THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:00

Kê khai tài sản cán bộ: Đừng trông chờ sự "tự giác"!

 

Đã 10 năm Luật phòng chống tham nhũng có hiệu lực thi hành và cũng chừng ấy năm những con số vẫn gây nhức nhối trong dư luận xã hội, những câu hỏi bị bỏ ngỏ chưa có lời giải đáp. Đó là thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng gây ra được phát hiện trong 10 năm qua là gần 60.000 tỷ đồng và trên 400ha đất, nhưng chỉ thu hồi được 4.670 tỷ đồng và hơn 219ha đất. Đó là chỉ có 118 trường hợp bị xử lý hình sự, 800 trường hợp bị kỷ luật về hành vi tham nhũng và để xảy ra hành vi tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý vì một số vụ án lớn chưa quy được trách nhiệm và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu. Đó còn là con số rất đáng suy nghĩ: 17 người không trung thực trong hàng triệu người phải kê khai tài sản. 

Dù không ngạc nhiên, nhưng nhiều người không khỏi xót xa khi số tiền thiệt hại do tham nhũng được nêu ra tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng diễn ra ngày 12/7 vừa qua, lên tới 60.000 tỷ đồng. Họ nghi ngờ đặt dấu hỏi khi trong số hàng triệu người thuộc đối tượng kê khai tài sản chỉ phát hiện và xử lý kỷ luật được 17 người do không trung thực.

Ảnh minh họa: Dân trí

Vậy, số tiền hàng chục nghìn tỷ đồng do tham nhũng đã thất thoát đi đâu? Ai là người đã thực hiện hành vi tham nhũng? Còn những con sâu mọt nào đã, đang tiếp tục đục ruỗng ngân sách quốc gia, tiền thuế của dân mà chưa bị phát hiện, xử lý? Ngoài 17 trường hợp khai báo gian dối thì gần một triệu người khác phải chăng đã trung thực? Ai đã kiểm tra, giám sát để khẳng định điều ấy?

Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức, có quyền lâu nay vẫn được coi là mấu chốt, là một trong những biện pháp hữu hiệu để ngăn ngừa tham nhũng, phát hiện tham nhũng. Nó đã được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Cán bộ, công chức, viên chức và các văn bản quy phạm pháp luật khác về đối tượng có nghĩa vụ kê khai; biến động tài sản thuộc sở hữu những người trong gia đình; về các loại tài sản phải kê khai. Có nghĩa, không thiếu quy định, cũng không phải là không có chế tài. Nhưng rõ ràng, những quy định này không hề phát huy tác dụng trong thực tế. 

Vì thế, việc khai thì cứ khai còn có đúng hay không, có trung thực hay không, có được công khai, kiểm tra, giám sát hay không lại là câu chuyện khác. Vì thế, chỉ phát hiện ra 17 người gian dối trong gần một triệu đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập. Vì thế, mới có phát biểu thẳng thắn từng làm xôn xao dư luận khi cho rằng “bản kê khai tài sản mang tính hình thức, để hộc bàn thì không có ý nghĩa gì cả”. Vì thế, có thể nói, nó đang là một lỗ hổng dễ bề cho nhiều người lợi dụng để che giấu tài sản chiếm đoạt được của Nhà nước, của nhân dân, mà chỉ khi đã “hạ cánh an toàn” họ mới công khai mở công ty này; xây dựng biệt thự, mua nhà, đất kia.

Và cũng vì thế, nó cần phải được thay đổi, cần có cơ chế bảo đảm cho việc thực thi một cách thực chất; cần sự chặt chẽ, khả thi của pháp luật; của cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, không thể trông chờ vào sự “tự giác”, mà với một số người, đó là điều vô cùng xa xỉ. Và cần thiết hơn nữa là phải có một cơ quan chính thức có đủ thẩm quyền giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện.

Tại Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 đã chính thức giao cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương giám sát, kiểm tra việc kê khai và công khai tài sản của các cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Đây được coi là bước tiến mới trong công tác tổ chức, là giải pháp quan trọng không chỉ khắc phục tình trạng hình thức trong thực hiện kê khai tài sản, mà còn là giải pháp tích cực, tạo ra bước chuyển mới trong công tác phòng chống tham nhũng. Bởi, tùy theo chức vụ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt ở trung ương, địa phương đều thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, kể cả người đã nghỉ hưu. Bởi từ nay, việc yêu cầu khai báo, nắm tài sản của cán bộ đã thuộc về một cơ quan có chức năng giám sát. 

Khi có một cơ quan độc lập, đủ thẩm quyền; khi đối tượng kê khai được thu hẹp; việc kê khai đã trọng tâm trọng điểm; khi trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đã rõ ràng thì sẽ khắc phục được tình trạng “kê khai cho có, kê xong để hộc bàn”; khắc phục vòng luẩn quẩn “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa là cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai lại vừa quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập của họ như đã tồn tại hàng chục năm qua. Đây cũng là một vấn đề được nêu ra khi lấy ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng sau 10 năm thi hành. 

Người dân đặt niềm tin vào sự công tâm, sự thay đổi mang tính đột phá trong công tác tổ chức, cơ chế thực hiện kiểm tra, kiểm soát để phòng và ngăn ngừa tham nhũng; để không còn những con số gây nhói lòng trong công tác đấu tranh chống tham nhũng ở giai đoạn tiếp theo.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh