Xã Kim Cúc (huyện Bảo Lạc, Cao Bằng): Tiền chính sách chảy vào túi quan tham
- Pháp luật
- 16:12 - 10/05/2016
Bài 1: Vạch trần sai phạm
Chiêu trò, thủ đoạn, hành vi của nhóm cán bộ biến chất ở xã Kim Cúc vô cùng xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, có tổ chức, có sự kéo dài và có trên 10 quan chức dính líu. Các bị can đều là những người đứng đầu bộ máy chính quyền địa phương, gồm Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch MTTQ, thủ quỹ, kế toán, Ban Thủy lợi, thậm chí có sự tiếp sức của một số chuyên viên phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lạc.
Lấy tiền ngân sách xây nhà, mua xe máy...
Trong các năm 2009, 2010 và 2011, nhóm cán bộ biến chất ở xã Kim Cúc đã và đang giữ các chức vụ trong Ban quản lý công trình thủy lợi (Ban Thủy lợi) xã Kim Cúc, do ông Linh Trần Nam (Phó Chủ tịch UBND) làm Trưởng ban. Tuy Ban Thủy lợi không hoạt động, nhưng Nam và đồng bọn được sự hậu thuẫn của Phòng Nông nghiệp huyện Bảo Lạc, vẫn lập hồ sơ rút tiền về và quyết toán thành công khoản tiền thủy lợi của 3 năm, rồi đem chia nhau toàn bộ. Nhóm đối tượng định thực hiện nốt khoản tiền này của năm 2012 thì sự việc bại lộ, nên mới chỉ rút tiền về mà không dám chia chác nữa.
Kết luận điều tra số 03/KLĐT ngày 16/2/2016 của Công an huyện Bảo Lạc, Cao Bằng.
Kết quả điều tra thu giữ được một tờ danh sách chia tiền thủy lợi phí năm 2010 rất cụ thể, trong đó: Chủ tịch UBND xã Nội Viết Lập nhận 1.969.000 đồng; Phó Chủ tịch xã Linh Trần Nam nhận 2.288.000 đồng; Bí thư Đảng ủy Nông Quang Định nhận 1.969.000 đồng; Phó Bí thư Đảng ủy Quan Văn Thanh nhận 1.312.000 đồng; Phó Chủ tịch HĐND xã Lục Văn Phù nhận 1.312.000 đồng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Chu Văn Dương nhận 1.340.000 đồng; Chủ tịch Hội Nông dân Lý Triệu Tuấn nhận 1.278.000 đồng; cán bộ khuyến nông Nông Thanh Sơn nhận 682.000 đồng; thủ quỹ Đặng Tòn Diêm nhận 564.000 đồng; kế toán viên Nguyễn Đức Thịnh nhận 2.288.000 đồng. Điều tra khoản tiền thủy lợi phí năm 2011 cho thấy, khi Diêm lấy tiền về đã chia ngay cho kế toán Thịnh 6.000.000 đồng, số còn lại (hơn 20.000.000 đồng) được Phó Chủ tịch xã (Nam) và thủ quỹ Diêm chi tiêu vào việc cá nhân.
Đặc biệt nghiêm trọng, Cơ quan điều tra có thu giữ của thủ quỹ Đặng Tòn Diêm hai cuốn sổ đen. Qua đó mới thấy hết việc các cán bộ ở Kim Cúc sử dụng ngân sách xã giống hệt ngân sách gia đình. Có thể nói, bất cứ người nào có chức vụ ở xã nếu đề ra yêu cầu rút tiền ngân sách là Diêm đều đưa và ghi vào sổ đen, dẫu biết rằng tiền đó sử dụng sai mục đích. Và nếu ai quên trả, Diêm cũng... quên đòi, cho dù đó là tiền mà Chính phủ dành để lo cho người dân theo Chương trình 135, hay khoản chi thường xuyên của xã.
Với Chủ tịch xã Nội Viết Lập, ông này tỏ ra là người có đầu óc, có trí tuệ, tính quyết đoán, tầm nhìn xa trong việc thực hiện… hành vi phạm tội. Với cương vị đứng đầu UBND xã, Nội Viết Lập đã 4 lần rút tiền từ két sắt xã: Lần thứ nhất, vào tháng 2/2011, lần thứ hai là tháng 12/2011, lần thứ ba là tháng 8/2012, lần thứ 4 cũng vào tháng 8/2012, với tổng số tiền là 60.000.000 đồng. Số tiền trên, Nội Viết Lập đã chi vào việc trả công cho thợ xây nhà mình và mua xe máy mới, đến khi bị thanh tra, ông ta mới chịu trả lại. Ngoài ra, Nông Quang Định là Bí thư Đảng ủy xã, cũng được rút tiền ngân sách. Chính ông này đã lấy 12.000.000 đồng từ tay Đặng Tòn Diêm để chi tiêu vào những việc mà luật pháp không cho phép, như may quần áo cho đại biểu HĐND, cưới xin,…
…và cố ý làm trái?
