Chiêm ngưỡng vườn sưa đỏ bạc tỷ của ông Bắc “khùng”
- Y học 360
- 16:44 - 07/09/2017
Đã từng có thời người dân ở làng Chanh, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc gọi ông Lăng Văn Bắc là ông Bắc “khùng”, khi ông là người đầu tiên lấy hạt giống cây gỗ sưa đỏ về làng Chanh gieo trồng từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cho đến nay, khi mà những bóng gỗ sưa đã phủ khắp làng Chanh và những khu vực lân cận, thì ông Bắc đã trở thành tỷ phú khi sở hữu vườn sưa có tuổi đời gần ba chục năm.
Vườn sưa trồng cách đây 30 năm đã giúp ông Bắc trở thành một trong những tỷ phú gỗ sưa đầu tiên tại làng Chanh
Tìm đến nhà ông Bắc để tận mắt chứng kiến những cây sưa đỏ trồng trong vườn nhà có tuổi đời và kích thước lớn nhất tại khu vực xã Tam Quan hiện nay khi mà dân làng đoán già đoán non có gốc sưa lớn trong vườn nhà ông Bắc được thương lái có giá trị lên tới gần chục tỉ đồng. Tiếp đón chúng tôi trong khu vườn rợp bóng sưa đỏ, ông Lăng Văn Bắc vui vẻ chia sẻ về cơ duyên với cây gỗ sưa đỏ: “ Tình cờ tôi được một người bạn làm nghề tìm sưa người Hải Phòng cho biết cái giá trị của cây xưa đỏ và cho vài hạt giống về trồng, sau đó trong một lần sang nhà ông anh là ông Thịnh ở huyện bên có cây sưa đỏ nên tôi xin giống về trồng 2 đợt được 15 tất cả cây. Cứ nghĩ như cây lim cây lát phải đến hết đời cũng chưa thấy nguồn thu, nhiều người trong làng khi đó còn đến chế diễu nói tôi bị khùng”.
Gốc sưa khủng trồng trong vườn nhà được ông Bắc “khùng” rào lướt thép để bảo vệ
12 năm sau trong khi đầu tư nuôi vịt của ông Bắc đang bị thua lỗ nặng, cũng chính vào thời điểm cơn sốt gỗ sưa bùng nổ. Ông Bắc bán 2 cây đầu tiên được 24 triệu đủ để trang trải nợ nần, bán cây tiếp theo đủ để sửa chữa nhà cửa. Khi thấy được giá trị của cây sưa đỏ, thì người dân bắt đầu đổ xô đi tìm mua giống, bấy giờ ông Bắc bắt đầu tiến hành gom hạt ươm cây giống. Ban đầu là ươm trong bầu, sau nhiều người mua quá bán không kịp ông chuyển sang bán mầm với giá 500 đồng một cây. Nhiều người trong làng không tin nghĩ rằng ông lừa đảo, song những hộ mua đợt đầu thì đến nay cũng đã bắt đầu cho thu hoạch.
Từ khi gia đình ông Lăng Văn Bắc là hộ đầu tiên trồng cây sưa đỏ ở làng Chanh, xã Tam Quan sau hơn chục năm đến những năm 2006- 2007 đã cho nguồn thu cao. Nhiều người trong làng truyền tai nhau về lợi ích kinh tế khủng khiếp của cây sưa nên nhà nào cũng tận dụng đất vườn, đất đồi, thậm chí là cả đất ven đương, hàng rào để trồng sưa đỏ. Do nhu cầu về giống lớn nên nhiều gia đình đầu tư ươm cây giống bán cho người trong làng, sau phát triển thành quy mô lớn, dân bắt đầu xuất bán đi trong xã rồi sau đó là khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Theo ông Bắc đến nay, hầu khắp các tỉnh đều có mặt giống sưa đỏ của Làng Chanh. Hiện nay, 100% các hộ dân trong làng Chanh đều có sưa trong vườn nhà, có nhiều gia đình còn mua thêm đất, mở rộng quy mô hàng ha.
Vườn sưa của ông Bắc vẫn còn giữ được những cây sưa lâu năm có giá trị kinh tế cao
Với gần 30 năm gắn bó với nghề trồng cây sưa đỏ và cung cấp giống cho nhiều hộ dân, ông Lăng Văn Bắc cho biết” mình cảm thấy mừng khi những người mua giống sưa trước đây đã bắt đầu có thu nhập, có người người xây được nhà, người mua ôtô”. Theo ông Bắc thì “Giá cả thị trường có thể lên xuống, giá gỗ sưa cũng không còn được như trước, song cây sưa đỏ vẫn là giống gỗ quý bán theo cân thì khó có loại cây nào theo kịp. Nếu chỉ trồng như một loại cây lâm nghiệp trong vườn nhà để lấy gỗ thì hiệu quả kinh tế của nó vẫn cao hơn trồng keo, bạch đàn”.
Hiện nay dưới những tán gỗ sưa đỏ, gia đình ông Bắc và nhiều hộ dân ở làng Chanh đang bắt đầu thực hiện mô hình trồng xen những cây thảo dược quý như: Cây trà là vàng, đinh lăng…để tăng hiệu quả kinh tế trong thời gian chờ khai thác gỗ sưa.
Mặc dù đang sở hữu vườn sưa đỏ với nhiều cây sưa lâu năm và có giá trị, song ông Bắc vẫn quyết định giữ lại những cây sưa lớn được coi như cây sưa tổ của làng. Với mong muốn chúng sẽ trở thành một phần biểu tượng của ngôi làng gỗ sưa.