CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 06:12

Hà Nội: Đào tạo nghề đã bám sát thị trường lao động

 

Thực hành nghề cơ điện tử tại trường CĐ cơ điện Hà Nội.

 

Bằng chứng là tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo ở Hà Nội đã tăng từ 27,5% vào năm 2008, lên 63,18% năm 2018, cao nhất cả nước. Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020” đặt mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70 - 75% vào năm 2020. Với tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 - 5% mỗi năm, nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô có thể về đích đúng thời hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài trình độ chuyên môn, tay nghề, NLĐ trong thời kỳ mới cần bổ sung những yếu tố như kỹ năng sống, kỹ năng khởi nghiệp; biết sử dụng công nghệ thông tin, giao tiếp ngoại ngữ… “Ở góc độ này, một bộ phận không nhỏ NLĐ ở Thủ đô và cả nước chưa đáp ứng được yêu cầu”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) nhận xét.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tuy cao, song mới có gần 50% số người đang làm việc có bằng cấp, chứng chỉ và thị trường lao động còn mất cân đối về nhiều mặt… Chẳng hạn, huyện Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì đang phấn đấu lên quận, nhưng tỷ lệ lao động nông nghiệp ở những địa phương này vẫn chiếm từ 30 - 50%. Tại huyện Sóc Sơn, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ứng Hòa… lao động trong ngành nông nghiệp chiếm đa số, song lại thiếu người có trình độ chuyên môn, tay nghề cao. Nếu không sớm được khắc phục, sự bất hợp lý đó sẽ tác động tiêu cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.

Để hoạt động đào tạo nghề theo sát nhu cầu của xã hội hơn nữa, ông Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, các cơ quan, đơn vị chức năng nghiên cứu mô hình trường học thông minh, giúp người học có thể học nghề mọi chỗ, mọi nơi. Ở cấp vĩ mô, Nhà nước nên thành lập hội đồng kỹ năng ngành, nghề. Tổ chức này làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành, làm căn cứ cho các cơ sở giáo dục xây dựng chương trình đào tạo sát thực tiễn.

Về phía người sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Thanh Hương,  Công ty TNHH Akebono Kasei Việt Nam, KCN Hà Nội - Đài Tư (quận Long Biên) đánh giá: Đa số lao động ở Hà Nội đã qua đào tạo nghề, nên dễ dàng tìm được việc làm, được hưởng mức lương và chế độ đãi ngộ thỏa đáng. Trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp đều muốn tuyển được nhiều lao động ở Hà Nội vào làm việc lâu dài.

Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH khẳng định, năm 2019 công tác đào tạo nghề nhằm nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo không tách rời nhu cầu sử dụng lao động, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và đất nước. Trên tinh thần đó, những ngành, nghề trọng điểm, cần sử dụng nhiều lao động được tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019 chỉ còn 15.615 người và chỉ triển khai ở những địa phương thực sự có nhu cầu để bảo đảm có ít nhất 80% số người học nghề có việc làm. Thành phố cũng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững. Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, phát triển mô hình gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo địa chỉ.

Phương Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh