CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:12

“Vua trồng rừng” và giấc mơ làm du lịch sinh thái

Chủ nhân của trang trại này, không ai khác đó chính là ông Hoàng Đức Hòe ở thôn Đá Bàn, người được mệnh danh là ông “vua trồng rừng” từng được Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm nhà…

30 năm gây dựng một cơ đồ 

Ông Hòe năm nay đã bước sang tuổi 72, nhưng nhìn phong thái nhanh nhẹn, nước ra hồng hào nhiều người lầm tưởng ông là một quan chức về ở ẩn chốn tiêu sơn. Bên chén rượu mật ong ngọt ấm khiến không khí lạnh buốt nơi núi rừng dần tan biến, ông Hòe bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện “cái duyên” với nghiệp trồng rừng của mình.

Không chỉ giỏi trồng rừng, ông Hòe còn rất giỏi trồng cây ăn quả, ông là một trong những người trồng thành công bưởi Đoan Hùng và bưởi Diễn trên đất Mỹ Bằng.

          Ông Hòe cho biết, khi còn là thanh niên, ông đã lên đường nhập ngũ, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông đã nhiều lần chết hút ngoài chiến trường, khi đối đầu với địch. Kết thúc Chiến dịch ông cùng đơn vị chuyển sang xây dựng Nhà máy Thuỷ điện Thác Bà (Yên Bái) rồi về xây dựng Khu công nghiệp Gò Đầm (Thái Nguyên)… Công việc nay đây mai đó khiến vợ ông ở nhà cứ lo ngay ngáy. Năm 1960 bà quyết định nghỉ dạy học theo ông về làm công nhân nấu ăn ở Trường sỹ quan pháo binh Sơn Tây cho gần chồng. Những tưởng cuộc sống của hai vợ chồng ông sẽ gắn bó mãi với mảnh đất hai Vua này, thì năm 1968 ông được điều về Mỹ Bằng để chuẩn bị cho việc xây dựng Nhà máy Y cụ II của Bộ y tế (sau này lại có quyết định chuyển địa điểm lên Khu công nghiệp Gò Đầm – Thái Nguyên).

          Thương vợ con, ông xin nghỉ mất sức và vợ ông cũng xin ra khỏi ngành để được ở lại quê hương, cùng ông gây dựng kinh tế. Ở quê làm ruộng chưa đầy 3 tháng ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư đoàn xã Mỹ Bằng. Với sự thông minh, nhanh nhẹn, ở cương vị này, ông Hòe đã dìu dắt phong trào đoàn của xã phát triển mạnh, từ đó tạo được nhiều đoàn viên ưu tú giới thiệu cho tổ chức Đảng.

Cho đến bây giờ về Mỹ Bằng hỏi những người cùng thời với ông ai cũng kể vanh vách và không ngớt lời khen ngợi người Bí thư đoàn năng nổ năm ấy. Hết gắn bó với phong trào đoàn ông Hoè còn chuyển sang làm thống kê xã, rồi Chủ nhiệm HTX… ở cương vị nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao.  

          Suốt 30 năm làm việc cần mẫn trong quân đội rồi công tác ở nhiều vị trí khác nhau ở UBND xã Mỹ Bằng, thì năm 1991 ông đột ngột xin nghỉ, rồi bỏ nhà vào nhận đất trồng rừng theo chủ trương giao đất, giao rừng của tỉnh. Lúc đầu ông Hòe xin mượn toàn bộ diện tích đất khu vực Rộc Pháo Bông, thuộc thôn Đá Bàn sau đó vận động bà con trong xã vào trồng cùng. Thế nhưng vận động mãi cũng chẳng ai nhận, một mình ông lặng lẽ trốn vợ kéo theo chiếc xe bò cũ vào khu đất toàn lau sậy ấy dựng lều trồng quyết trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc.

          Thấy ông làm vậy, nhiều người bảo ông là “hâm”, là thần kinh... Bỏ ngoài tai những lờ đàm tiếu, mặc cho bao lời can ngăn của người thân, ông vẫn quyết bám trụ nơi đất hoang để phát cỏ, gieo những “mần sống” đầu tiên trên đất đất hoang sơ toàn lau sậy này…

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

          Nhớ lại những năm tháng mới bắt tay vào trồng rừng nơi đất hoang ấy ông Hòe tâm sự: “Hồi đấy toàn bộ khu trang trại của tôi bây giờ ngập tràn lau sậy. Đêm nằm ngủ còn nghe tiếng hươu, nai tác, gà rừng thì nhiều vô kể…”. Giữa thiên nhiên hoang vu chỉ có tiếng gió ngàn và làm bạn với gà rừng nhưng chưa bao giờ ông nản chí. Vài tháng ông lại ra khỏi “căn cứ” của mình một lần để lên Trung tâm Lâm nghiệp tỉnh xin hạt keo giống và bạch đàn về tự ươm. Sẵn có kiến thức từ thời còn làm Chủ nhiệm HTX, nên việc ươm cây giống vào bầu đối với ông chẳng có gì là khó.

Ông Hoàng Đức Hòe thăm đàn ông mật của gia đình, với 40 bọng ong, hàng năm mang lại cho ông hàng chục triệu đồng. Ngoài bán mật, ông còn tách đàn bán ong giống cho bà con các xã lân cận.

          Hơn 3 năm ăn rau rừng, uống nước suối… với những người khác có lẽ là một cực hình, nhưng với ông Hòe, thì đó là những tháng năm đầy ắp kỷ niệm đẹp. Người ta gọi ông là “người rừng” cũng không sai, bởi ông có thể lang thang cả ngày trong rừng để chăm sóc cây mới trồng mà không hề tỏ ra mệt mỏi. Những thớ đất khô cằn được ông cuốc lên để thả những bầu cây giống non mơn mởm vào đó, rồi vác từng thùng nước từ ao lên tưới… Cứ cần mẫn như những con ong thợ đem từng giọt mật vàng về xây tổ, chẳng bao lâu cả một khu đất hoang ấy đã phủ kín một màu xanh bạt ngàn của bạch đàn, keo lai.

          Khâm phục trước ý trí của chồng, vợ ông đồng ý dỡ nhà ở làng Ngòi, rồi vào dựng nhà trong khu vườn rừng của ông. Có bàn tay chăm sóc của người vợ, ông càng ra sức trồng thêm rừng, đào và mở rộng thêm ao nuôi cá. Năm 1998, ông còn xuống tận Phú Thọ, Hà Nội mua gần 100 gốc bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn về trồng ở những khu đất thấp ven ao. Hai vợ chồng ông mải miết làm, chăm sóc cho những vườn cây, vật nuôi trong trang trại… Bán được bao nhiêu gà, cá ông lại dồn cả vào việc mua thêm cây giống cây, vật nuôi mới.

Ngày đó, người dân ở Mỹ Bằng còn khá lạ lẫm với việc phát triển mô hình kinh tế VAC (Vườn – Ao – Chuồng), việc làm của ông Hòe được xem như là một bước đột phá, người đi tiên phong trong phong trào xây dựng kinh tế trang trại tại địa phương. Cũng chính vì thế, năm 1990 khi lên Tuyên Quang dự Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, trang trại của ông đã vinh dự được Tổng Bí thư Đỗ Mười ghé thăm và động viên.

          Nhận được sự động viên từ phía người lãnh đạo cao nhất của Đảng, được sự tư vấn của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, ông Hòe đã mở mang thêm được nhiều kiến thức. Năm 1995, ông quyết định vay thêm vốn để mở rộng diện tích khu trang trại, xây dựng chuồng trại nuôi gà, vịt đẻ và ngăn ao nuôi cá một cách quy củ… Nhờ phát triển kinh tế trang trại theo đúng hướng, luôn nắm chắc các yếu tố kỹ thuật trong trồng và chăm sóc cây trồng, vật nuôi nên trang trại của ông Hòe đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 1996, ông bán 5ha bạch đàn được hơn 30 triệu đồng, năm 2002 bán trên 2ha keo lai được gần 100 triệu đồng, thu nhập từ trang trại của ông Hòe cứ tăng dần theo từng năm. Năm 2004, ông là một trong những gia đình tiêu biểu ở Mỹ Bằng xây được nhà 2 tầng khang trang, các con ông đều được nuôi ăn học đầy đủ và công tác ở các cơ quan Nhà nước.

