THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:56

Xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng): Tiền chính sách chảy vào túi quan xã

Bài 2: Cơ quan điều tra đang bỏ lọt tội phạm?

Điều tra chưa khách quan

Như đã phản ánh, trước hành vi phạm tội của các quan xã, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lạc đã khởi tố các bị can về hai tội danh  “Tham ô tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cụ thể: Ăn chặn, lập khống hồ sơ tiền trợ cấp bò giống, lợn giống, cây trồng, di dời nhà,... với tổng số tiền 419.598.540 đồng cùng với 78.000.000 đồng tiền của 5 cơ quan, đoàn thể được các bị can lấy đi khắc phục hậu quả nhưng chưa hoàn lại cho xã.

Căn cứ vào kết quả điều tra, ngày 27/7/2015 TAND huyện Bảo Lạc đã tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Đức Thịnh (Kế toán) 7 năm 8 tháng tù; Nội Viết Lập (Chủ tịch UBND xã) 06 năm 8 tháng tù; Đặng Tòn Diêm (Thủ quỹ) 7 năm 8 tháng tù;  Linh Trần Nam (Phó Chủ tịch UBND xã) bị phạt 5 năm tù về tội “tham ô tài sản”.

Tuy nhiên, đây là phán quyết không khách quan. Tất cả các bị can đều làm đơn kháng cáo, yêu cầu khởi tố những người còn lại đối với hành vi tham ô tài sản. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 30/9/2015, HĐXX cũng đã cho rằng bản án sơ thẩm của TAND huyện Bảo Lạc chưa xác định rõ ai với vai trò là chủ mưu, giúp sức hay thực hiện để từ đó xác định rõ tính chất, mức độ, hành vi phạm tội đối với từng bị cáo. Vì vậy, HĐXX phúc thẩm đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

Từ đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bảo Lạc đã có kết luận số 03/KLĐT ngày 16/2/2016. Trong đó xác định rõ, với hành vi “tham ô tài sản” trong việc rút 83.902.540đ tiền thủy lợi thì: Linh Trần Nam là người chủ mưu, duyệt chi và thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra quản lý thực hiện nguồn vốn; Nguyễn Đức Thịnh là người giúp sức, lập chứng từ, lập danh sách chia tiền; Đặng Tòn Diêm là người giúp sức, trực tiếp đi rút tiền và phân chia cho các quan xã còn lại.

Đối với hành vi “cố ý làm trái” trong việc phân chia bò giống, lợn giống, hỗ trợ di dời nhà thì: Nội Viết Lập là chủ mưu, có “chỉ đạo bằng bản viết tay và ấn định số tiền chi”, trực tiếp phê duyệt các chứng từ quyết toán, chỉ đạo làm trái; Nguyễn Đức Thịnh, Đặng Tòn Diêm là người giúp sức, lập hồ sơ, chứng từ, điểm chỉ. 

Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên hủy bản án sơ thẩm và yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ vai trò phạm tội của từng bị cáo.

Dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?

Như đã nêu, hàng chục quan chức thò tay ký chứng từ nhận tiền nhưng chỉ có 4 người bị khởi tố. Đặc biệt nghiêm trọng là hàng chục sai phạm có chứng từ ghi chép rõ ràng tại hai cuốn sổ đen thu được là bằng chứng xác đáng cho hành vi tham ô, cố ý làm trái nhưng không bị điều tra, không bị khởi tố và coi như không có chuyện sai phạm xảy ra. Dân nghèo Bảo Lạc trước đây chỉ bức xúc vì bị ăn chặn tiền chính sách của Đảng và Nhà nước thì nay họ lại bức xúc vô cùng vì cán bộ sai phạm mà vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Các khoản tiền như thủy lợi phí, bò giống, cây sa mộc, di dời nhà... 4 bị can đang bị xử lý chỉ là bề nổi của tảng băng mà thôi. Phần chìm của tảng băng chính là số tiền được ghi chép chi tiết trong hai cuốn sổ đen mà thủ quỹ Đặng Tòn Diêm ghi lại.

Về hành vi “cố ý làm trái” tạm thời chưa bình luận, song về hành vi “tham ô tài sản” thì cần phải xem xét bởi chứng cứ thể hiện trong bảng kê nhận tiền có chữ ký của cả 10 “quan tham” và ghi rất rõ đó là tiền thủy lợi. Mặt khác, các bị cáo đều cho rằng cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với 6 người còn lại.

Tuy vậy, kết luận số 03/KLĐT ngày 16/2/2016 đã không xét đến hành vi của 6 người còn lại, vì tin rằng, khi nhận tiền họ không biết tiền đó là tiền gì. Ngoài ra theo lời khai của Nam và Thịnh thì còn một người nữa tên Duyên, kế toán phòng nông nghiệp huyện Bảo Lạc, người trực tiếp hướng dẫn Thịnh về nghiệp vụ trong vụ việc này, song chưa được điều tra làm rõ. Đồng thời cũng cần phải làm rõ hành vi “cố ý làm trái” đối với Nông Quan Định, cụ thể là ông ta rút tiền từ ngân sách đi mua quần áo cho đại biểu HĐND và làm những việc luật pháp không cho phép. Hành vi phạm tội của các bị can đã rõ ràng, tuy nhiên đến nay vụ án vẫn giậm chân tại chỗ. Thậm chí có người còn có tên trong danh sách bầu cử đại biểu HĐND hiện nay và tiếp tục giữ các chức vụ quan trọng hơn nữa trong hệ thống chính quyền.

Luật sư Nguyễn Văn Tú,   Giám đốc Công ty Luật TNHH  Fanci nhận định:

Đây là vụ án mà tính chất tổ chức tội phạm rất cao. Các bị can đều có trình độ nghiệp vụ và trình độ lý luận cao, được đào tạo kỹ. Trong chuỗi hành vi phạm tội, mỗi bị can có vị trí của từng công đoạn như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, kế toán, thủ quỹ, trưởng ban, thành viên ban quản lý...; kể cả các vị trí đại diện cho nhân dân để giám sát như Chủ tịch MTTQ, Chủ tịch Hội Nông dân... Việc cơ quan CSĐT bỏ lọt tội phạm sẽ gây mất lòng tin ở nhân dân.

VĂN NGHĨA/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh