THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:33

Bi hài: Cúng khản cả giọng vẫn không có mưa, vua gió Tây Nguyên từ chức

Bi hài: Cúng khan cả giọng vẫn không có mưa, vua gió Tây Nguyên từ chức
                                        Ông Siu Pon, vị vua Gió đã từ chức ở Tây Nguyên

Từ chức vì cúng khản cả giọng vẫn không có mưa

Men theo con đường nhỏ đã được bê tông hóa theo chương trình nông thôn mới để vào làng Plei Măng, căn nhà của vị vua Gió đời thứ 6 nằm lọt thỏm ở cuối làng. Đó là một căn nhà nhỏ thường thấy của đồng bào Ja Rai trên vùng đất này.

Tuy nhiên, người cháu gái của ông cho biết, ông đang đi chăn bò ở ngoài đồng, cách nhà khoảng 5km. Nhờ một cậu thanh niên trong làng dẫn đường, đi qua những con đường đất bùn nhỏ ngoằn ngoèo đầy bụi bậm, cuối cùng chúng tôi cũng may mắn gặp được vị vua Gió này. Đó là ông Siu Pon (sinh năm 1930).

Ngồi giữa đồng trơ trọi gốc rạ, trời nắng gắt, ông Siu Pon kể chúng tôi nghe về huyền thoại vua Gió nơi đây. Theo đó, ở vùng đất này cùng lúc tồn tại nhiều vị vua mà không hề có sự tranh giành quyền lực, đó là vua Lửa, vua Nước và vua Gió. Các vị vua luôn tôn kính nhau.

Vua Gió được xem là sức mạnh giúp người Ja Rai chống lại hạn hán, mùa khô khắc nghiệt. Đến nay, “triều đại” của vua Gió đã trải qua 5 đời vua chính thức và 1 đời vua cuối cùng nhưng đã từ chức, chính là ông. Ông là cháu gọi đời vua thứ 5 là cậu ruột và được vua truyền lại cách cúng cầu mưa. 

Ông Siu Pon kể, năm 1989, vua Gió đời thứ 5 là ông Siu Bam mất, nhưng vì nhiều lý do mà “ngôi vị” vua Gió không được truyền ngay cho người kế vị. Sau nhiều năm vắng bóng “ngôi vị” vua Gió, thời tiết của mùa khô nơi đây ngày càng khắc nghiệt, hạn hán liên miên, người dân thấy rằng họ cần một vị vua giúp họ thay đổi thiên nhiên.

Năm 1991, được sự đồng ý của người dân trong vùng, ông được các già làng cúng heo, gà để tổ chức làm lễ “lên ngôi” vua Gió. Dù được người trong làng phong cho làm vua và tin tưởng tuyệt đối về tài hô phong hoan vũ. Nhưng ông Siu Pon sống hòa đồng và nghèo khổ với các thần dân của mình. 

Ông Siu Pon cho biết: “Về thực quyền, tôi không có quyền gì cả, vua chỉ được dân làng kính trọng do có thể kết nối với được các vị thần linh tối cao, giúp dân làng trong các lễ cầu mưa, cầu gió, tiêu trừ dịch bệnh. Thực ra, dân làng muốn có vua là để chỉ mối liên hệ giữa người Ja Rai với các sức mạnh vô hình với họ như thần linh hoặc vũ trụ, còn người có quyền hạn trong cộng đồng vẫn là già làng”.

Cũng theo lời kể của ông Siu Pon, trước đây vua Gió phải sống ở một ngôi nhà nằm ở rìa làng, vẫn lao động chân tay như mọi người. Vua không được dùng bất kì phương tiện gì mà phải đi bộ. Không chỉ vậy, vua Gió còn phải kiêng ăn một số thực phẩm như thịt dê, ếch, bò vì người dân nơi đây cho rằng ăn chúng cúng sẽ mất thiêng.

Ngôi nhà vua Gió ở, trẻ em và phụ nữ không được bước vào, vua cũng không được ở chung với vợ con. “Do nhiều năm bị gián đoạn nên việc tôi quay trở lại với ngôi vị vua Gió cũng có phần khác những vị vua trước đó. Tôi không phải sống tách biệt ở rìa làng mà được sống ở nhà với vợ con. Trong thời gian tôi làm vua, có lần làng mờ đi cúng.

Tuy nhiên, sau những lần tôi cúng đều không có mưa, có lần tôi cúng khan cả giọng nhưng cũng chẳng hề hấn gì. Thấy không giúp được gì cho dân làng nên tôi quyết định từ chức”, ông Siu Pon kể.

Ngôi nhà của vua Gió Siu Pon

Ông Ro O Bếp, Trưởng làng Plei Măng, cho biết: “Dù vẫn được dân làng tin giao chức vua Gió, nhưng vì cuộc sống và quan niệm đã dần thay đổi nên ông Siu Pon đã từ chức. Từ khi ông Siu Pon từ chức, người Ja Rai không còn bầu ai lên làm vua Gió nữa.

Nhưng lễ cúng cầu mưa vẫn còn tồn tại và diễn ra ở mỗi bản làng vào mùa khô. Nhiều lần chúng tôi mời ông Siu Pon cúng nhưng ông ấy nhất quyết không cúng. Từ đó, già làng luôn là người đứng ra cầu cúng cho dân làng”. 

Chuyện kể về vua Gió

Theo ông Siu Pon, mỗi lần xảy ra hạn hán, già làng sẽ thông báo cho dân làng góp lễ vật như gạo, gà, dê, rượu… để mời vua đến cúng cầu mưa. Nếu sau lễ cúng trời vẫn không mưa, mỗi làng sẽ dựng một ngôi nhà tạm để cho vua đi qua ở. Vua sẽ đi hết làng này đến làng khác, sau khi đi một vòng hết huyện Ayun Pa, vua sẽ quay về làng mình. Người dân tin rằng lúc này trời sẽ có mưa.

Ông Siu Pon cho biết: “Để giúp cho việc cầu cúng của mình, vua Gió còn có các báu vật đi kèm gồm một nồi đồng, hai ghè rượu lớn, một bát đồng, một đĩa lớn, 3 chiêng đồng, 3 lục lạc tròn và một thanh gươm. Tuy nhiên, đến nay hầu hết các báu vật trên đã mất, chỉ còn lại 2 ghè rượu cổ và chiếc chén đồng. Hiện tại người giữ những báu vật đó là bà Ksor H’Nhiu, con gái của vua Siu Bam”.

Theo lời kể của ông Siu Pon, vua Gió đời thứ 5 Siu Bam trong thời gian “tại vị” (từ năm 1969 - 1989) đã làm rất nhiều việc giúp dân làng nơi đây. Ông kể rằng, năm 1971, trời Plei Măng nắng to, mọi con sông, con suối quanh làng đều khô cạn, cây cối héo khô. Người Ja Rai phải vào rừng chặt ống tre, ống trúc để chắt từng giọt nước. Không chịu nổi cái nắng, cái khát, dân làng khiêng heo, gà, rượu ghè đến để xin vua Gió cầu mưa cứu giúp dân làng.

“Lễ vật cầu mưa gồm một con gà, một ghè rượu lớn, một chén đồng và một đĩa lớn đựng thịt heo được đặt trên đàn dựng ở gò đất trống đầu làng. Vua Gió trong bộ lễ phục màu trắng cùng hai trợ lý là Siu Ma Sâm, Siu Blơl và 5 người già trong làng bắt đầu làm lễ.

Cả ngày hôm đó, dân làng phải bỏ hết công việc nương rẫy, chỉ ở nhà khua chiêng, đánh trống để phục lễ gọi gió, cầu mưa. Sau khi đọc lời khấn, vua Gió đưa gươm báu chỉ về tứ phía để mời các thần về dự lễ và cho gió, cho mưa giúp dân làng qua cơn khô hạn.

Thật kỳ diệu, sau khi dứt lời khấn cầu, gió thốc lên từng cơn, mây đen ùn ùn kéo đến, giông tố nổi lên rồi mưa như trút nước. Người dân Plei Măng chỉ biết hướng về phía vua Gió lập đàn cầu gió, cầu mưa mà cúi lạy. Sau lần đó, vua Gió còn được dân làng ở mãi tận Krông Pa (tỉnh Gia Lai) mời về làm lễ giúp dân gọi gió, cầu mưa và cứu chữa cho người ốm, người điên khỏi bệnh”, ông Siu Pon kể.

Theo ông Siu Pon, không chỉ là vị vua được các dân làng kính trọng, mà vua Siu Bam trong suốt thời gian “tại vị” không hề bị đau ốm. Chỉ đến năm 1989, trong một cơn sốt, vua Siu Bam đã từ giã cõi trần. Theo nghi lễ ông được chôn theo khu nhà mồ riêng của các vị vua, nhưng ông lại có di nguyện được chôn chung nhà mả với vợ mình ở khu vực nhà mồ của làng.

Dù đã từng trong dòng tộc của vua Gió, nhưng đến nay đời sống của “hậu duệ” vua Siu Bam cũng bình thường như bao nhiêu người dân Ja Rai trên mảnh đất này. Họ không còn nghèo đói, cuộc sống đã khấm khá hơn nhờ biết chăm chỉ làm ăn. Trong số họ, có người làm công an xã, có người đang theo học đại học.

Ông Ro O Bếp cho biết: “Cuộc sống của những người con vua Siu Bam cũng không khác gì những người dân trong làng. Việc chọn người kế vị không nhất thiết phải là con trong nhà, nên trước đó, ông Siu Bam đã chọn cháu ruột mình là ông Siu Pon là người kế tiếp mình nên đã dạy cho ông cách cúng cầu mưa. Dù vậy, một thời gian sau đó ông Siu Pon đã từ chức. Và những câu chuyện về các đời vua Gió chỉ còn là hoài niệm đang phai dần theo dòng chảy của thời gian”.

Theo Báo Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh