Xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành GDNN
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:11 - 05/06/2019
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu tại hội thảo
Hiện nay, mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Thông tư số 10/2018/TT-BNV ngày 13/9/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp và Thông tư số 03/2018/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2018 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp muốn được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp thì phải hoàn thiện các tiêu chuẩn chức danh, trong đó có “chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp" theo chương trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do vậy, việc xây dựng chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp là rất cần thiết.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu xác định phương pháp tiếp cận để xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu của vị trí việc làm và yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của từng hạng chức danh giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và tiến độ đề ra.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hương nhấn mạnh các vấn đề cần được trao đổi sâu, để tìm ra phương pháp tiếp cận xây dựng chương trình bồi dưỡng, đảm bảo tính khoa học trong các nội dung; đảm bảo tính ổn định và linh hoạt trong nội dung và cấu trúc chương trình; đảm bảo tính liên thông giữa các chương trình bồi dưỡng của các hạng chức danh nghề nghiệp; đảm bảo tính minh bạch, công bằng trong kiểm tra, đánh giá kết quả.
Hội thảo đã nghe 9 tham luận và 16 ý kiến góp ý của các chuyên gia là cán bộ quản lý đến từ các Vụ, Cục của các bộ, ngành; là các giảng viên đến từ các học viện, viện nghiên cứu, các trường đại học sư phạm kỹ thuật. Các ý kiến phát biểu tập trung vào các nội dung như căn cứ pháp lý, cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của việc xây dựng chương trình; kinh nghiệm trong tổ chức xây dựng chương trình bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; đề xuất khung nội dung chương trình bồi dưỡng
Tổng kết hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hương trân trọng cảm ơn những tham luận, ý kiến trao đổi quý báu, cụ thể, thiết thực của các đại biểu, các nhà khoa học; khẳng định sự tham vấn, đặc biệt là kinh nghiệm trong xây dựng chương trình bồi dưỡng sẽ giúp cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp có được những định hướng đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng của nhà giáo giáo dục nghề nghiệp theo từng hạng chức danh nghề nghiệp, góp phần phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo trong bối cảnh đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.