THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:56

Xác nhận người có công: “Làm đến cùng, đừng làm nửa chừng, bỏ cuộc”

 

 Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Vũ Trọng Kim đã đánh giá như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Lao động và Xã hội.

 

 

*Ông đánh giá như thế nào về việc thực hiện chính sách đối với Cựu TNXP thời gian qua?

- Theo  số liệu rà soát, thống kê mà vừa rồi Hội Cựu TNXP phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thì việc giải quyết chính sách đối với cựu TNXP đối với liệt sĩ rất cơ bản. Đến nay cả nước có 5.626 liệt sĩ là Cựu TNXP; số thương binh là 36.822 người, cựu TNXP nhiễm chất độc hoá học là 5.172 người; có 195.607 Cựu TNXP hưởng trợ cấp một lần và 7.233, người hưởng trợ cấp một lần, ngoài ra các Cựu TNXP còn được hưởng các chế độ BHYT, mai táng phí…. Việc thực hiện chính sách đối với những người đã xác định là liệt sĩ, thương binh, những người  cựu TNXP tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ  rất nghiêm túc từ trung ương cho đến các địa phương cơ sở. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến lực lượng Cựu TNXP nói riêng và người có công nói chung, các văn bản về chính sách, chế độ rất đúng đắn, kịp thời và đầy đủ.

*Vậy những khó khăn nhất trong việc triển khai thực hiện chính sách cho cựu TNXP là gì, thưa ông?

- Vướng mắc lớn nhất có lẽ là hồ sơ gốc. Cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ khi trình bày với các cơ quan thực hiện chính sách thì trình bày bằng lời nói chứ không kèm văn bản hay một điều kiện gì để xác nhận mình là TNXP. Thậm chí, có người quên cả đơn vị, quên cả nơi mà mình đã làm việc, đã cống hiến vì nhiều người trong số đó đã già, trí nhớ không còn minh mẫn. Vì vậy để áp dụng các chế độ chính sách đó vào một số đối tượng thì không áp dụng nổi vì hồ sơ gốc không còn nữa.

Để giải quyết vấn đề này, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định 408 về Quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công, hiện nay Hội đang đi theo hướng đó để cố gắng giải quyết sớm nhất có thể để những người đúng là người có công sẽ được hưởng các chế độ chính sách.

 

 

*Vậy ông đánh giá như thế nào về Quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công của Bộ LĐ-TB&XH?

- Bộ LĐ-TB&XH đã ra một văn bản số 408 về Quy trình giải quyết hồ sơ đề nghị xác nhận người có công. Đây là văn bản có ý nghĩa xác minh một cách cụ thể, những trường hợp cụ thể hiện nay mất hồ sơ gốc không còn cơ sở để xác nhận là Cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ. Việc những Cựu TNXP có tham gia kháng chiến, có đóng góp cho cách mạng hay không đều diễn ra tại cơ sở, thôn, ấp, bản làng, vì vậy việc công bố các thông tin về Cựu TNXP đề nghị xác nhận là người có công ở ngay tại địa phương cơ sở là rất quan trọng. Điều này đã giúp người dân có thể tham gia giám sát, phản biện việc xác nhận đối với từng trường hợp đề nghị là người có công. Không chỉ công bố, niêm yết thông tin tại địa phương cơ sở mà các thông tin này còn được công khai đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để không những người ở địa phương đó biết mà các cơ quan khác cũng có thể giám sát các đối tượng có đúng là Cựu TNXP không. Đó là cách tiếp cận mới, là quy trình rất dân chủ rất công bằng. Phải làm sao công khai càng rộng, càng tốt và để không bỏ sót những đối tượng đáng được hưởng chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước mà lại không được hưởng. Qua vấn đề này cũng được gạn lọc, tránh trường hợp xác nhận không chính xác, bị vấp váp như thời gian qua.

*Thông qua việc giải quyết chế độ chính sách cho Cựu TNXP, Hội TNXP Việt Nam có ý kiến gì để giải quyết tốt việc này, thưa ông?

- Mong muốn có rất nhiều nhưng có lẽ các cơ quan quản lý Nhà nước nên phân công những người hiểu tường tận về hoàn cảnh của những thương binh, liệt sĩ và những cựu TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ để tránh tình trạng một bên trình bày còn bên làm chính sách, chế độ lại không thấu hiểu. Việc hai bên thấu hiểu nhau rất quan trọng vì nhờ có thấu hiểu mà những vấn đề cụ thể hơn sẽ được giải quyết.

Hơn ai hết, khi Nhà nước giao nhiệm vụ cho cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện chính sách thì cơ quan đó phải đi sâu, đi sát và tận tình giúp đỡ để những người đáng được hưởng chính sách có điều kiện trình bày một cách đầy đủ, tránh tình trạng đi tới đi lui nhiều lần, phải cung cấp quá nhiều văn bản, giấy tờ rồi chuyển cơ quan này cơ quan khác mà không đi theo một mạch là tìm hiểu đến cùng sự việc. Để giải quyết vấn đề này rất cần những cá nhân thật sự thấu hiểu, đem tấm lòng của mình để giúp cho Đảng, Nhà nước thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa một cách trọn vẹn.

*Thưa ông, việc tri ân NCC phải thực hiện như thế nào để thế hệ trẻ thấy được trách nhiệm của mình?

- Trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ những người đồng chí, đồng bào của mình đã hy sinh một cách vô tư cho Tổ quốc, cho độc lập dân tộc mà không hề mong muốn có một ngày được đền đáp chính vì thế yêu cầu hiện nay phải quán triệt cho đội ngũ làm chính sách từ cơ sở đến trung ương. Nếu phát hiện một vấn đề nào đó thì hãy đi đến cùng, chúng ta đừng làm nửa chừng, bỏ cuộc. Đó là điều chúng tôi mong muốn nhất. Việc tiếp cận vấn đề thiếu tâm huyết, thiếu sâu sắc rất ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm của người có công.

Xin cảm ơn ông!

NGUYỄN SÍU (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh