THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:03

Thách thức và cơ hội cho nữ thanh niên nhập cư

Theo một báo cáo mới đây của Tổ chức ActionAid, lao động nhập cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ, trong đó có hơn 60% là phụ nữ. Mặc dù vậy, có hơn một nửa phụ nữ đã có gia đình, có đến 62% phụ nữ có con cái và khoảng 40% đang sống cùng với con cái của họ tại điểm đến. Gần 80% phụ nữ thuê nhà trọ tạm bợ, điều kiện sinh hoạt - vệ sinh tồi tàn, đa phần không có hợp đồng thuê trọ mà chỉ có thỏa thuận miệng. Các chi phí cho sử dụng nước, sử dụng điện đều cao hơn so với mức thông thường, chính sách bảo hiểm xã hội, lao động, việc làm, an toàn,… họ đều không nắm được.

Việc làm của lao động nữ nhập cư vẫn còn nhiều bất ổn

Nếu thống kê thì có lẽ có hàng trăm đáp án cho câu hỏi vì sao nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư lên thành thị kiếm sống. Nào là gia cảnh khó khăn, bị vợ/chồng ruồng bỏ, không muốn cắp sách đến trường, bị thu hồi đất – thu hồi tư liệu sản xuất, quá trình đô thị hóa,…lên thành thị, họ làm đủ các công việc, bưng bê nhà hàng, công nhân, giúp việc, công trường xây dựng, bán hàng rong,…

Như một bạn nữ tâm sự: “Sinh ra ở một xã nghèo thuộc tỉnh Hòa Bình, may mắn hơn một số bạn cùng trang lứa, tôi được bố mẹ cho học hết lớp 12 nhưng không thể tiếp tục nuôi tôi học đại học. Mẹ có một quán bán rau và hoa quả ở chợ và chỉ đủ chi phí tối thiểu cho cả gia đình. Tôi đã thử tìm việc nhưng không có bất cứ cơ hội việc làm nào ở quê. Tôi mang theo ba bộ hồ sơ xin việc và đến khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội). Sau 5 ngày đi tìm kiếm cơ hội việc làm, tôi được một chị cùng khu trọ giới thiệu nộp hồ sơ cho một công ty có vốn nước ngoài ở Bắc Ninh. Tôi được nhận vào làm với công việc lắp ráp linh kiện. Họ không yêu cầu tôi phải được đào tạo ngành nghề gì vì công việc của tôi rất đơn giản làm theo dây chuyền. Với tôi, dành từ 10 đến 12h tại công ty với thu nhập hơn 4 triệu đồng/tháng là một ước mơ lớn. Cuộc sống của tôi 3 năm qua là làm việc tại nhà máy và ngủ tại nhà trọ. Tôi chưa biết tương lai sắp tới của mình như thế nào. Nếu bị công ty cho nghỉ việc, chắc tôi sẽ trở về quê, nhưng cũng chưa biết làm gì vì tôi không có thêm được kiến thức, kỹ năng gì cho một công việc khác. Bố mẹ tôi hàng tháng vẫn nhận tiền tôi gửi về nhưng bố mẹ không biết tôi làm gì ở đây và nơi ở của tôi như thế nào…”.

Tâm sự trên chất chứa nguyên nhân, ước mơ và thực tế trong các chuyến nhập cư. Kết quả khảo sát của Tổ chức Plan International Việt Nam tại khu công nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh (Hà Nội) hồi cuối năm 2016 cho thấy: Có 86% nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư không biết mình sẽ làm công việc gì khi đến thành phố;  81% đang làm các công việc mang tính thủ công, không giúp họ có một nghề ổn định sau khi nghỉ việc; 53% không thích công việc hiện tại và mong muốn chuyển sang công việc bền vững hơn; 75% mong muốn được bắt đầu công việc kinh doanh để ổn định thu nhập; 89% thiếu các thông tin về nơi ở trọ an toàn trước khi rời nhà; 100% cho biết thông tin về nhà trọ an toàn và công việc bền vững là vô cùng quan trọng để giúp họ an toàn và an tâm hơn khi kiếm sống tại thành phố… Với những con số đó, để giải quyết được vấn đề tạo cơ hội việc làm bền vững và an toàn cho nữ thanh niên nhập cư là những trăn trở bấy lâu của các cơ quan quản lý nhà nước, của các tổ chức xã hội và cơ quan hợp tác quốc tế.

Riêng tại Hà Nội, dự án “cơ hội việc làm bền vững và an toàn cho nữ thanh niên nhập cư” đã được khởi động. Dự án có sự chung tay góp sức của các đối tác với số tiền hàng chục tỉ đồng, gồm: Tổ chức Plan International Việt Nam, Trường Trung cấp Kinh tế-kỹ thuật Bắc Thăng Long, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh, Viện Phát triển sức khỏe, cộng đồng-Ánh sáng (LIGHT) và đặc biệt là Đại sứ quán Australia tại Việt Nam.

Ông Layton Pike, Phó đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, tháng 11/2016, Đại sứ quán Australia đã công bố chiến lược đầu tiên của nước này về bình đẳng giới, định hướng cho các hoạt động của Australia tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. Chiến lược bình đẳng giới này rất phù hợp với Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Việt Nam với trọng tâm thúc đẩy vai trò lãnh đạo và khả năng làm kinh tế của phụ nữ. Thông qua chiến lược này, Australia hỗ trợ việc xây dựng và thực thi các chính sách của Việt Nam, nhằm gỡ bỏ các rào cản cản trở phụ nữ tham gia vào phát triển kinh tế. Và như vậy, từ nay đến năm 2019, hàng chục nghìn nữ thanh niên và phụ nữ nhập cư tại Hà Nội được tiếp cận và sử dụng điểm cung cấp thông tin về nơi ở và công việc an toàn; tiếp cận các dịch vụ xã hội và y tế; được hỗ trợ từ nhóm đồng đẳng để giảm nguy cơ tổn thương do bạo lực trên cơ sở giới; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội phù hợp; được đào tạo và hỗ trợ để bắt đầu hoặc tham gia vào các hoạt động kinh doanh nhỏ; và đặc biệt là được tham dự chương trình đào tạo các kỹ năng chuyên nghiệp theo định hướng thị trường lao động và các khóa đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sẵn sàng làm việc để cải thiện các kỹ năng cần cho việc làm bền vững.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh