CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:19

Xét oan sai không hạn chế thời gian

 

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn.


Không có “điểm dừng”

* Có nghĩa giải quyết đơn kêu oan sẽ không khống chế thời gian, thưa ông?

- Đúng vậy! Giải quyết oan sai, minh oan cho một người nào đó thì không khống chế thời gian, không có điểm dừng. Có những vụ đã xử cách đây hàng chục năm, TAND Tối cao vẫn xem xét, giải quyết, xác định có oan hay không để trả lời người dân. Tất nhiên, có những trường hợp đã được xem xét, giải quyết nhiều lần, xác định rõ không có oan, sai thì đến một lúc nào đó, TA sẽ có thông báo chính thức trả lời không thụ lý giải quyết vụ việc đó nữa.

* Nếu không có “điểm dừng” trong giải quyết đơn kêu oan, vậy có “đụng trần” theo quy trình tố tụng?

- Có “đụng trần”! Vì có những vụ án Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao - cơ quan xét xử cao nhất đã kết luận rồi. Như vụ Nguyễn Văn Chưởng (Hải Phòng) cùng 2 đồng phạm khác phạm các tội “giết người, cướp tài sản”, Quốc hội khóa trước, Ủy ban Tư pháp, Văn phòng Chủ tịch nước đã nghe, giám sát, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cũng cho rằng đã xử đúng. Nhưng người ta vẫn kêu oan và bây giờ đặt ra có xem xét lại không, trong khi cơ chế xem xét lại không có. Dù vậy, TAND Tối cao có thể vẫn xem xét lại để báo cáo Quốc hội. Cho nên, các dự thảo Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Hành chính, Bộ luật Tố tụng Dân sự đang lấy ý kiến có đặt vấn đề xem xét lại và vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

* Nếu xem xét lại, thủ tục có khác?

 Tất nhiên là có khác. Sau khi Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã xử rồi mà còn có ý kiến khác nhau, còn có đơn kêu oan thì sẽ xem xét lại theo trình tự đặc biệt. Lúc đó, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao sẽ xem xét lại chính quyết định của mình xem có làm sai hay không. Còn theo thủ tục giám đốc thông thường, Chánh án TAND Tối cao sẽ xem xét và kháng nghị luôn, sau đó đưa ra hội đồng tòa chuyên trách hoặc Hội đồng TAND Tối cao xét xử.

* Như ông nói, hành lang pháp lý để TA quyết định dừng xem xét đơn kêu oan còn thiếu, khiến cơ quan giải quyết có khi “mệt mỏi”, còn người dân lại nghi ngờ thiếu khách quan?

- Vấn đề này đang có nhiều ý kiến khác nhau. Có người đặt nghi ngờ, TA trả lời như thế không biết có khách quan, công tâm hay không. Nhưng với trách nhiệm của những người làm công tác xét xử, khi xác định trả lời là khách quan, công tâm. Thực tế, cũng có những trường hợp trả lời rồi vẫn có kháng nghị, Chánh án TAND Tối cao sẵn sàng ký kháng nghị, chứ không phải mình sai rồi mà cố tình bảo vệ cái sai. Với lương tâm, trách nhiệm người đứng đầu không cho phép như thế. 

Lấy ngân sách để bảo đảm quyền lợi của người bị oan

* Có ý kiến cho rằng, TA vừa gây ra oan sai lại vừa bồi thường, như vậy có công tâm, khách quan không, thưa ông?

Đây đang là vấn đề cần đặt ra để xem xét sửa đổi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Bộ Tư pháp và ngành TA đều có đề nghị nên để cho một cơ quan đại diện cho Nhà nước đứng ra bồi thường oan, phối hợp xin lỗi. Có ý kiến cho rằng nên giao việc bồi thường cho Bộ Tư pháp, theo cá nhân tôi thấy hợp lý. Nên có một cơ quan thay mặt Nhà nước đứng ra giải quyết việc bồi thường. Việc bồi thường phải dựa trên cơ sở pháp luật, chứng từ. Còn trong một số trường hợp, thực tế xảy ra thì phải xem xét. Còn việc dân sự cốt ở đôi bên.

* Dư luận bức xúc khi lấy tiền ngân sách Nhà nước mà cụ thể là tiền thuế của dân để bồi thường cho hành vi vi phạm của cán bộ để oan sai?

 - Lấy ngân sách Nhà nước là nhanh nhất để bảo đảm quyền lợi của người bị oan sai. Chứ ông cán bộ chắc gì đã có số tiền lớn như thế để bồi thường cho người bị oan sai được. Tất nhiên, hiện nay vấn đề thủ tục trong bồi thường vẫn chưa bảo đảm nhanh chóng. Còn khi xác định rõ trách nhiệm của cán bộ làm sai thì phải bồi hoàn số tiền Nhà nước đã bồi thường và xử lý như thế nào thì phụ thuộc vào từng vụ án trong thực tế. Vấn đề là xác định lỗi mới khó khăn, nếu đã xác định được lỗi của cán bộ sai phạm rồi thì không khó.

* Để tránh oan, sai, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, một trong những giải pháp được TAND Tối cao đưa ra là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ?

- TAND Tối cao có nhiều đơn vị thực hiện thanh tra, kiểm tra. TA luôn tăng cường nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra công tác nghiệp vụ và việc thực hiện kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức, nhằm khắc phục những sai sót nghiệp vụ, phát hiện, xử lý kịp thời cán bộ, công chức có hành vi vi phạm.

Trong trường hợp có đơn thông thường Tòa chuyên trách sẽ giải quyết. Còn đơn tố cáo vi phạm tố tụng, phẩm chất của thẩm phán hay báo chí phản ánh, Ban Thanh tra TAND Tối cao sẽ xem xét, kết luận đúng hay không đúng. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, Ban Thư ký sẽ trực tiếp xem xét vấn đề khiếu nại, tố cáo bản án đã có hiệu lực pháp luật. Có thể nói, thanh tra, kiểm tra công vụ là việc làm thường xuyên của ngành TA.

* Xin cám ơn ông!


6 tháng đầu năm 2015, TAND các cấp đã giải quyết 161.074/251.522 vụ việc, đạt tỷ lệ 64%; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,49% (giảm 0,21% so với cùng kỳ năm 2014). Các tội phạm về tham nhũng đều được xét xử nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước, tỷ lệ các bị cáo phạm tội tham nhũng được TAND cho hưởng án treo chỉ chiếm 12% trong tổng số các bị cáo đã xét xử, giảm hơn 3% so với cùng kỳ năm trước.

* Các TAND cấp tỉnh cũng đã giải quyết 60 khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị các quyết định của TAND trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức tiếp tục được tăng cường. Việc xử lý cán bộ, công chức vi phạm được thực hiện nghiêm túc theo các quy định của pháp luật và quy định của TAND. Qua công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã xử lý kỷ luật 18 cán bộ, công chức TAND địa phương và chuyển cơ quan chức năng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 4 trường hợp.

Nguyễn Thanh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh