Chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng phải đặt con người là trung tâm
- Bài thuốc hay
05:22 - 15/05/2019
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Chính sách lao động việc làm góp phần giải quyết việc làm cho người lao động
Hội thảo nhằm tham vấn các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước về “kết quả thực hiện các chính sách lao động, việc làm (LĐVL) và đột phá phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020”, cũng như nhận định “các vấn đề đặt ra đối với phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động Việt Nam cho 10 năm tới”.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nêu rõ, tính đến nay, hệ thống luật pháp, chính sách LĐVL và phát triển kỹ năng đã được thiết kế, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền và lợi ích của NLĐ và thúc đẩy công bằng xã hội. Các chính sách LĐVL và phát triển kỹ năng đã phát huy tác dụng, góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ, giảm thất nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân và thúc đẩy thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc xây dựng và thực thi các chính sách LĐVL và phát triển kỹ năng trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, như: Hệ thống luật pháp chính sách chưa đầy đủ. Một số không phù hợp với thực tiễn, nhưng chậm được điều chỉnh; Thị trường lao động hoạt động kém hiệu quả ở nhiều khâu: Thông tin, dự báo, kết nối cung cầu, xác định tiền lương, dịch vụ việc làm, các thiết chế thị trường lao động; Quan hệ lao động diễn biến phức tạp, đối thoại xã hội kém hiệu quả, lúng túng trong phương pháp và xây dựng các thiết chế xử lý tranh chấp lao động và đình công; Chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, việc sử dụng còn nhiều bất cập, hiệu suất và năng suất thấp, chưa tận dụng được lợi thế thời kỳ dân số vàng; Hệ thống quản lý, theo dõi và giám sát chính sách còn kém hiệu quả, chậm đổi mới và chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết: Hệ thống luật pháp, chính sách LĐVL và phát triển kỹ năng đã được thiết kế, bổ sung, sửa đổi phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế-xã hội.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng nêu ra những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, đó là sự già hóa dân số (dự báo đến năm 2035, số người trên 60 tuổi chiếm trên 20% dân số). Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đặt ra những vấn đề mới về xác định vị thế của NLĐ, tham gia BHXH, BHTN. Về hội nhập quốc tế, đặt ra những vấn đề mới về tiêu chuẩn lao động, tiêu chuẩn nghề nghiệp. Về biến đổi khí hậu, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm hàng chục triệu người bị mất sinh kế, mất việc làm. Đô thị hóa diễn ra nhanh, di cư lao động ồ ạt hơn trong khi phát triển hạ tầng xã hội không theo kịp, quản lý xã hội và nhiều vấn đề xã hội phát sinh.
Từ các vấn đề nêu trên, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp mong muốn, hội thảo đề xuất được những Định hướng chiến lược phát triển lĩnh vực LĐVL và phát triển kỹ năng giai đoạn 2021-2030.
Hoàn thiện thể chế thị trường lao động
Tại hội thảo, báo cáo tổng quan về chính sách LĐVL và phát triển nguồn nhân lực (NNL) giai đoạn 2011-2018, TS. Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, về lực lượng lao động tăng từ 51,7 triệu người năm 2011 lên khoảng 55,4 triệu người năm 2018 (tăng 1%/năm, tốc độ tăng đã giảm dần do tác động của già hóa dân số). Việc làm tăng từ 50,7 triệu người năm 2011 lên 54,2 triệu người năm 2018 (tăng 1,1%/năm); Tỷ lệ thiếu việc làm giảm từ 5,48% năm 2011 xuống 1,46% năm 2018. Tỷ trọng lao động trong nông nghiệp giảm từ 48,3% năm 2011 xuống còn 38,1% năm 2018. Tỷ lệ lao động làm công hưởng lương tăng từ 35% năm 2011 lên khoảng 45% năm 2018.
