THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:00

Vụ trộm cắp gỗ sưa ở Quốc Oai (Hà Nội): Bị cáo kêu oan, tố bị “ép cung”

 

Theo đơn kêu cứu, hai bị cáo Anh và Sơn đều làm nghề mộc. Năm 2013, hai người có nhu cầu mua một vài khúc gỗ sưa về dùng. Qua bạn bè, hai người quen biết Trần Xuân Tứ (trú tại Hòa Bình). Tứ giới thiệu “có biết nhà ông Đinh Công Nghị ở Hòa Bình đang bán, nếu hai anh mua thì Tứ dẫn đi”. Là thợ mộc, ở nhà cũng trồng rất nhiều cây sưa, cây lớn đã có thể thu hoạch nên trong nhận thức của các bị cáo: “gỗ sưa mà Tứ giới thiệu là do người dân trồng, nay họ cần tiền nên mới bán, và mình mua thì không có gì sai”.

Tuy nhiên, ngày 25/4/2014,  Sơn và Quốc Anh bị Công an huyện Quốc Oai bắt tạm giam 2 tháng. Quá trình điều tra, hai bị cáo mới được điều tra viên cho biết số gỗ mình mua là do Bùi Văn Thuật (trú tại Hòa Bình) trộm cắp được ở chùa Thầy. Sau khi trộm cắp, Thuật đã mang về nhà ông Nghị. Sau đó, hai bị cáo đã bị cơ quan CSĐT khởi tố về hành vi “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo điều 250 Bộ luật Hình sự”. Căn cứ vào hồ sơ của Cơ quan CSĐT, Viện KSND huyện Quốc Oai đã ra quyết định truy tố hai bị can về hành vi nêu trên. Tuy nhiên, trải qua nhiều phiên xét xử, HĐXX đã nhiều lần ra quyết định trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung bởi còn nhiều điểm chưa thể kết tội đối với các bị cáo.

Đơn tố cáo của các bị can.

Tại các phiên tòa, bị cáo Sơn và Quốc Anh cũng liên tục kêu oan và  “tố cáo” hành vi vi phạm pháp luật của Cơ quan CSĐT và Viện KSND huyện Quốc Oai. “Rõ ràng chúng tôi không hề biết khúc gỗ đó là do ăn cắp, trong suốt quá trình điều tra chúng tôi đều khẳng định như vậy. Nhưng bị điều tra viên bức cung buộc chúng tôi phải ký vào biên bản lời khai, chúng tôi cũng đã tố cáo điều này song không được giải quyết. Ngược lại, thay vì bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của công dân, Viện KSND huyện Quốc Oai đã vòi vĩnh, ép chúng tôi phải chi tiền cho cán bộ, lãnh đạo của Viện KSND huyện,…”, bị cáo Sơn phản ánh.

Để làm rõ vụ việc trên, phóng viên đã liên lạc với ông Phạm Danh Mạnh, Trưởng Công an huyện Quốc Oai. Ông Mạnh thừa nhận: “Đúng là có vụ án này. Hiện tại Cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp tục điều tra bổ sung nên chưa thể kết luận điều gì”. Còn ông Tô Ngọc Chuẩn, Viện trưởng Viện KSND huyện Quốc Oai cho rằng: Khi tiến hành tố tụng, bị can Tạ Duy Sơn và Hoàng Quốc Anh liên tục gửi đơn kêu oan nên HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung và có thể vẫn còn sai sót trong quá trình điều tra.

Cũng theo ông Chuẩn, Viện KSND đã có ý kiến với Cơ quan CSĐT một số nội dung cần phải làm rõ trong vụ án này như: Về định giá khúc gỗ sưa. Có khúc thu thập được thì có thể định giá thông qua vật chứng, nhưng cũng có khúc không thu thập được, cơ quan thẩm định giá đã định giá qua mô tả nên có thể chưa chính xác, bởi vậy cần phải làm.

“Việc bị cáo Sơn và Quốc Anh có phạm tội hình sự hay không thì phải căn cứ vào kết luận điều tra bổ sung từ Cơ quan CSĐT. Cần phải xem lại, lần nào hai bị can không biết gỗ đó là do ăn cắp và lần nào biết gỗ là do ăn cắp mà có. Như vậy mới có căn cứ xác định xem các bị can này có phạm tội nhiều lần hay chỉ một lần hoặc không phạm tội”, ông Chuẩn nói.

Trước đơn tố cáo của các bị can, dư luận đặt câu hỏi liên quan đến năng lực của Cơ quan CSĐT. Và có hay không hành vi bức cung của các điều tra viên trong vụ án khiến bản chất vụ án bị lái đi theo hướng khác? Cùng với đó, ông Chuẩn chưa đi sâu vào những dấu hiệu tiêu cực của cán bộ trong Viện KSND huyện Quốc Oai khi được phân công vụ án.

Cùng với đơn phản ánh của các bị can là những tài liệu liên quan đến dấu hiệu tiêu cực, vi phạm pháp luật của các cơ quan tham gia tiến hành tố tụng.  Báo LĐ&XH sẽ tiếp tục thông tin về những nghi vấn này!

NHÓM PVPL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh