiện tài sản bất minh, không giải trình được nguồn gốc thì cần có một quyết định hành chính thu giữ ngay tài sản bất minh đó. Nếu đương sự không chứng minh được tính hợp pháp của tài sản thì bị tịch thu.

Quá trình điều tra nếu cơ quan chức năng phát hiện vi phạm pháp luật hình sự thì bị xử lý theo quy định. Xử lý hình sự việc cố ý khai gian, cố ý sửa đổi hay che giấu thông tin tài sản.

“Cần có cơ quan đặc biệt kiểm tra, xử lý các thông tin về tài sản của cán bộ, không giao cho các cơ quan quản lý cán bộ hay cơ quan thanh tra vì họ sẽ không có năng lực chuyên sâu để phân tích, đánh giá…”, ông Nghĩa đề xuất.

Báo cáo phòng, chống tham nhũng 2016 của Chính phủ cho hay có 414 là số người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập trong tổng số trên 1 triệu người thuộc diện này.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh