Huyện Như Xuân (Thanh Hóa): Xuất khẩu lao động là “Chìa khóa” trong mục tiêu giảm nghèo bền vững
- Bài thuốc hay
- 21:14 - 19/06/2017
Với mục tiêu tạo công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, thời gian qua, các ngành và địa phương đã triển khai hiệu quả nhiệm vụ công tác XKLĐ đến cán bộ, đảng viên ngành lLĐ,TB&XH; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng trong nhân dân.
Huyện Như Xuân đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức vai trò XKLĐ trong công tác giảm nghèo
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng XKLĐ ngày càng nhiều, nhất là những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan. Để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ, Phòng LĐ,TB&XH phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở các vùng nông thôn hiểu biết đầy đủ về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác XKLĐ. Thường xuyên cập nhật và tuyên truyền kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thị trường lao động ngoài nước; công khai danh sách, địa chỉ các doanh nghiệp đang tuyển chọn lao động xuất khẩu trên địa bàn huyện, số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn; điều kiện lao động và sinh hoạt; các khoản phí phải nộp, quyền lợi và trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Đặc biệt, ngay sau khi có Chỉ thị số 24- CT/HU ngày 3/3/2010 của Ban Thường vụ Huyện ủy Như Xuân "Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác xuất khẩu lao động", Ban Thường vụ Huyện uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Chỉ thị đến các các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể; chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo; đồng thời, tổ chức kiểm tra về công tác xuất khẩu lao động.
Định kỳ hằng tháng, quý, năm, nghe UBND và các ngành báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ, những tồn tại, hạn chế để kịp thời có hướng chỉ đạo và giải quyết: Kết quả từ 2010 đến tháng 5/2017): Toàn huyện có 1.205 lao động tham gia học ngoại ngữ và học định hướng; đã xuất cảnh được 937 lượt lao động trong đó thực hiện theo Quyết định số 71 là 273 người, đi ngoài Quyết định số 71 là 664 người, tập trung ở một số thị trường như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Libya, A rập xê út, Trung Đông, Malaysia, Đài Loan; Nhóm lao động tham gia thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, mức lương của các thị trường này khá cao, giai đoạn 2010- 2016 bình quân thu nhập 10- 30 triệu đồng/người/tháng; Nhóm thị trường Maylaysia, Libya, Trung Đông: mức lương thấp, thiếu ổn định, thu nhập giai đoạn (2010- 2016) bình quân 3,5- 10 triệu đồng/người/tháng.... Qua đó, góp phần quan trọng và tích cực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, tạo sự ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số địa phương thiếu quyết liệt, công tác tuyên truyền các chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động chưa sâu rộng; Một bộ phận nhân dân còn trông chờ vào các chính sách ưu đãi của Nhà nước, chưa ý thức được việc tham gia xuất khẩu lao động là giải pháp giải quyết việc làm, thu nhập cao cho hộ gia đình, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững; bên cạnh đó yếu tố gia đình, dòng tộc đã ảnh hưởng một phần đến tâm lý khi có người thân đi lao động xuất khẩu. Chất lượng nguồn lao động, nhất là trình độ ngoại ngữ, tay nghề của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước...
Những năm gần đây huyện Như Xuân luôn đạt kết quả tốt trong công tác XKLĐ
Theo lãnh đạo huyện Như Xuân, để nâng cao hiệu quả công tác XKLĐ, thời gian tới Như Xuân tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu sau:
Một là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác XKLĐ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, khơi dậy ý thức tự vươn lên của người dân tham gia xuất khẩu lao động để thoát nghèo bền vững.
Hai là: Các xã, thị trấn cần đưa nội dung công tác xuất khẩu lao động vào nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của từng địa phương để thực hiện. Rà soát, đánh giá lại hiệu quả thực trạng công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn huyện theo từng thị trường, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đạt hiệu quả.
Ba là: Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động từ huyện đến cơ sở, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các thành viên từ đó nâng cao vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm của từng cá nhân.
Bốn là: Tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình có nhu cầu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xuất khẩu lao động; thường xuyên kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc sự dụng vốn vay đúng mục đích và hiệu quả.
Năm là: Các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để các công ty, doanh nghiệp có uy tín đến địa bàn huyện dạy nghề và thi tuyển lao động đi làm việc ngoài nước theo các đơn hàng phù hợp tùy theo năng lực cá nhân, điều kiện kinh tế và chi phí của người lao động.
Để xuất khẩu lao động thực sự trở thành “chìa khóa” giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động trên địa bàn huyện, cần phải có sự chung tay của nhiều cơ quan chức năng và các doanh nghiệp XKLĐ, cũng như người lao động. Đặc biệt, đối với các địa phương cần nhận rõ đây là trách nhiệm, là cơ hội cần tạo điều kiện cho người lao động nghèo đi XKLĐ để họ có tiền phát triển kinh tế cũng là “chìa khóa” xóa nghèo bền vững.