Người dân xã Kim Cúc trong nhiều năm khó khăn, thậm chí còn thiếu ăn, nên rất mong chờ sự quan tâm của Nhà nước. Song họ đâu biết rằng, sự hỗ trợ từ Nhà nước nhằm giúp người dân có thêm tiềm lực thoát nghèo, đã bị những cán bộ biến chất ở địa phương “nẫng” tay trên. Cho đến khi thanh tra vào cuộc, người dân ở Kim Cúc mới vỡ lẽ và buông lời chua chát: “Hóa ra nhờ có con bò nhà mình, mấy ông cán bộ mới được “ăn” một miếng”. “Hóa ra có con lợn, con gà hứa cho mình, cán bộ mới có tiền tiêu”. Rồi người dân biết thêm rằng, đến cây giống cũng vậy, chương trình hỗ trợ xóa đói nào về đến xã, các cán bộ cũng có phần trước, trong khi dân đói, dân nghèo, dân lạc hậu thì cán bộ bỏ mặc.
Điển hình như việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ bò giống cho bà con phát triển kinh tế giai đoạn 2010 - 2011 theo Chương trình 135. Trước hết là lập khống hồ sơ “ăn” tiền bò giống. Chủ tịch Lập và kế toán Thịnh đã bắt tay làm hai bộ hồ sơ khác nhau, một bộ là thực chi cho người dân, một bộ đem đi quyết toán với kho bạc.
Theo đó, hồ sơ thực chi cho dân năm 2010 là 2.500.000 đồng/con, quyết toán với kho bạc là 2.740.000 đồng/con, năm 2011 chi cho dân là 3000.000 đồng/con, quyết toán là 3.368.000đồng/con. Mặt khác, danh sách năm 2010 có 123 hộ được hỗ trợ, nhưng thực tế chỉ có 110 hộ nhận được tiền hỗ trợ, 13 hộ không được nhận. Cũng hành vi đó, năm 2011 có 25 hộ dân không được nhận tiền hỗ trợ, một số hộ nhận được hỗ trợ nhưng nhỏ hơn nhiều so với giá mà cán bộ xã quyết toán với kho bạc. Tổng hai năm số tiền chênh lệch là 181.144.000 đồng.
Cũng trong Chương trình 135 giai đoạn II, nhóm Lập, Diêm tiếp tục “làm xiếc”, lập hồ sơ chứng từ khống với nội dung mua lợn đen và gia cầm cho dân với số tiền là 101.120.000 đồng. Nhưng sau khi rút tiền từ kho bạc về, các đối tượng này đã không thực hiện phân phát cho dân. Vì mục tiêu phát triển kinh tế gắn với việc làm tại Kim Cúc, UBND huyện Bảo Lạc đã có chính sách hỗ trợ cho bà con 50.862 cây sa mộc giống, đồng thời giao cho xã đi mua. Thế nhưng, các hộ dân chỉ được nhận một phần nhỏ trên tổng số 50.862 cây sa mộc. Số tiền còn dư, cán bộ xã chia nhau. Đến năm 2012, khi mùa mưa lũ về làm sập nhiều ngôi nhà dân. Để đảm bảo tính mạng và tài sản, UBND huyện Bảo Lạc xác định việc cấp thiết là phải di dời dân đến nơi an toàn. Theo đó, huyện Bảo Lạc đã cấp cho xã Kim Cúc 31.200.000 đồng để hỗ trợ dân trong việc di dời nhà, song số tiền này cũng bị các cán bộ xã bàn nhau làm hồ sơ rút về và chia nhau tiêu xài.
Theo kết quả điều tra, những lần lập hồ sơ khống ở xã Kim Cúc, gồm sửa kênh mương, mua bò, mua lợn, mua cây, hỗ trợ sạt lở do thiên tai, chi khống tiếp khách và in giấy chứng nhận gia đình văn hóa đã cho ra số tiền 419.598.540 đồng và các cán bộ xã nói trên đã tùy tiện chia nhau. Thậm chí, sau khi bị phát hiện, các cán bộ xã Kim Cúc còn bàn bạc nhằm rút nốt số tiền 78.000.000 đồng trong két sắt, số tiền lẽ ra chi cho các đơn vị đoàn thể thôn hoạt động để đi khắc phục hậu quả và đến giờ chưa hoàn lại. Việc làm sai trái của các cán bộ biến chất ở xã Kim Cúc đã gây ảnh hưởng trực tiếp chính sách của Nhà nước, đến quyền lợi hợp pháp của người dân.
(Còn nữa)