          Hiện nay, ông là chủ của hơn 20ha rừng keo lai hơn chục năm tuổi. Ngoài ra thực hiện chương trình giao đất, giao rừng và nhận trồng rừng theo chương trình 327 và 661 ông Hòe đã thực hiện trồng được gần 40ha. Không chỉ vậy, ông còn tích cực vận động bà con trong thôn, xã thực hiện tốt việc trồng và bảo vệ rừng tại địa phương.

Khi được hỏi về ông Hòe, ông Đỗ Văn Dậu – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng vui vẻ nói: “Ông Hòe là một điển hình đi đầu trong phong trào trồng rừng ở xã. Ông ấy còn là một người Cựu chiến binh tiêu biểu thể hiện phương châm “tuổi già trí càng cao”. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông còn giúp nhiều người khác cùng làm giàu từ việc trồng rừng”.

Gắn trang trại với du lịch sinh thái

          Không tự đắc với những thành công của mình, hàng ngày ông vẫn cần mẫn tìm sách báo, tài liệu viết về phát triển kinh tế trang trại để bổ sung thêm kiến thức, tìm cách làm giàu bền vững hơn. Tình cờ một lần xem ti vi thấy mô hình nuôi gà sao của một gia đình ở Ninh Thuận khiến ông cứ trăn trở mãi. Ông suy nghĩ : “Ở đó có đồi núi, mình cũng có đồi núi tại sao không ai nuôi giống gà đặc sản có giá trị kinh tế cao này”.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết bắt ngay xe về Hà Nội, rồi tìm đến tận trại giống Trung ương mua hơn chục con gà sao giống về nuôi. Mua được gà giống ông vui lắm, ông về làm chuồng, rồi chăm bẵm chúng như những đứa con của mình vậy. Đến nay, hơn chục con gà sao ấy đã sinh sôi nảy nở lên thành hàng trăm con, nhìn đàn gà khỏe mạnh, tung tăng ngoài vườn ông vui lắm. Ông Hòe cho biết, dịp Tết Nguyên đán, ông bán 30 con, thu về hơn 20 triệu đồng.

Chỉ tay về phía các bọng ong ngoài vườn, với các chú ong đang cần mẫn lấy mật xây tổ, ông Hòe khoe. “Lúc đầu tôi chỉ nuôi vài tổ để lấy mật, phấn hoa dùng cho gia đình. Sau thấy nuôi ong hiệu quả, tôi nhân giống dần và hiện tôi có hơn 40 bọng. Ngoài cung bán mật, hàng năm tôi con san bọng bán ông giống cho bà con”.

          Khi được hỏi về những dự định trong tương lai ông hào hứng cho hay: “Trang trại của tôi rất gần với Khu di tích Cách mạnh Lào, gần với Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm. Nếu kết hợp tốt giữa du lịch suối khoáng và du lịch sinh thái thì trang trại sẽ trở thành một địa điểm lý tưởng. Sau khi tắm suối nước nóng thư giãn, khách du lịch có thể vào trang trại nghỉ ngơi, ăn uống và thăm quan. Khi về họ có thể mua các chai mật ong rừng nguyên chất, những con gà sao đặc sản… về làm quà”.

Nghe ông nói vậy mà thầm ngưỡng mộ, thán phục, bởi lời nói ấy đã được thốt ra từ miệng một lão nông ngoài 70 tuổi. Tiễn chúng tôi ra chổng, khi xe đã nổ máy, ông vẫn còn gọi với lại: “Nhà báo đi nhiều nơi nếu thấy chỗ nào nuôi nhiều lợn rừng thì mách nhé, tôi đang có dự định nuôi thử nghiệm trên khu đồi…”. Trên đường về xuôi, xe chúng tôi lượng qua những đồi chè bạt ngàn xanh mướt, bắt gặp từng đoàn xe mang các biển số các tỉnh khác nhau đang nối đuôi tiến vào Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu di tích Cách mạnh Lào. Tôi chợt nhớ tới dự định của “lão nông già” Hoàng Đức Hòe, mà trong lòng mừng vui khôn tả. Tôi tin rằng, với ý chí, nghị lực ấy những dự định của ông sẽ thành hiện thực. Trang trại của ông sẽ trở thành một “mắt xích”, một điểm đến lý tưởng, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch Tuyên Quang nói riêng và du lịch cả nước nói chung.

Tùng Sơn - Thanh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh