THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:50

Vụ xếp hạng 49 trường đại học: Các trường truyền thống nói gì?

 

Sinh viên trường ĐH Kinh tế quốc dân trong lễ tốt nghiệp.

 

Lần đầu tiên, một nhóm 6 chuyên gia độc lập với cơ quan quản lý nhà nước vừa công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học có đầy đủ thông tin nhất trong số dữ liệu hơn 100 trường mà nhóm thu thập được từ năm 2014. Điều đáng lưu ý là trong các trường thuộc khối Kinh tế nổi tiếng, sự lựa chọn đầu tiên của nhiều học sinh giỏi lại có xếp hạng trung bình như trường ĐH Ngoại thương đứng thứ 23, ĐH Thương mại xếp thứ 29, ĐH Kinh tế quốc dân đứng ở vị trí 30, Học viện Tài chính đứng thứ hạng 40. Trong khi một số trường ít được biết đến lại nằm ngay top đầu của bảng xếp hạng như: ĐH Tôn Đức Thắng vị trí số 2, ĐH Duy Tân vị trí số 9…

 Để các trường biết được điểm mạnh, điểm yếu của mình

Theo công bố của nhóm 6 chuyên gia độc lập, tiêu chí xếp hạng của nhóm đưa ra phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và hướng tới chuẩn mực quốc tế với dựa trên bộ 3 tiêu chí xếp hạng là nghiên cứu khoa học (chiếm 40% trọng số), giáo dục đào tạo (40%), cơ sở vật chất và quản trị (20%).

TS Giáp Văn Dương là thành viên của nhóm chuyên gia độc lập đánh giá về xếp hạng các trường ĐH cho biết, mục đích của việc công bố bảng xếp hạng này vô cùng giản dị: Tạo ra một bảng xếp hạng khách quan, định lượng, kiểm chứng được để xã hội, các trường đại học và các nhà quản lý tham khảo. Cụ thể, các em sinh viên và các phụ huynh có thể dùng nó để tham khảo và hiểu thêm về các trường. Còn các trường và các nhà quản lý thì biết được điểm mạnh điểm yếu của trường mình để cải thiện.

Về lý do Trường ĐH Kinh tế quốc dân đứng ở vị trí 30 cũng như một số trường khác bị xếp thứ hạng thấp trong khi điểm đầu vào luôn thuộc top, các chuyên gia trong nhóm đánh giá, do số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ cũng như các nghiên cứu và  công bố quốc tế ít nên trong bảng xếp hạng ở top trung bình. Hơn nữa, thứ hạng này không đồng nghĩa với chất lượng giảng dạy cũng như chất lượng sinh viên, nhóm tiến hành nghiên cứu này là do nhận thấy các trường đại học ở Việt Nam yếu về tính cạnh tranh, thiếu động lực trong việc minh bạch thông tin, hội nhập quốc tế.

 Kết quả xếp hạng muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn

PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, Giảng viên báo chí Học viện báo chí và Tuyên truyền cho rằng, qua việc xếp hạng của các trường ĐH, đây cũng là một cách đánh giá để cho các đơn vị độc lập khác cũng như các tổ chức hiệp hội của Việt Nam quan tâm đến chuyện này để xếp lại tiêu chí như thế nào cho hợp lý. Việc xếp hạng các trường ĐH cũng có ý rất tốt, qua đó gợi ra những câu chuyện cho mọi người cùng nhìn nhận và phân tích, còn kết quả chỉ mang tính tham khảo. Nhưng việc xếp hạng các trường ở đây các tiêu chí chưa được rõ ràng nên đã gây ra nhiều dư luận trái chiều. Chẳng hạn một số trường dạy nghề thì phải tính đến tiêu chí khi sinh viên ra trường sẽ như thế nào, tỷ lệ có việc làm là bao nhiêu? Hoặc như ISI của khoa học xã hội thì không thể như khoa học công nghệ được, nhưng đối với với khoa học tự nhiên thì lại quá dễ.

Việc nhóm đưa ra 3 tiêu chí để đánh giá, theo  PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng, về vấn đề cơ sở vật chất và quản trị, bao nhiêu và như thế nào là tốt và không tốt, những cái đó cần phải rõ ràng. Như cơ sở vật chất chẳng hạn, một phòng không có điều hòa thì có ảnh hưởng gì không? “Theo bảng xếp hạng của nhóm thì trường Học viện báo chí và Tuyên truyền đứng thứ 43, với tư cách là một giảng viên, tôi coi chuyện xếp hạng đó cũng là bình thường, nó ở mức 3 hay là 13, 23 hay 33 nhưng nếu có tiêu chí rõ ràng thì rất có ý nghĩa, nhưng ở đây tiêu chí chưa được rõ nên ý nghĩa rất ít”, PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng nêu quan điểm.

 

Bảng xếp hạng 49/100 trường đại học ở Việt Nam.


PGS Lê Thị Thu Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho rằng, kết quả xếp hạng muốn thuyết phục thì dữ liệu phải chuẩn, tiêu chí đánh giá phù hợp và mẫu nghiên cứu đủ lớn. Bà Thủy băn khoăn báo cáo 3 công khai của các trường mà nhóm nghiên cứu dựa vào để xếp hạng đã được cập nhật đầy đủ hay chưa? Để đánh giá được thứ hạng của các trường thì cần phải có phương pháp, dữ liệu đầy đủ, chính xác với sự tham gia của trường đó. Hơn nữa, để đưa được bộ tiêu chí chuẩn để xếp hạng cũng cần thời gian và nghiên cứu cụ thể. “Nhà trường không buồn vì đứng thứ 23, quan trọng là nhìn nhận của xã hội vì nếu theo một tiêu chí khác, nhà trường sẽ xếp hạng cao hơn”, PGS Lê Thị Thu Thủy chia sẻ.

Theo lãnh đạo của trường ĐH Kinh tế Quốc dân, việc xếp hạng các trường ĐH cần làm rõ được tiêu chí đánh giá để cho xã hội không hiểu lầm. Thực tế như xã hội nhìn nhận, trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một cơ sở đào tạo tốt. Trong các mùa tuyển sinh, lượng thí sinh đăng ký vào trường rất lớn và mức điểm đầu vào cũng khá cao so với những trường khác.

“Hiện nay, có rất nhiều bảng xếp hạng các trường ĐH được nhiều tổ chức trên thế giới thực hiện và mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí cũng như nguồn dữ liệu để tính những tiêu chuẩn khác nhau. Vì thế, việc bảng xếp hạng các trường ĐH lần đầu tiên được công bố vừa qua, trường ĐH Kinh tế Quốc dân đứng thứ 30 hay thậm chí là 40 nó chỉ là một khía cạnh, một mảng nào đó chứ không phải đánh giá tổng thể và không nói lên tất cả những gì nhà trường đang làm”, lãnh đạo trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho hay.

 

6 thành viên chính tham gia dự án gồm: TS Lưu Quang Hưng (Melbourne, Úc); TS Nguyễn Ngọc Anh (Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển - DEPOCEN, Việt Nam); TS Giáp Văn Dương (GiapGroup, Việt Nam); TS Ngô Đức Thế (ĐH Manchester, Anh);  ThS Trần Thanh Thủy (DEPOCEN, Việt Nam) và ThS Nguyễn Thị Thu Huyền (Trường ĐH Sư phạm TP HCM).

Cố vấn và góp ý để hoàn thiện báo cáo là GS Trần Nam Bình (ĐH New South Wales, Úc), GS Lê Văn Cường (ĐH Paris 1, Pháp).

CÙ HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh