Tìm nước sinh hoạt trong đại hạn lịch sử ở Tây Nguyên
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:43 - 07/04/2016
Nhiều hồ đập lớn ở Tây Nguyên đã trơ đáy.
Thiếu nước sinh hoạt, nhiều hộ dân đành lấy nước suối không đảm bảo vệ sinh.
Người dân tại huyện Chư Prông đào hồ chứa nước giữa con đập đã khô kiệt.
Dùng xe bồn chở nước sinh hoạt về cho nhân dân.
Tây Nguyên đang quay quắt trong nắng hạn.
Kon Tum hiện là tỉnh có nhiều hộ dân thiếu nước sinh hoạt do hạn hán. Theo thống kê, đến ngày 31/3, trên địa bàn tỉnh có 45 công trình nước sinh hoạt bị cạn kiệt, hạn chế cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.176 hộ dân; có 8.274 giếng nước có khả năng bị thiếu nước, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt của 10.389 hộ dân.
Về vùng rốn hạn tại các xã Mô Rai, Sa Bình và Hơ Moong, Sa Nghĩa (huyện Sa Thầy, Kon Tum) câu chuyện được bàn luận nhiều xoay quanh chủ đề về nước. Do không đủ nguồn nước giếng dùng cho sinh hoạt nên người dân ở đây đã đào các hố dọc theo các con suối, rồi dùng can đựng chở về nhà. Để có nước, các hộ dân đã phải dậy từ sớm đi hàng cây số lấy nước. Do nguồn nước ở các con suối không đảm bảo vệ sinh nên hiện ở các xã trên đang có dịch tiêu chảy.
Theo ông Trần Đình Huân, Chánh văn Phòng UBND huyện Sa Thầy, số giếng khô cạn trên địa bàn huyện đã lên tới 661 giếng.
Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương rà soát, thống kê các giếng bị khô cạn, chủ động xuất kinh phí dự phòng mua bồn đựng nước hỗ trợ cho nhân dân. Đến nay các xã, thị trấn đã mua được hơn 80 bồn để tổ chức cấp nước sinh hoạt tập trung cho nhân dân. Hiện cũng có 2 công ty đã đưa xe bồn lên chở nước sinh hoạt về cho các vùng hạn nặng trên địa bàn huyện.
Còn tại Gia Lai, hiện có hơn 7.000 hộ thuộc địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đắk Pơ, Kông Chro, Chư Prông…. thiếu nước sinh hoạt. Toàn tỉnh có 14.695 hộ với 64.289 khẩu bị thiếu đói do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 11.894 hộ với 61.186 khẩu.
Những ngày qua, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Lữ đoàn thông tin 132 (Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng); Quân đoàn 3; Binh đoàn 15… và 4 công ty cao su đã chở hàng trăm lượt xe chở nước về giải cơn khát cho vùng rốn hạn. 17 chiếc xe gồm 15 xe chở nước tưới, 2 xe chở nước sinh hoạt đã hoạt động hết công suất chở nước cho bà con xã H’Bông (huyện Chư Sê, Gia Lai), vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề của hạn hán.
Trung bình mỗi xe ngày chở 7 chuyến, mỗi chuyến chở 10 khối nước. Việc chở nước phục vụ dân sẽ được các đơn vị duy trì liên tục khi nào chấm dứt hạn hán.
Còn tại Lâm Đồng, Công an tỉnh đã có những hoạt động thiết thực, giúp nhân dân giải hạn. Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy tỉnh Lâm Đồng đã dùng xe chuyên dụng, chở nước sạch cung cấp miễn phí cho người dân một số vùng bị khô hạn nặng trên địa bàn tỉnh.
Đợt đầu tiên được Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy số 2 khu vực Bảo Lộc triển khai tại địa bàn xã Đại Lào (thành phố Bảo Lộc) với 8.000 lít nước sạch. Nước được các xe và chiến sĩ chở phục vụ cho nhân dân và các trường học.
Trong kế hoạch sắp tới, Phòng Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy sẽ tiếp tục cấp nước đến người dân một số vùng tại huyện Đức Trọng và huyện Lâm Hà, những vùng trọng điểm về thiếu nước sinh hoạt do hạn hán.
Theo thống kê, hiện toàn Tây Nguyên đã có trên 95.000 ha cây trồng thiếu nước tưới. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên, mực nước chỉ còn 20- 40%. Toàn vùng có 7.100 ha cây trồng đã dừng sản xuất do thiếu nước. Dự báo từ Đài Khí tượng-Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nắng hạn vẫn còn kéo dài đến tháng 5 và tháng 6, theo đó sẽ có khoảng gần 170.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng do nắng hạn.