Xâm hại tình dục trẻ em gia tăng: Do cha mẹ thiếu kiến thức và kỹ năng
- Pháp luật
- 15:31 - 13/08/2016
Sự thiếu hiểu biết của cha mẹ đã tiếp tay cho kẻ phạm tội
Tại Việt Nam, nghiên cứu được thực hiện ở quận 4 và 8 (TP. Hồ Chí Minh), quận Đồ Sơn và huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau như học sinh, trẻ học tại các trường dạy nghề, trẻ đường phố, trẻ bán hàng rong, chủ khách sạn, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, hàng xóm của trẻ... Kết quả nghiên cứu đã được Dự án Tuổi thơ - Chương trình Phòng ngừa của Tầm nhìn Thế giới đưa ra cho thấy, có một sự thiếu hụt về kiến thức, thông tin và kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em trong cộng đồng, đặc biệt đối với các hình thức xâm hại mới phát sinh trong thời đại công nghệ thông tin và internet như đưa hình ảnh trẻ em lên các mạng khiêu dâm, chat sex với trẻ, ép trẻ phô bày các bộ phận cơ thể qua webcam...Ông Nguyễn Khánh Hội, Điều phối viên Quốc gia Dự án Trẻ thơ của Tầm nhìn Thế giới Việt Nam nhận định: Nhiều trẻ em không lường hết được nguy cơ từ việc sử dụng internet và không biết rằng nhiều tội phạm tình dục trẻ em người nước ngoài thường dụ dỗ trẻ qua các trang chat trực tuyến. Những tội phạm xâm hại tình dục trẻ em sử dụng internet và công nghệ thông tin ngày một nhiều hơn như một công cụ để dụ dỗ, mê hoặc, lôi kéo các em tới những hành vi xâm hại. Trong bối cảnh xã hội mới với sự phát triển của công nghệ, đã nảy sinh nhiều hình thức xâm hại mới vượt ra ngoài những quan điểm cũ. Chính các em cũng không ý thức được về những nguy cơ từ các mối quan hệ lạ trên mạng.
Một lý do nghiêm trọng hơn là do chính các ông bố, bà mẹ đã quá thản nhiên trước phát triển của con, thiếu hiểu biết về những hành động xâm hại trong thời đại công nghệ thông tin như vũ bão, để hướng dẫn con tránh xa cạm bẫy hàng ngày.
Bà Aarti Kapoor, Giám đốc Chương trình Dự án Tuổi thơ - Chương trình Phòng ngừa của Tầm nhìn Thế giới cho hay: “Xâm hại tình dục trẻ em thường bắt đầu bằng việc dụ dỗ trẻ, có lời nói và hành vi đụng chạm không phù hợp và dần dần tiến tới các dạng xâm hại nghiêm trọng hơn. Kẻ xâm hại tình dục trẻ em thường là người quen của gia đình và nhắm tới cả trẻ gái lẫn trai. Tuy nhiên trong số những người chúng tôi trao đổi về vấn đề này, rất ít người nhận thức đúng về vấn đề này”.
Trong số tất cả các nhóm được phỏng vấn, các bậc cha mẹ có mức hiểu biết thấp nhất về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Các bậc cha mẹ người Việt Nam thậm chí không thể định nghĩa đầy đủ hay đưa ra ví dụ thế nào là xâm hại tình dục trẻ em. Sự thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm tới đời sống tinh thần trẻ của những người làm bố mẹ đã vô tình tiếp tay cho những kẻ phạm tội.
Bà Aarti Kapoor khẳng định: “Việc thiếu nhận thức về các dấu hiệu căn bản của xâm hại tình dục trẻ em có nghĩa rằng cha mẹ hầu nhưng không thể nhận ra những nguy cơ và các trường hợp có thể xảy ra trong những mối quan hệ có tính xâm hại. Cha mẹ có để bỏ lỡ cơ hội can thiệp và sự thiếu hiểu biết có ảnh hưởng đến việc đáp ứng chung, một cách đúng đắn, các nhu cầu của trẻ”.
Trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cho cộng đồng
Có nhiều biện pháp phòng ngừa xâm hại tình dục được các chuyên gia đưa ra, trong đó đặc biệt quan trọng công tác truyền thông, giáo dục cho cha mẹ, trẻ em và tất cả các thành viên trong cộng đồng. Bà Aarti Kapoor cho rằng: “Từ các kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi biết rằng giáo dục phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em là một cơ chế phòng ngừa hiệu quả để tạo dựng khả năng ứng phó đối với xâm hại trong những cộng đồng có nguy cơ. Trẻ em và người lớn cần có thông tin, kỹ năng và phương cách bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức xâm hại - cho dù đó là người lạ, người nước ngoài, dân địa phương, bạn bè hay thành viên gia đình”.
Trong đó, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và các khu vực đặc thù như nông thôn, miền núi, các trại trẻ mồ côi cũng có thể trở thành mục tiêu để tội phạm xâm hại tình dục trẻ em lợi dụng. Bởi vậy nhóm đối tượng này cũng cần phải được tuyên truyền rộng rãi và quan tâm đúng mực.
Ông Nguyễn Khánh Hội khẳng định: “Chúng ta không thể thành công bền vững nếu chỉ truyền thông cho một nhóm đối tượng đơn lẻ. Cũng không thể áp đặt hay cấm đoán con trẻ khi các em có nhu cầu muốn khám phá các vấn đề trong cuộc sống bằng công nghệ thông tin. Giáo dục và truyền thông lồng ghép cho trẻ em, gia đình và các cơ quan đoàn thể khác trong xã hội phải được thực hiện đồng bộ”.