CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:27

Bộ GD&ĐT công bố dự thảo các chương trình môn học mới

 

Họp báo thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới.

 Chiều 19/1, Bộ GD&ĐT đã chính thức công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình GDPT mới. 

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, chương trình GDPT được chuẩn bị từ lâu. Mục tiêu của chương trình là đổi mới căn bản toàn diện, kết hợp việc dạy người và định hướng nghề nghiệp, góp phần chuyển biến từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, so với chương trình hiện hành, chương trình GDPT mới có rất nhiều điểm thay đổi theo hướng trang bị năng lực, phẩm chất cho các học sinh. Vì thế, chương trình mỗi môn học cũng thay đổi mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu này. 

Theo đó, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Đạo đức, Giáo dục lối sống, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật. Môn tự chọn bao gồm Tiếng dân tộc thiểu số và ngoại ngữ 2.

Ở cấp THPT, các môn bắt buộc giảm xuống còn 5 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Cũng tại buổi họp báo, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết, các chương trình môn học và hoạt động giáo dục được công bố lần này là cụ thể hóa của chương trình giáo dục tổng thể đã được Bộ GD&ĐT công bố năm trước.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chương trình GDPT mới có 4 đặc điểm. Đó là các chương trình môn học có nội dung gắn với mỗi cấp học và những yêu cầu cần đạt cụ thể (mức độ biểu hiện cụ thể của năng lực cần hướng tới). Chương trình tập trung phát triển năng lực học sinh; trong đó năng lực là sự kết hợp tố chất, phân hóa phát triển kỹ năng của học sinh. Ngay từ lớp 1 trên cơ sở thể lực học sinh được sắp xếp các học phần khác nhau (điền kinh, bơi lội, cầu lông...).

Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như: lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…

Cuối cùng, các chương trình đều áp dụng phương pháp tổ chức hoạt động. Học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo sẽ chiếm lĩnh lý thuyết môn học, rèn luyện các kỹ năng phù hợp lứa tuổi, trình độ mỗi lớp.

 “Dự kiến tháng 4/2018 Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới. Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay”, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm

Bộ GD&ĐT sẽ lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tầng lớp xã hội trong 60 ngày. Sau đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện dựa trên những ý kiến đóng góp.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh