CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:58

Vụ trộm bí ẩn giữa ban ngày và nỗi lo cho ngôi đình cổ còn cả vườn gỗ sưa tại Hà Nội

 

Hai thanh vì kèo làm bằng gỗ sưa, được cho có giá hàng chục tỷ đồng “không cánh mà bay” giữa thanh thiên bạch nhật. Bên trong khuôn viên đình làng trước đó, một cây gỗ sưa đỏ, đường kính 20cm, cũng bị trộm cưa gần nửa thân. Những chuyện xảy ra liên tiếp khiến người dân không khỏi hoang mang. Bởi thời điểm này, ngôi đình tọa lạc giữa thủ đô – vốn còn cả “kho” gỗ sưa quý giá – đang có nguy cơ trở thành mục tiêu của những kẻ trộm táo tợn.

Phía góc trong hậu cung nơi 2 thanh vì kèo bị trộm lấy mất

Vụ trộm nhiều bí ẩn

Qua đường dây nóng, bà con thôn Thanh Mạc xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) đã cung cấp thông tin về việc sáng ngày 16/7, nhiều người dân phát hiện hai vì kèo trong nội đình làng đã “không cánh mà bay”. Theo bà Lê Thị Bút (83 tuổi, người dân trong thôn – PV) cho hay: “Khoảng 5h chiều 14/7, khi đi qua khu vực phía sau đình làng Thanh Mạc, tôi có nhìn thấy một chiếc ô tô tải nhỏ đỗ cạnh tường sát cột điện phía sau đình. Ban đầu, tôi thấy một vài người đứng để chuẩn bị vận chuyển gỗ, củi từ trong đình ra rồi xếp lên xe. Đang có việc gấp, tôi chỉ nhìn qua mà không quá chú tâm nên đi luôn. Nếu biết đó là trộm, tôi đã tri hô bà con đến bắt ngay lúc đó”.

Một số người dân trong thôn cũng tỏ ra tiếc nuối. Bởi họ đều xác nhận có nhìn thấy chiếc xe ô tô đỗ ven bờ tường sau đình nhưng không nghĩ đó là kẻ trộm. Điều đáng chú ý, dù thanh gỗ bị đánh cắp chỉ dài 3,5m, dầy 20 phân, rộng 20 phân, nặng khoảng 1,5 tạ nhưng nó làm từ gỗ sưa đỏ quý hiếm. Nhiều người nhận định giá trị của nó ít nhất phải lên đến cả chục tỷ đồng. Mặt khác, giá trị văn hóa của thanh vì kèo làm từ gỗ sưa này là không thể đong đếm được.

Cũng bởi sự quý giá như vậy, vụ mất trộm hai thanh vì kèo bằng gỗ sưa đỏ càng khiến dư luận địa phương hoang mang, lo lắng. Cũng giống như cụ Bút, anh Hoàng Văn Trung cũng tỏ ra vô cùng tiếc nuối trước những gì vừa xảy đến. Sau sự việc, mọi nghi vấn đều đổ dồn vào chiếc ô tô tải kia. Cụ Bút tiết lộ thêm, việc dỡ hai thanh vì kèo không phải một chốc là xong mà cần tới hàng giờ đồng hồ. “Tôi nghi ngờ có “tay trong” giúp trộm trót lọt vụ này. Một việc phi logic là tại sao họ không trộm vào ban đêm mà lại thực hiện giữa ban ngày”, cụ Bút bức xúc.

Theo chỉ dẫn của một người dân tham gia vào quá trình khám nghiệm hiện trường, chúng tôi được dẫn vào khu vực nội cung để thực địa và thấy rằng phần hai thanh vì kèo bị kẻ trộm đánh cắp vẫn còn để trống. Một sự khá trùng hợp là từ trước đến nay, ngoài người dân trong thôn, rất ít người biết về cổ vật trên. Đặc biệt, đây không phải là lần đầu tiên tài sản quý trong đình bị mất cắp.

“Hồi giữa tháng 3 nắm ngoái, tôi cùng một số người có phát hiện chiếc đỉnh cổ không còn trong đình làng nữa, thay vào đó là chiếc đỉnh mới trông sáng sủa với nhiều họa tiết hoa văn trông kém tinh xảo, bằng mắt thường cũng có thể nhận ra. Đặc biệt, nhiều người bỗng thấy lạ trên miệng cổ chiếc đỉnh cổ được thay thế được khắc chữ Thanh Mạc Tân Mão Niên tức năm làm nên chiếc đỉnh cổ. Chiếc đỉnh cổ thật không có khắc chữ lên miệng cổ vật”, bà Bút cho biết.

Để tìm hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã tìm đến ông L.M.Đ (37 tuổi), thủ từ đình Thanh Mạc. Ông Đạo cho biết, hôm hai thanh vì kèo bị mất đúng vào ngày rằm. Khi ông vừa thắp nhang, đốt đèn lên thì bỗng giật mình khi thấy cánh cửa mở toang, chiếc gậy chống cửa bên trong dựng ở một góc nhà. Đi sâu vào bên trong, ông phát hiện phía cửa hậu cung bị mở, đồ thờ trên bàn bị làm xóa trộn. Thấy vậy, ông quan sát lên phái bên trái sát mái ngói ở phía Tây cửa hậu cung có một lỗ hổng lớn bị cạy ra. Nhìn kỹ mới biết, thanh vì kèo bằng gỗ sưa đã bị trộm cạy cả hai bên.

Sau khi phát hiện sự việc, ông Đạo gọi cho ông La, người cùng ngủ ở đình trực hôm đó để đi kiểm tra. Hai người vòng ra phía sau để kiểm tra thì thấy chỉ còn chiếc thanh tre của đình dựng ở đó. Ông Đạo cho hay, chiều hôm đó, ông cùng một số người cao tuổi trong thôn đi giăng dây điện để thắp đèn. Cho đến tối trước khi sự việc xảy ra, ông và ông La đều nằm trong nhà trông coi ngủ, không phát hiện động tĩnh gì cho đến sáng.

“Nguy cơ gặm nhấm cổ vật quý trong đình”

Bà Bút nói lại sự chuyện và lo lắng sẩn vật quý trong đình sẽ bị gặm nhấm dần

Trước sự việc trên, nhiều người dân không khỏi bàng hoàng, lo lắng. Trong buổi họp thôn diễn ra chiều 21/7, nhiều người lo ngại cây sưa còn lại trong đình cùng một số cổ vật quý có nguy cơ bị trộm cuỗm đi bất kỳ lúc nào nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Theo bà Bút, trước đây gia đình bà là người trực tiếp trông coi đình hàng chục năm không xảy ra mất cắp bất kỳ vật gì. Nhưng gần đây, hàng loạt sự việc đáng tiếc liên tục xảy ra. Trước khi sự việc vừa rồi, trong khu vườn của đình có cây sưa với đường kính khoảng 20 cm nhưng đã bị cắt sâu vào 8 cm. May mắn cây không bị đứt, người dân đặt nghi vấn đây có thể là “tác phẩm” của những kẻ trộm hai thanh vì kèo vừa qua.

Được biết, hiện trong vườn đình còn đến 3 cây gỗ sưa quý hiếm lâu năm. Những cây này đã từng được các thương lái từ xứ đến hỏi mua với giá vài chục tỷ đồng nhưng không được người dân đồng ý bán. Trong ngôi đình hiện còn một kèo làm từ gỗ sưa quý hiếm. Bên cạnh đó, chất liệu kết cấu nên ngôi đình có tuổi đời lâu năm này đều được làm từ gỗ quý lâu năm, nên hoàn toàn có thể là mục tiêu của những kẻ cắp.

Để đảm bảo an toàn, sự toàn vẹn cho những thanh gỗ quý trong đình cổ cùng 3 cây sưa quý lâu năm trong vườn đình làng, thời gian qua người dân đã cử người thay nhau túc trực. Một số người cho rằng người già không thể quan sát tốt tình hình. Hơn nữa, từ khi thay đổi đội tử đình liên tục xảy ra sự cố mất cắp nên cần có thanh niên trai tráng trong làng đứng ra hỗ trợ.

Nói về nguy cơ mất những vật quý giá tiếp theo, bà Bút thẫn thờ nói: “Thực ra thì quá trình gặm nhấm cổ vật quý trong đình đã bị trộm tiến hành từ hồi đầu tháng 3, năm 2015 – khi xảy ra vụ “đánh tráo cổ đỉnh một cách tráo trợn, giờ đây là hàng tạ gỗ sưa quý hiếm với giá trị lên đến hàng tỷ đồng.

Ông Nguyễn Doãn Huệ, Trưởng thôn Thanh Mạc, cũng thừa nhận: “Vụ trộm xảy ra không hề đơn giản vì nó xảy ra phía bên trong đình. Kẻ trộm phải mất hàng giờ đồng hồ mới gỡ được hai thanh vì kèo, đó là chưa kể thời gian để vào phía trong hậu cung cũng rất khó khăn vì còn phải qua mắt bảo vệ. Hai thanh vì kèo trước khi mất được gác ở dưới cổ diềm phía trong cùng hậu cung nên rất ít người biết, ngay cả nhiều người trong làng cũng không biết”. Ông Huệ cũng xác nhận: Trong đình còn một số vật liệu quý và người dân trong thôn hiện đã đề xuất chính quyền thôn, xã có biện pháp xử lý, đồng thời đề ra hướng để tránh những vụ mất ở lần kế tiếp”.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh