THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:31

Xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

 

Đảm bảo sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GD&ĐT

Sau khi Bộ GD&ĐT chính thức công bố Dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới để lấy ý kiến góp ý của xã hội. Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình SGK mới do UBND TP. Hà Nội tổ chức, nhiều lãnh đạo trường học lo ngại sĩ số quá tải ở Hà Nội như hiện nay, phải có cách giải quyết để đủ điều kiện áp dụng chương trình phổ thông mới.

 

Phương pháp chia nhóm học tập cho học sinh tiểu học.

 

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có 28.177 cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó, các cơ sở giáo dục (đặc biệt ở các vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ) hiện còn nhiều phòng học bán kiên cố, phòng học tạm thời và phải đi thuê, mượn các cơ sở bên ngoài. Không riêng ở các vùng núi, ngay tại Hà Nội, nhiều ngôi trường đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Học nhờ hội quán thôn, trưng dụng cả văn phòng, phòng y tế, hội trường để làm phòng học là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi yêu cầu để thực hiện chương trình mới là phòng học phải đảm bảo, trang bị đầy đủ thiết bị, máy tính để học sinh tăng thời lượng thực hành.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình phổ thông mới cũng bày tỏ lo ngại: “Hà Nội lo nhất là thiếu đất, thiếu kinh phí để xây dựng, nên có những trường chỉ dạy được 5 buổi/tuần. Tôi mong lãnh đạo các cấp quan tâm để chấm dứt việc học sinh học 5 buổi/tuần, dạy học 6 buổi/tuần thì sẽ thực hiện được đầy đủ chương trình, trừ những môn tự chọn. Ngoài ra, các địa phương trong quá trình rà soát cơ sở vật chất, cần đảm bảo sĩ số lớp đúng quy định của Bộ GD&ĐT với tiểu học là 35 học sinh/lớp trở xuống, THCS và THPT 45 học sinh/lớp trở xuống. Còn mỗi lớp 50 học sinh, thậm chí là 60 thì thầy cô làm sao đổi mới phương pháp được. Đặc biệt, với chương trình mới, lớp học cũng cần được bố trí theo hình thức làm việc nhóm chứ không bố trí kiểu dàn hàng ngang như hiện nay”.

Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các trường

Theo các chuyên gia giáo dục, một trong những biện pháp để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông là cần phải đánh giá được thực trạng cơ sở vật chất hiện có của các trường mầm non, giáo dục phổ thông. Trên cơ sở đó xác định nhu cầu xây mới, sửa chữa, cải tạo với mục tiêu ưu tiên cho các hạng mục công trình: Phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số.

Bà Bùi Thị Sinh, Hiệu trưởng trường tiểu học Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hiện bậc tiểu học Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn do quá tải trường lớp. Hiện tại ở Đông Anh có những lớp lên tới 49 - 50 học sinh và tương lai còn tăng tiếp trong khi yêu cầu thực hiện chương trình phổ thông mới là lớp học chỉ có 35 học sinh. Bên cạnh đó vấn đề cơ sở vật chất xuống cấp nhiều, cần được quan tâm đầu tư sớm thì mới có thể đảm bảo điều kiện triển khai chương trình phổ thông mới.

Có chung quan điểm, bà Phan Kim Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, tình trạng quá tải về quy mô học sinh là khó khăn chung của giáo dục tiểu học hiện nay. Dù rất quyết tâm, song thực tế này vẫn là rào cản không nhỏ trong quá trình triển khai của các nhà trường. 

“Sĩ số lớp quá đông, cô giáo vừa giảng bài, vừa gọi học sinh phát biểu, vừa nhắc nhở các em còn lại giữ trật tự. Với tình trạng quá tải lớp học như vậy, giáo viên chúng tôi nghĩ sẽ rất khó để dạy học sinh theo nhóm như yêu cầu trong chương trình giáo dục phổ thông mới”, một giáo viên của Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) băn khoăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, chương trình mới được thiết kế làm sao để có thể tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có. Việc rà soát và bố trí sử dụng lại cơ sở vật chất hiệu quả là rất quan trọng. Ví dụ, phần quang hình (môn Vật lý) sẽ không còn dạy ở THPT mà dạy ở THCS trong môn Khoa học tự nhiên, nên trang thiết bị quang hình ở THPT cần được rà soát, sắp xếp cho các trường THCS. Hay việc sắp xếp lại trang thiết bị cho phòng học bộ môn ở THCS để phục vụ yêu cầu dạy học môn học mới như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý…

Theo ông Phạm Hùng Anh, Sở GD&ĐT Hà Nội nên có đề án riêng về cơ sở vật chất, thiết bị trường học trình HĐND, UBND, làm căn cứ cho các quận huyện, nhà trường tổ chức thực hiện theo lộ trình đổi mới chương trình, SGK. Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ Hà Nội để xây dựng đề án này. Bộ GD&ĐT cũng sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học sớm; đồng thời thành lập các hệ thống quy chuẩn các phòng chức năng và ban hành trong năm 2018 để các trường có kế hoạch bổ sung.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh