CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:25

Xét tuyển đại học 2017: Thí sinh cần đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ?

 

Ngoài ra, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng thí sinh cũng cần cân nhắc kỹ. Về cơ bản nguyện vọng thí sinh yêu thích hơn sẽ được đặt lên trên để đạt được các mục đích trên.

 

Dưới đây là trả lời Bộ GD&ĐT về những thắc mắc của thí sinh về thi và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2017:

Phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp

Trong một số tài liệu ghi sau mỗi môn thi sẽ thu lại giấy nháp, vậy thí sinh có được lưu lại kết quả làm bài của mình để dò với đáp án hay không?

Trả lời: Trong kỳ thi THPT quốc gia, các môn thi như Toán, Ngữ văn, các môn ngoại ngữ, thí sinh không phải nộp lại giấy nháp và đề thi. Còn lại, đối với các bài thi tổ hợp, sau hai môn thi thành phần đầu tiên của từng bài thi, thí sinh phải nộp lại đề thi và giấy nháp.

Tuy nhiên, thí sinh không phải nộp lại đề và giấy nháp ở môn cuối cùng của bài tổ hợp (môn sinh học trong bài khoa học tự nhiên và môn giáo dục công dân trong bài khoa học xã hội).

Do các môn thành phần của bài thi tổ hợp được làm trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm nên thí sinh có thể lưu lại phương án trả lời tất cả các môn thành phần của bài thi trên giấy nháp môn thi cuối cùng.

Hỏi: Để có kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, co đẳng thí sinh đã đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp. Nếu có một bài thành phần trong bài thi tổ hợp có kết quả dưới 1,0 điểm, thí sinh có được xét công nhận tốt nghiệp không? Việc sử dụng kết quả thi để xét tuyển sẽ được thực hiện như thế nào?

Trả lời: Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT quy định: Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội.

Quy chế cũng qui định thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội. Trong trường hợp này điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý: đã đăng ký dự thi bài thi tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó, kể cả trường hợp đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp.

Nếu thí sinh đăng ký dự thi cả 2 bài thi tổ hợp mà không dự thi 1 bài sẽ bị coi là bỏ thi bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp và vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp.

Khi thí sinh có kết quả của cả hai bài thi tổ hợp, hệ thống sẽ tự xác định bài tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm “liệt” (điểm từ 1,0 trở xuống) để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

Trường hợp cả hai bài thi tổ hợp đều không có môn thành phần bị điểm “liệt”, hệ thống sẽ chọn bài thi có kết quả cao hơn để xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy, trong 2 bài thi tổ hợp chỉ cần 1 bài không có môn thành phần bị điểm “liệt” là thí sinh được xét công nhận tốt nghiệp.

Đối với bài thi có môn thành phần bị điểm “liệt”, nếu đã tốt nghiệp, thí sinh không thể dùng kết quả cả bài thi đó để xét tuyển đại học, cao đẳng, nhưng vẫn có thể dùng kết quả của các môn thành phần có kết quả trên 1,0 điểm để đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Hỏi: Tại trường THPT thí sinh đang theo học tiếng Anh nhưng thí sinh cũng đã theo học tiếng Đức nhiều năm và có chứng chỉ tiếng B1 tiếng Đức do ZfA cấp còn giá trị, vậy thí sinh có thể dùng chứng chỉ tiếng Đức để đăng ký miễn thi môn ngoại ngữ không? Để lấy kết quả xét vào các trường đại học thí sinh cần đăng ký dự thi môn ngoại ngữ nào?

Trả lời: Theo Quy chế thi THPT quốc gia, thí sinh có thể dùng chứng chỉ B1 tiếng Đức để đăng ký miễn thi môn ngoại ngữ và được nhận điểm tối đa môn ngoại ngữ để xét công nhận tốt nghiệp.

Để xét tuyển vào các trường đại học, thí sinh chọn ngành, chọn trường và chọn tổ hợp mà trường quy định cho ngành đã được chọn để đăng ký dự thi; trong trường hợp ngành/trường lấy các tổ hợp có cả tiếng Anh và tiếng Đức thì thí sinh có thể đăng ký dự thi một trong 2 ngôn ngữ: tiếng Anh hoặc tiếng Đức.

Mỗi tổ hợp là 1 nguyện vọng

Hỏi: Năm nay thí sinh học lớp 12 sắp sửa tham gia kì thi THPT quốc gia để xét tuyển vào đại học, thí sinh có thể đăng kí xét tuyển vào cùng 1 ngành của 1 trường với nhiều tổ hợp được không? Ví dụ như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển sinh ngành Công nghệ Thông tin với 2 tổ hợp Toán, Vật lý, Tiếng Anh và Toán, Vật lý, Hóa học thì thí sinh có thể đăng kí xét cả 2 tổ hợp không?

Trả lời: Thực tế, các trường đại học thường dùng nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành và có quy định cụ thể về cách xét tuyển giữa các tổ hợp này. Để tăng khả năng trúng tuyển, thí sinh có thể đăng ký nhiều tổ hợp để xét tuyển vào một ngành. Tuy nhiên, phải lưu ý

- Mỗi một tổ hợp là một nguyện vọng;

- Nên đặt tổ hợp gồm các môn thi mà thí sinh có ưu thế ở thứ tự ưu tiên cao hơn.

Hỏi: Thí sinh có thể đăng kí một lúc 2 ngành vào cùng 1 trường đại học không? Và thứ tự xét tuyển như thế nào?

Trả lời: Theo Quy chế tuyển sinh năm 2017, thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Ở mỗi nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, mã tổ hợp để xét tuyển.

Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành/nhiều tổ hợp trong một trường; mỗi ngành/mỗi tổ hợp trong ngành là một nguyện vọng. Khi đăng ký xét tuyển, ngay từ đầu, thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đó.

Hỏi: Hiện tại thí sinh đang học ở ngoài Bắc và thí sinh có dự định sau khi kết thúc kì thi THPT quốc gia, biết điểm thí sinh sẽ nộp vào trường đại học ở khu vực TPHCM liệu có được hay không?

Trả lời: Ngay từ bây giờ, khi đăng ký dự thi, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển vào các trường đại học ở phía Nam (những trường có vùng tuyển sinh trong cả nước).

Trong trường hợp chưa đăng ký xét tuyển vào các trường này thì sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể thay đổi, bổ sung nguyện vọng một lần để đăng ký bổ sung các trường đại học tại TPHCM.

Không hạn chế số nguyện vọng

Hỏi: Với xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, thí sinh cần đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ? Các thí sinh cần chú ý những gì?

Trả lời: Mặc dù Quy chế tuyển sinh không hạn chế số nguyện vọng, nhưng thí sinh cần cân nhắc xem xét kỹ từng nguyện vọng trước khi đăng ký, phải đảm bảo các nguyện vọng đăng ký phù hợp với năng lực của mình nhưng cũng là những ngành mình yêu thích để đảm bảo được làm công việc yêu thích hoặc phù hợp với năng lực, khi đã trúng tuyển không phải cân nhắc việc có nên nhập học hay không.

Tại thời điểm này, thí sinh chưa có kết quả thi, nên về cơ bản thí sinh phải chọn cả 3 trường/nhóm trường: nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh một chút; nhóm trường hoàn toàn phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng những rủi ro khi thi cử.

Ngoài ra, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng cũng cần cân nhắc kỹ. Về cơ bản nguyện vọng thí sinh yêu thích hơn sẽ được đặt lên trên để đạt được các mục đích trên.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh