Xây dựng Công trình tưởng niệm liệt sỹ là tri ân
- Người có công
- 21:20 - 10/03/2021
Dự hội thảo có Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long, Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ, đại diện các sở, ban, ngành, nguyên lãnh đạo tỉnh, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Tại hội thảo, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Đoàn Hồng Vũ cho biết: "Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước. Với truyền thống cách mạng, trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh bảo vệ xây dựng tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, nhân dân Nghệ An, không tiếc máu xương, đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến. Đã có khoảng trên 45.000 người con Nghệ An, đã anh dũng hy sinh và đã được công nhận liệt sỹ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 18. 433 mộ liệt sỹ người Nghệ An, có thông tin. Được an táng tại nghĩa trang liệt sỹ ở Nghệ An là 9.799 mộ, an táng tại các địa phương khác 8634 mộ.
Hiện nay, các thân nhân liệt sỹ đã già yếu hoặc đã từ trần, nhiều liệt sỹ không còn thân nhân chủ yếu để thờ cúng. Nghệ An chưa có công trình của tỉnh làm "ngôi nhà chung" để tưởng nhớ các liệt sỹ nói chung và các liệt sỹ người Nghệ An nói riêng. Năm 2011, sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã trình và được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, đồng ý cho xây dựng Công trình ghi công các liệt sỹ. Tuy nhiên qua nhiều thế hệ lãnh đạo, vì nhiều lí do, đến nay vẫn chưa xây dựng được….".
Tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cũng đã đưa ra các định hướng để các đại biểu thảo luận có nội dung trọng tâm và chất lượng hơn. Các đại biểu tham dự đã thảo luận hết sức sôi nổi về tên công trình, quy mô, vị trí, chủ thể được thờ tự, nguồn kinh phí… và đã có những đóng góp ý kiến rất thiết thực và ý nghĩa.
100% các đại biểu đại diện các sở, ban ngành và các đại biểu khác đều nhất trí về tính cần thiết của công trình phải xây dựng. Nguyên Phó tổng biên tập báo Nghệ An, nay là trưởng đại diện tạp chí Người Làm Báo, của Hội Nhà báo Việt Nam, Trần Văn Hiền, cho rằng: "Việc xây công trình là hết sức cần thiết, bởi Nghệ An có rất nhiều liệt sỹ và hiện rất nhiều liệt sỹ chưa tìm thấy tên. Nhiều liệt sỹ tìm thấy tên nhưng thiếu thông tin, không biết ở đơn vị nào, quê quán ở đâu, chúng ta phải làm ngay…". Ông Trương Công Anh, nguyên Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Nghệ An và ông Võ Viết Thanh, nguyên Bí thư Thành ủy Vinh cũng đồng ý kiến như ông Trần Văn Hiền.
Đại diện Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, cho rằng: "Việc xây dựng công trình này rất cần thiết và chúng tôi tin rằng tất cả nhân dân sẽ đồng ý. Hiện nay chúng ta chi rất nhiều kinh phí để đi tìm kiếm hài cốt liệt sỹ và để rà phá bom mìn còn sót lai sau chiến tranh, những việc này rất khó nên phải làm lâu dài. Chính vì thế, chúng tôi nhất trí sự cần thiết để xây dựng công trình này...".
Đại diện ngành Công an Nghệ An, phát biểu: "Công trình này chậm lâu rồi, chúng ta cần thiết phải triển khai ngay, nếu không sẽ có lỗi với các liệt sỹ. Công trình này cũng là mang ý nghĩa tri ân đến các thế hệ cha ông chúng ta đã hy sinh vì Tổ quốc. Đề nghị lãnh đạo tỉnh nhanh chóng chốt phương án để triển khai…".
Công trình này, dự toán khoảng 80 tỉ đồng, kinh phí nguồn ngân sách, xã hội hóa đền ơn đáp nghĩa và ủng hộ từ bộ LĐ-TB&XH. Vị trí đang dự định có hai vị trí, nếu tên gọi là đền sẽ xây ở chân núi Dũng Quyết, phía dưới đền thờ vua Quang Trung, nếu là đài tưởng niệm sẽ xây ở chân núi Chung tại quảng trường Hồ Chí Minh.
Tại buổi hội thảo đại diện sở tài chính, sở Xây Dựng, UBND thành phố Vinh, UBMT tổ quốc tỉnh, ban tuyên giáo, ban dân vận…đều đồng ý tính cần thiết phải xây dựng công trình này.
Hiện vẫn còn hai luồng ý kiến về việc tên gọi công trình là đền thờ liệt sỹ hay đài tưởng niệm liệt sỹ. Các ý kiến vẫn đang tiếp tục gửi về sở LĐ-TB&XH Nghệ An để nghiên cứu tiếp. Tỉnh Nghệ An đang tham khảo ý kiến nhân dân trên cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An. Kính mời nhân dân truy cập vào cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An, để đóng góp ý kiến.