Tiền lương cơ sở được điều chỉnh hàng năm với mức tăng khoảng 10%. Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương bình quân của NLĐ tăng 10,87%/năm (giai đoạn 2012–2018). Về quan hệ lao động, số lượng tổ chức Công đoàn tăng; đã hình thành các thiết chế ba bên thực hiện vai trò tham vấn về các vấn đề quan hệ lao động. Các hoạt động về An toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động (TNLĐ) được kiểm soát và kiềm chế ở một số lĩnh vực; phạm vi thống kê TNLĐ được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động.
Cùng với đó, số lao động hàng năm đi làm việc ở nước ngoài tăng khá nhanh, từ 88,3 nghìn người năm 2011 lên 142,9 nghìn người năm 2018. Hơn 90% số lao động đi làm việc ở các thị trường có thu nhập cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Về phát triển nguồn nhân lực, lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 9,45% năm 2011 lên 22,22% năm 2018. Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuyển sinh học nghề có bước chuyển biến. Dạy nghề cho lao động nông thôn được chú trọng; nhận thức của người dân về học nghề có sự chuyển biến căn bản.
Để vượt qua các thách thức và tận dụng tốt nhất các cơ hội mới, chính sách LĐVL trong thời gian tới, TS. Đào Quang Vinh cho biết, cần tập trung vào xây dựng các thể chế, chính sách hướng đến thị trường lao động công bằng và hiệu quả thông qua cơ chế ba bên và đối thoại xã hội. Hoàn thiện thể chế thị trường lao động, mở rộng diện bao phủ và hiệu lực ra khu vực phi chính thức và khu vực nông nghiệp; các chính sách hỗ trợ, tạo việc làm và an sinh xã hội cho các nhóm lao động yếu thế và dễ bị tổn thương. Đổi mới về tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả công lao động; gắn sử dụng, đánh giá với đào tạo nguồn nhân lực. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lớn tuổi; xây dựng chương trình việc làm cho người cao tuổi. Phát triển hệ thống thị trường lao động để gắn kết đào tạo và sử dụng lao động; nâng cao chất lượng dự báo thị trường lao động.
Về phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, khoa học công nghệ; hoàn thiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp, khu vực tư nhân và FDI tham gia đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển, có chính sách ưu đãi như thuế, tín dụng. Khuyến khích thanh niên tiếp tục đi học nhằm giảm thiểu tình trạng bước vào thị trường lao động sớm mà chưa qua đào tạo nghề nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra một số định hướng cơ bản về phát triển nhân lực thời kỳ 2021-2030, như gia tăng tỷ lệ nhân lực qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở tất cả các lĩnh vực ngành nghề lên khoảng 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030. Đối với nhân lực ở khu vực nông nghiệp, nông thôn: Tập trung ưu tiên cho công tác hướng nghiệp; đẩy mạnh đào tạo nghề trên cơ sở cơ cấu lại các chương trình đào tạo hiện nay gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Ban hành các qui định về phân luồng sau THCS, THPT và liên thông giữa giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định, việc xác định các định hướng chiến lược, mục tiêu nhiệm vụ cho giai đoạn 2011-2030 cần dựa trên những cơ sở khoa học và thực tiễn, phân tích bối cảnh mới, các yếu tố tác động và đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu kinh tế-xã hội khác. Các chính sách lao động, việc làm và phát triển kỹ năng phải đặt con người là trung tâm, thực sự vì người lao động bất kể họ là ai và đang làm ở đâu.
“Tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường, đảm bảo thị trường lao động được vận hành đầy đủ theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường, theo qui luật cung cầu để lao động xã hội được phân bố và sử dụng hiệu quả. Khung khổ luật pháp về lao động phải tạo ra sân chơi bình đẳng, loại bỏ các rào cản cho mọi hoạt động lao động, mọi doanh nghiệp và đối tác tham gia thị trường lao động. Các chính sách lao động việc làm và phát triển kỹ năng cũng phải được thiết kế theo hướng bao trùm để không ai bị bỏ lại phía sau, tăng cường công bằng xã hội và phát triển bền vững. Bên cạnh đó quyền của người dân và của NLĐ phải được tôn trọng và đảm bảo trong thực tế”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Huyệt Giải khê, vị trí huyệt Giải khê, tác dụng huyệt Giải khê, giai khe
