THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:52

Bến nước trong đời sống người Tây Nguyên

Bến nước văn hóa ở buôn Sut M ’rư, Cư Suê  (huyện Cư M ’gar, Đắk Lắk).

Thường mỗi buôn đồng bào dân tộc có một bến nước văn hóa. Theo phong tục của bà con dân tộc, mỗi buôn bầu chọn một ông già có uy tín để trông coi, quản lý bến nước. Người làm nhiệm vụ đó được gọi là “già làng bến nước”. Trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng, “già làng bến nước” có vị trí quan trọng trong việc động viên bà con tham gia xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cũng như trong các lĩnh vực xây dựng kinh tế - xã hội của cơ sở.

Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Bến nước là tặng phẩm của thiên nhiên (thiên nhiên của họ là Thần), họ nhờ Thần gội rửa bụi đất của rẫy nương để mỗi khi bước lên nhà sàn là mọi nhọc nhằn đều tan biến. Có lẽ vì vậy mà buổi chiều, trên bến nước bao giờ cũng rất xôn xao.Theo một số chuyên gia nghiên cứu, ở một phương diện nào đó, bến nước đồng nghĩa với làng. Người Tây Nguyên nói làng là những người cùng uống chung một nguồn nước. Xa làng là xa bến nước, nhớ làng là nhớ bến nước, về làng là về với bến nước, làm lễ Pơthi là để người ta vĩnh biệt bến nước. Tình yêu lứa đôi luôn có bến nước vun đắp, làm cho lãng mạn hơn, son sắc hơn nên họ cũng thường trao chiếc vòng đồng đính hôn nơi bến nước. Bến nước cũng là nơi rửa sạch bụi bẩn của tự nhiên, thanh lọc tâm hồn con người, trả con người lại cho sự tinh khiết của tình làng.

Ngoài việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất, bến nước còn là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng. Hàng năm, các buôn đồng bào dân tộc tổ chức lễ cúng bến nước. Trong lễ cúng đó, bà con cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mong cho mọi người có sức khỏe dồi dào, làm ăn gặp điều may mắn; cầu mong mọi người đều làm việc tốt và đoàn kết thương yêu nhau, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. Với ý nghĩa là bến nước văn hóa, theo quy ước của mọi người trong các buôn và điểm dân cư dân tộc Ê đê thì mọi người đều có trách nhiệm giữ sạch nguồn nước, bảo vệ cây cối quanh bến nước và bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Tuy vậy, trong một thời gian dài, hầu như các địa phương đã bỏ mặc, ít ai quan tâm đến việc bảo vệ bến nước. Cây cối bên bến nước bị chặt phá, nguồn nước bị làm nhiễm bẩn do khai thác bừa bãi để tưới cà phê.

Nước sạch về với đồng bào Tây Nguyên.

Các dân tộc Tây Nguyên lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt. Nguồn nước ấy không chỉ tắm gội cho con người được thanh sạch mà nó còn “tắm gội” cho hồn làng được tinh khiết, có như thế thần linh mới giúp dân làng mùa màng được tươi tốt, tránh được ốm đau bệnh tật.

Bến nước, con suối, dòng sông nào rồi cũng đổ về biển lớn. Trước khi biết được điều này, trước khi các dòng sông, con suối bị chặn lại để làm thủy lợi, thủy điện, người Tây Nguyên đã tạo dựng cho mình một nét văn hóa đẹp từ bến nước. Con suối chảy giữa rừng và làng là ranh giới giữa văn hóa và tự nhiên. Con suối chảy qua làng hay giọt nước đầu làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người.

Bảo tồn những nét đẹp văn hoá của đồng bào dân tộc, trong những năm gần đây các địa phương ở Tây Nguyên tập trung xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đi đôi với việc xây dựng quy ước thôn buôn, khu dân cư, các địa phương đã phục hồi những bến nước và thực  hiện nghi lễ cúng bến nước theo phong tục truyền thống. Nhiều buôn đồng bào dân tộc Ê đê, Gia rai đã huy động dân tu sửa, làm cho bến nước thoáng đãng, sạch đẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường. Tại đây bà con còn trồng lại nhiều cây xanh, trong đó chủ yếu là các loại cây bản địa.

Nhiều địa bàn như buôn Trinh (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ), buôn Krông A, buôn Krông B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), buôn Chu Kniar (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), buôn Cháy (xã Ea M’roh, huyện Cư M’gar) là những nơi nhanh chóng phục hồi các bến nước văn hóa tiêu biểu. Các huyện Krông Păk, Krông Buk, Ea H’leo, Ea Kar, M’Đrắc đã đầu tư kinh phí đáng kể giúp bà con dân tộc phục hồi nhiều bến nước văn hoá. Tại đây, các bến nước được xây dựng thành nơi có cảnh quan đẹp, phục vụ cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng và một số bến nước xây dựng điểm du lịch sinh thái.

Khi đời sống bà con được nâng lên, trình độ văn hóa phát triển, người dân bắt đầu tìm về những nét văn hóa truyền thống đã bị lãng quên trong một thời gian dài, đây là điều hết sức đáng mừng, bởi trước đây dù cho Nhà nước hỗ trợ động viên nhưng vì chưa có cái ăn cái mặc nên đành chịu, nhưng nay song song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước là sự tự giác của mỗi người dân nên công việc phục hồi các giá trị truyền thống vô cùng thuận lợi và đạt hiệu quả rất cao.

BÁ THĂNG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh