Xây dựng thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 13:41 - 13/03/2017
Tập trung vào nhóm thanh niên khởi nghiệp sáng tạo
Tại hội nghị, các Ủy viên UBQG về thanh niên Việt Nam đã tập trung vào thảo luận các vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và việc định hướng tư tưởng cho thanh thiếu niên trước nhiều sự thay đổi của tình hình trong nước và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, cần sớm tổng kết việc thực hiện Luật thanh niên năm 2005 để đề xuất bổ sung những điều khoản mới được cập nhập theo tình hình thay đổi hiện nay. Phải quy định rõ và riêng biệt về quyền của thanh niên và cơ chế phối hợp của các Ban, ngành trong công tác thanh niên. Đề xuất các cơ chế, chính sách cần tập trung vào nhóm khởi nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ thông tin và các thành quả về công nghệ trên thế giới cũng như tại Việt Nam để phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai.
Đề xuất chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp sáng tạo.
Riêng với nhóm hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ và xuất ngũ, Thiếu tướng Lê Hiền Vân, Phó Chủ nhiệm Tổng cục chính trị quân đội nhân dân Việt Nam đã chỉ ra thực tiễn còn rất nhiều vấn đề bất cập khi các binh sĩ xuất ngũ mong muốn được khởi nghiệp. Ông cho rằng hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh niên xuất ngũ cũng đóng một phần rất quan trọng và cần được đánh giá, rà soát cẩn thận. Có những đồng chí được phát triển Đảng trong quân đội, được rèn luyện về bản lĩnh và ý chí, nhưng khi trở về địa phương không phát huy được năng lực, không tìm được việc làm dẫn đến lãng phí nguồn nhân lực.
Nhiều đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh tuyên truyền nhận thức và định hướng tư phù hợp cho thanh thiếu niên do quan niệm phải học đại học, trong khi thị trường lao động đang thiếu nguồn lao động tay nghề cao nhưng tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp nhiều. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách dành cho các nhóm đối tượng thanh niên: Thanh niên công nhân, thanh niên nông thôn, thanh niên công giáo, phụ nữ trong độ tuổi thanh niên còn gặp nhiều khó khăn để các sớm giúp thanh niên bình ổn cuộc sống và đóng vai trò vào công cuộc xây dựng kinh tế xã hội tại địa phương.
Cảnh báo trào lưu: Đủ like là làm, khoe thân,…
Theo Báo cáo tình hình thanh niên do Viện Nghiên cứu Thanh niên, Trung ương Đoàn đưa ra tại nghị, bên cạnh việc hướng tới những giá trị sống tốt đẹp của phần đông thanh niên, một bộ phận nhỏ thanh niên đang chịu ảnh hưởng và ngả theo những xu hướng sống tiêu cực, không lành mạnh. Trước hết, phải kế đến trào lưu tiêu cực “Nói là làm”, “Đủ like là làm” rộ lên trên các diễn đàn, mạng xã hội như: “Nếu nhận đủ 40.000 like sẽ dùng xăng tự thiêu”; “60 like và 15.000 share sẽ mặc đồ lót nhảy cầu và uống hết một ca nước sông”, “7.000 like, 77 bình luận, 777 share thì mình sẽ không mặc gì chạy vòng quanh Trường đại học...”; “Nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường”...
Những hành động thiếu lành mạnh này phản ánh sự lệch lạc trong suy nghĩ một bộ phận giới trẻ với mong muốn mua vui, “câu” like, được nổi tiếng... bất chấp danh dự, tính mạng và vi phạm pháp luật. Còn với đám đông những người vô tâm, vô tình, không chịu sự ràng buộc hoặc liên luỵ nên dễ dàng bấm nút like. Bên cạnh đó, một trào lưu khác được bộ phận giới trẻ theo đuổi là trào lưu khoe ảnh sau khi ân ái (Aftersex); hiện tượng tự hành xác để thoát khỏi cảm xúc buồn chán, thất vọng... Những lối sống mang tính tiêu cực này nếu không được kiểm soát và định hướng kịp thời sẽ dần lan rộng và huỷ hoại lối sống của giới trẻ hiện nay.
Đại đa số thanh niên phản đối, không chấp nhận những trào lưu, xu hướng thiếu lành mạnh, có ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thanh niên như: Trào lưu chụp ảnh selfie mạo hiểm, hút thuốc lá điện tử, đả kích “ném đá” trên mạng xã hội… Đồng thời, đề cao và khuyến khích sự phát triển của trào lưu mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội cũng như thể hiện tính tích cực xã hội của thanh niên như trào lưu thành lập các nhóm, hội heo sở thích trên mạng xã hội; trào lưu giúp đỡ thiện nguyện.
Cũng theo báo cáo, những vấn đề mà thanh niên quan tâm, bức xúc hiện nay, đó là: Tình trạng cá chết tại các tỉnh miền Trung, tình trạng tiêu thụ và sản xuất thực phẩm bẩn, tình trạng buôn lậu, hàng giả tràn lan; tình trạng người đã qua đào tạo ở trình độ cao thất nghiệp ngày càng tăng. Hay tình hình tai nạn giao thông, vấn đề môi trường sống thiếu an toàn với nhiều vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra, hay vấn đề giá cả xăng dầu, vấn nạn “bôi trơn” khi làm các thủ tục hành chính, lừa đảo ở các công ty đa cấp, tình trạng khủng bố diễn ra tại nhiều quốc gia…