Phân tầng, xếp hạng trường đại học: Đâu là tiêu chí?
- Tra cứu Từ điển y khoa
- 22:02 - 17/10/2015
Ngày 25/10 tới, Nghị định 73 năm 2015 của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học sẽ có hiệu lực. Hầu hết các trường đại học cho rằng, phân tầng và xếp hạng đại học là cần thiết, phù hợp với xu thế quốc tế.
Theo Nghị định 73 của Chính phủ, cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng gồm: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.
Việc xếp hạng các trường sẽ tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng (Ảnh minh họa).
Các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3. Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc hạng 1 và 3.
Phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 10 năm và xếp hạng cơ sở giáo dục được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.
Theo lãnh đạo các trường đại học, việc phân tầng và xếp hạng đối với các trường đại học ở Việt Nam hiện nay là cần thiết để cơ sở giáo dục đại học định hướng rõ ràng mục tiêu đào tạo, công khai chất lượng và uy tín của các trường để người học, xã hội biết và lựa chọn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Cao Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết, hiện nay các trường đại học của Việt Nam đang ở mức thấp, ít trường lọt vào bảng xếp hạng của thế giới và châu Á. Vì vậy, thực hiện xếp hạng các trường sẽ tạo động lực thúc đẩy nâng cao chất lượng toàn diện, phù hợp với xu thế của thế giới.
“Một trường đại học phải xem mình ở mức nào để cố gắng. Vì phải đánh giá một trường đại học thì mới biết được trường đấy có năng lực như thế nào, chất lượng đào tạo của trường. Hiện nay, trường chúng tôi rất quan tâm đến tự đánh giá và đang làm đánh giá ngoài cho nên phân tầng đại học là hiển nhiên. Các nước đã làm rồi, mình làm là hơi chậm” – ông Cao Văn chia sẻ.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các trường đại học được phân tầng là cơ sở để nhà nước có chính sách đầu tư phù hợp đối với sự phát triển của từng nhóm trường khác nhau.
Định hướng cho việc phân tầng là cần thiết, phù hợp với xu thế của thế giới. Trên cơ sở phân tầng ấy, Chính phủ cũng như các địa phương có hướng đầu tư phát triển một cách thích hợp. Số lượng các trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam quá lớn, trên 400 trường, nếu đầu tư giống nhau thì không có nguồn lực. Nhưng nếu không có đầu tư cho những trường trọng điểm, những trường phát triển theo định hướng nghiên cứu thì cũng không có điều kiện để tạo thành một nền tảng cho sự phát triển khoa học, công nghệ lâu dài cho đất nước.
Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường cũng còn băn khoăn, vì Nghị định 73 của Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo lựa chọn các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện việc phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học, trong khi ở Việt Nam hiện chưa có nhiều tổ chức có thể đảm nhiệm được nhiệm vụ này.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, để phân tầng, xếp hạng các cơ sở giáo dục được chính xác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác định cách tính điểm cho mỗi chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn phân tầng và xếp hạng khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Đơn vị thực hiện phải có năng lực, kinh nghiệm, uy tín và thực sự khách quan.
Nguyễn Văn Cương nói: “Bộ tiêu chí thế nào để phân loại cho hợp lý. Nếu không sẽ dẫn tới việc phân loại không chính xác, khách quan và khoa học, tổn thương cho nhiều trường. Chẳng hạn những trường đó ở thứ hạng thấp trong khi họ có thể ở thứ hạng cao. Hoặc những trường mà ở thứ hạng thấp, nhưng lọt vào thứ hạng cao, sẽ gây ra sự bất công.
Tôi nghĩ sự phân loai này sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các trường, nhất là tình hình hiện nay việc tuyển sinh các trường đều khó khăn, khi các trường khối nhân văn và văn hóa nghệ thuật, số lượng thí sinh thi vào không cao. Chủ thể tiến hành việc khảo sát, thống kê, phân loại và công bố thì phải tiến hành thận trọng”.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng Thông tư hướng dẫn chi tiết phân tầng và xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học. Các trường hi vọng, việc phân tầng và xếp hạng này thực sự công khai, minh bạch và công bằng, đánh giá đúng uy tín và chất lượng đào tạo của các trường.