THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:31

Làng tỉ phú trồng sưa đỏ

Đổi đời nhờ cây sưa đỏ

Trong hơn chục năm trở lại đây, nhận thấy giá trị cao của cây sưa đỏ người dân làng Chanh (Tam Quan, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đã đồng loạt chuyển qua gieo trồng loại gỗ quý này. Mọi diện tích trống từ vườn đồi đến đường làng ngõ xóm, khắp làng đều rợp bóng sưa đỏ. Từ đó mà làng Chanh còn được gọi là “làng gỗ sưa”.

Từ đầu làng đến ngõ xóm ở Làng Chanh đâu đâu cũng rợp bóng cây sưa đỏ.

 

Theo ông Bùi Văn Thắng, Bí thư chi bộ thôn làng Chanh, cây sưa xuất hiện ở làng vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Gia đình đầu tiên đưa giống sưa đỏ về trồng là nhà ông Lăng Văn Bắc, ban đầu cũng chỉ có hơn chục cây trồng trong vườn nhà. Sau hơn chục năm khi cơn sốt gỗ sưa bắt đầu bùng nổ, số cây trong vườn nhà ông Bắc đã cho thu hoạch với giá trị cao. Từ một hộ đang gặp nhiều khó khăn khi chăn nuôi vịt thất bại, nhưng khi bán những cây sưa đầu tiên gia đình ông Bắc đã có tiền trang trải nợ nần, sửa chữa nhà cửa và kinh tế ngày càng khấm khá. Người trong làng thấy vậy, học theo ông trồng cây sưa với mong muốn có thể làm giàu từ cây gỗ quý này.

Người dân trong làng truyền tai nhau về giá trị kinh tế rất cao của cây sưa đỏ, mọi diện tích đất trống đều được người dân tận dụng trồng cây. Do nhu cầu cây giống ngày càng cao, nên nhiều hộ đã đầu tư mở vườn ươm. Ban đầu bán cho dân làng và khu vực lân cận, sau việc làm ăn mở rộng cây giống của làng đã cung cấp cho nhiều tỉnh thành khắp trong Nam ngoài Bắc. Ngoài ra, trong làng còn có hàng chục người làm nghề thu mua gỗ sưa.

 

Ông Lăng Văn Chương bên cây sưa đỏ 20 năm tuổi được trồng trong vườn nhà.


Theo ông Thắng hiện nay, 100% các hộ dân trong làng Chanh đều có cây sưa trong vườn nhà. Hộ ít thì vài chục cây, nhiều hàng trăm cây, trong đó có những hộ gia đình mua thêm đất để mở rộng quy mô trồng hàng ha sưa. Với lứa sưa đầu trồng 12 năm trước, đến nay có khoảng 20 hộ đã cho thu nhập cao từ gỗ sưa. Thời kỳ đỉnh điểm nhiều gia đình chỉ cần bán 3 cây là đủ tiền xây được nhà.

Ông Lăng Văn Chương một trong những chủ hộ giàu nhất làng về ươm, trồng và thu mua gỗ sưa phấn khởi: “Nhờ có cây sưa đỏ mà nhiều người làng Chanh đã đổi đời, chuyện người làng xây nhà 1 - 2 tỷ là điều bình thường, chưa kể mấy chục chiếc xe hơi sang trọng có trong làng”.

 

Nhờ cây sưa đỏ mà nhiều hộ dân trong làng có được cơ ngơi khang trang.

 

Nỗi lo biến động thị trường

Việc cây sưa đỏ đem lại lợi ích kinh tế cao cho nhiều người dân làng Chanh, có thể nói là điều không thể bàn cãi. Tuy nhiên, trước sự phát triển ồ ạt nếu không có tính toán cẩn thận, sẽ không khỏi dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Khi đó người dân trồng sưa sẽ rơi vào thế khó.

 

Những cây sưa giống của làng Chanh được tiêu thụ khắp trong Nam, ngoài Bắc.

 

Mặt khác, sản lượng sưa đỏ của nước ta hiện nay vẫn chủ yếu là cung cấp cho thị trường Trung Quốc, điều này dẫn đến tình trạng độc quyền. Giá cả gỗ sưa đỏ lên xuống phụ thuộc rất nhiều và các thương lái Trung Quốc. Trường hợp thương lái dừng mua, người dân sẽ khó tìm được đầu ra tiêu thụ.

Nhiều chủ buôn ở làng Chanh cho biết, trong 2 năm trở lại đây giá gỗ sưa có hạ nhiệt so với trước, tùy vào từ chủng loại sưa già hay non mà giá thu mua sẽ khác nhau. Loại đường kính 10 cm trở lên được thu mua với giá 1,2 - 1,3 triệu/kg, loại có đường kính dưới 10 cm có giá 700 - 800 nghìn/ kg, loại đường kính 15cm có giá 2 triệu/kg… Sưa càng lâu năm, đường kính càng lớn thì giá trị càng cao.

 

Những vườn sưa được trồng cách đây 12 năm đã bắt đầu cho thu hoạch.


Theo ông Bùi Văn Thắng, Bí thư chi bộ thôn làng Chanh, tuy giá sưa có giảm, song với nhiều người dân trong làng thì trồng cây sưa vẫn đem lại giá trị cao hơn so với những loại cây dân làng trồng trước đây như vải, na hay các cây lâm nghiệp khác. Vả lại trồng sưa khá đơn giản không nhiều mất công chăm sóc, nó tự phát triển, nên chưa có loại cây nào thay thế được. Tuy nhiên bản thân ông và nhiều người dân trong làng cũng không thể lường trước được thị trường sau này sẽ biến động ra sao.

Chính vì vậy, mà mặc dù có nhiều hộ dân đã đổi đời nhờ cây gỗ sưa nhưng với sự phát triển ồ ạt, tự phát theo phong trào khiến nhiều người dân trồng cây “tỉ phú” vẫn canh cánh nối lo khi thị trường có biến động. Thiết nghĩ để nghề trồng sưa ở làng Chanh, xã Tam Quan phát triển bền vững và đem lại hiệu quả kinh tế cao, các cấp chính quyền địa phương vẫn cần một chiến lược cụ thể để hỗ trợ người nông dân.

Tuấn Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh