“Vua” bò miền tây xứ Nghệ
- Huyệt vị
- 20:34 - 26/09/2016
- "Chuyện người nuôi bò" giúp bạn hiểu lý do người nghèo cứ nghèo hoài
- Huyện Chợ Mới (An Giang):Nông dân đổi đời từ nuôi bò vỗ béo
- Sau nuôi bò, bầu Đức tiếp tục trồng cây ăn quả và làm nước ép
- Hà Tĩnh: Thúc đẩy đầu tư theo hướng phát triển công nghiệp chăn nuôi bò
- Vinamilk mua sữa của hàng ngàn nông dân chăn nuôi bò
Đàn bò của Thò Giống Nù đang phát triển trở lại sau dịch bệnh.
Từ thị trấn Kim Sơn ngược dốc Bù Chồng Cha, chạy dọc đường Tây Nghệ An, chúng tôi lên đỉnh Huồi Xai thăm mô hình chăn nuôi giống bò Mông của ông Thò Giống Nù. Được tận mắt chứng kiến trang trại của ông Nù, một cụ già người Mông, phải nhờ người phiên dịch chúng tôi mới nói chuyện được với ông.
Thò Giống Nù sinh ra và lớn lên tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ người con của đồng bào Mông. Giống Nù đã có hơn 50 năm kinh nghiệm trong việc chăn nuôi trâu, bò, ngựa. Có lúc đàn gia súc của gia đình lên đến 80 con cả trâu, bò, ngựa, mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng từ chăn nuôi.
Giống bò Mông có sức chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của thời tiết và dịch bệnh. Đây là giống bò có thể trạng to lớn, năng suất thịt cao rất phù hợp với việc thả rông. Do đã có nhiều năm kinh nghiệm chăn nuôi, nên đàn trâu, bò của ông Giống Nù chỉ nghe tiếng gọi là thi nhau chạy ùa về. Không phải tốn thời gian leo từng ngọn đồi để đi tìm.
Năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng những bước chân của Giống Nù vẫn chưa chịu dừng lại, mỗi tháng ông dạo khắp những ngọn đồi đi thăm đàn trâu, bò của gia đình. Giống Nù kể lại “Dù giống bò Mông có sức chịu đựng tốt nhưng đợt rét đầu năm nhiệt độ xuống 0 độ C, nên đàn bò cũng chết nhiều quá, chỉ tìm thấy 3, 4 con gì đó, số còn lại thì bị thối rữa hết. Tiếc lắm...”. Trong đợt rét đậm, rét hại đầu năm đã làm chết 12 con trâu, bò của ông Giống Nù.
Ông Giống Nù dùng muối gọi bò trên núi về
Giống Nù cho biết, gia đình có 11 người con, 4 người con trai, đều được ông chia cho mỗi người một vài con trâu, bò làm giống, đến nay các con ông mỗi người đều có trang trại riêng và có đàn bò, trâu, ngựa, mỗi gia đình cũng có trên hai chục con trâu, bò, ngựa. Giống Nù còn dạy các con trong việc chăn nuôi, đặc biệt là giống bò Mông của dân tộc mình.
Với trang trại và thu nhập tốt nên Giống Nù 2 lần vinh dự được đi báo cáo điển hình nông dân làm kinh tế giỏi do tỉnh Nghệ An tổ chức.
Bây giờ ở cái tuổi xưa nay hiếm, Giống Nù không còn nuôi nhiều như trước, hiện tại ông đang còn 10 con bò, 8 con trâu và 4 con ngựa. Giống Nù tâm sự: “Bây giờ tuổi cao rồi, không đủ sức nuôi nhiều, để cho các con thôi, chỉ nuôi mấy con gọi là cho có thôi”.
Hiện nay, người con trai đầu của Giống Nù là Thò Chư Hờ cũng có một trang trại để chăn nuôi gia súc theo mô hình của ông. Gia đình Chư Hờ đang nuôi 20 con bò Mông, 8 con trâu, 8 con ngựa, mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng. Những người con trai còn lại cũng có không dưới 20 con.
Đặc biệt người em trai ông Nù, Thò Nỏ Pó hiện nay đang có hơn 50 con trâu, bò ngựa mỗi năm từ tiền bán trâu, bò, ngựa cũng thu về trên 300 triệu đồng. Thò Nỏ Pó cũng có trang trại gần Giống Nù.
Ông Thò Giống Nù đang hái đào bán cho thương lái.
Không chỉ chăn nuôi giỏi, Giống Nù cũng là người có đầu óc trong việc phát triển kinh tế. Nhờ vậy, Ông đã đầu tư mô hình trồng đào Mông. Một trong những loại cây mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho đồng bào nơi đây. Giống Nù đã trồng được 500 gốc đào Mông, mỗi dịp tết Giống Nù thu nhập hàng chục triệu từ tiền bán cành đào. Ngoài ra, quả đào cũng là một đặc sản của đồng bào Mông. Các thương lái thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/kg.
Từ mô hình kinh tết kết hợp trồng trọt và chăn nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho Thò Giống Nù. Tính đến nay ở bản Pà Khốm xã Tri Lễ, có rất nhiều gia đình người Mông đã không còn di cư sang Lào mà tập trung làm ăn theo mô hình của Giống Nù.
Giờ đây người Mông ở Pà Khốm đã biết cách làm ăn, cái đói, cái nghèo đã dần được đẩy lùi cuộc sống mới đang về với đồng bào Mông ở đây từ những mô hình kinh tế như “vua” bò Thò Giống Nù.