Vụ sạt lở đất kinh hoàng qua lời kể của người sống sót
- Dược liệu
- 23:58 - 15/09/2016
Đêm muộn, trong ánh trăng lờ mờ bị che khuất bởi những đám mây bao phủ, không điện cả thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân như chìm vào màn đêm u tối tĩnh mịch. Chỉ đâu đó ánh đèn dầu leo lét, những tiếng bước chân, tiếng khóc ai oán, nỉ non cho những người xấu số như rõ hơn.
Vừa trở về sau một đêm dài kinh hoàng vật lộn giữa sự sống và cái chết, chị Vi Thị Di (SN 1978) thôn Chiềng Cà 2 vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại giây phút lạc lõng giữ rừng. Chị Di kể: Trong lán của tôi lúc đó có 4 người gồm tôi, và hai vợ chồng người chú là Vi Văn Ứ, Vi Thị Nội và anh Đông. Đêm ấy là ngày thứ 3 tôi cùng mấy anh chị em vào rừng lập lán lấy măng. Rạng sáng 14/9, khu vực dựng lán trời mưa to, cơn mưa rừng đột ngột như có một điều gì đó lạ lẫm, khác thường.
Chi Vi Thị Di (ngoài cùng bên phải )vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại
vụ sạt lở đất kinh hoàng vào rạng sáng 14/9
“Đến khoảng hơn 4h sáng 14/9, tôi cùng 3 người nữa đang nằm trong lán, thì thấy mặt đất rung chuyển, những tiếng gió rít, nước chảy ầm ầm rồi đất đá lở tứ tung. Lúc này, anh Ứ đã nhanh tay kéo chúng tôi ra ngoài. Chẳng kịp định thần, tôi cùng mấy người trong lán co chân chạy.
Tuy nhiên, lúc ấy, vợ anh Ứ là chị Nội bị mắc kẹt không kéo ra được, đang loay hoay cứu chị Nội, thì một đợt sạt lở tiếp theo đã cuốn mất chị ấy” - Chị Di đau xót kể.
Thoát được trận sạt lở đất, chị Di cùng những người trong lán lại chạy tiếp. “Khi đã đến được nơi an toàn, tôi mới biết những người khác đã bị cuốn đi. Sau đó, anh Đông, chú Ứ đã quay trở lại tìm kiếm thím và những người ở các lán trại gần đó. Thật khủng khiếp, cả đêm tôi đứng giữa trời mưa tầm tã, tâm trạng hoảng loạn. Thân mình đau ê ẩm, chân tay bị cây rừng cào xé. Khi trời sáng hẳn, bằng chút sức lực còn lại tôi mới gắng gượng sức lực tìm đường về nhà. Sau nhiều giờ đi bộ gần 15km đường rừng, cuối cùng tôi đã về được đến nhà báo tin. Về đến nhà tôi mới biết là mình còn sống, lúc ấy tôi cảm thấy mình chẳng còn chút sức lực nào để bước đi được nữa” – chị Di thuật lại.
Cũng theo chị Di, lúc xảy ra sạt lở, có 2 lán ở gần lán của chị bị vùi lấp và bị nước cuốn xuống nhánh sông của sông Hiếu, trong đó có 1 lán có 6 người đều bị cuốn mất tích, lán có 3 người đã may mắn thoát ra ngoài.
Anh Lục Văn Xuyên kể lại chuyện với phóng viên
Cũng may mắn trở về sau một đêm dài đầy kinh hoàng, anh Lục Văn Xuyến (42 tuổi) kể: "Đoàn chúng tôi có 13 người đi lấy măng và đóng thành 3 lán ở những khu rừng khác nhau. Lán của tôi hôm đấy có 3 người. Đêm ấy, trời mưa to, nước chảy tràn vào lán nên tôi tỉnh dậy thì nghe tiếng kêu vù vù, nhưng mặt đất khu vực lán không rung chuyển. Thấy chuyện lạ, tôi vội kéo 2 người phụ nữ cùng lán còn lại bỏ hết đồ đạc bỏ chạy. Đến khi quay trở lại thì toàn bộ lán đã bị cuốn trôi. Cũng vào thời điểm trên, có người ở lán chị Di chạy ra thông báo, lán chị Di và lán gần đấy gặp nạn, nên tôi chạy sang trợ giúp. “Đến nơi, trong nhập nhoạng, tôi thấy cảnh tượng kinh hoàng, những người trong lán bị lũ, đất đá cuốn trôi và vùi lấp. Tôi chỉ nhìn thấy thi thể của em Khoa và anh Thoại bị kẹt dưới thân một cái cây, khung cảnh khi đó thật khủng khiếp. Cả khu lán trại đã bị đất đá lở tràn qua...”
Cũng theo anh Xuyến, sau khi tìm kiếm thêm xung quanh hiện trường, nhưng do khu vực sạt lở đất diện tích rộng, khối lượng sạt lở đất xuống khu vực nhánh sông Hiếu lớn, nên anh Xuyên cũng chẳng thể cứu được những người còn lại. “Sau khi thoát được vụ sạt lở đất, phải mất rất nhiều giờ băng rừng giữa trời mưa như trút, tôi mới về đến làng. Ngay tức thì thân nhân những người bị nạn cùng chính quyền các cấp đã vào rừng tìm kiếm nạn nhân. 4 năm đi làm măng đến giờ tôi chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào như thế. Thật khủng khiếp...”.- Anh Xuyến thuật lại sự việc.
Tại thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, vào tối 14/9, bà Vi Thi Nóng (chị gái của bà Thay và bà Nội – hiện tại đang mất tích) đau đớn kể: “Nhà chúng nó nghèo lắm, con cái lại đang nhỏ nữa. Trưa đó vợ chồng tôi vừa mới bưng bát cơm lên chưa kịp ăn thì thấy chú Ứ - chồng cái Nội chạy thộc mạng về nhà báo tin lở núi, nhiều người bị cuốn trôi hết rồi”.
Cũng theo bà Nóng, trong số người thân của bà đã chết và đang mất tích, gia cảnh nhà vợ chồng anh Vi Đình Khoa và bà Thong rất đáng thương. Nhà nghèo, nên hai vợ chồng cứ quanh năm suốt tháng ở trong rừng kiếm ăn, có tháng về nhà được vài hôm rồi lại kéo nhau vào rừng. “Giờ vợ chồng nó mà chết hết, 4 đứa con nhỏ của chúng nó không biết sống với ai, bà nội chúng thì đã ngoài 80 tuổi rồi” – bà Nóng đau buồn kể.
Theo chia sẻ của chị Di, anh Xuyến, vì cuộc sống mưu sinh mà người dân trong làng bao năm nay vào mùa măng rừng vẫn thường xuyên vào rừng lấy măng mang về bán. Mỗi ngày tính ra cũng chỉ kiếm được 80 đến 100 ngàn đồng. Mỗi đợt đi như vậy vài ngày trong rừng cũng chỉ kiếm được mấy trăm nghìn đồng. Nhưng vì không có công ăn, việc làm, đời sống khó khăn nên đành phải chấp nhận. Để tới được chỗ dựng lán, mỗi chuyến đi, người trong đoàn cũng phải mang vác hàng chục kg đồ dùng, rồi khi trở về lại phải băng rùng mang thành phẩm về bán nên cuộc sống vốn đã khó lại càng khó hơn.
Trước đó, như Báo Dân Sinh đã thông tin, vào rạng sáng 14/9, hơn chục người tại xã Thanh Quân, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vào rừng thuộc khu vực xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) để hái măng rồi không may bị lũ quét gây sạt lở đất làm 2 người tử vong và 5 người khác đang mất tích.
Danh tính hai người bị tử vong gồm; Lương Văn Thoại (SN 1994) và Vi Đình Khoa (SN 1978) cùng ngụ tại thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân đã được lực lượng tham gia cứu hộ đưa về quê nhà tại bản Chiềng Cà 2 an táng theo phong tục địa phương. Những người đang còn mất tích gồm: Vi Thị Nội (Doan), Vi Thị Thay, Vi Thị Thong, Vi Thị Tin, Vi Thị Pheo (đều là nữ, cùng ở thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân).
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hoá đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người thân bị tử vong và tổ chức tìm kiếm những người còn mất tích.
Thông tin từ Trung tâm phòng, chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết, tại huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, đến thời điểm hiện tại trong tổng số 8 người mất liên lạc đã có 7 người thông tin được về nhà, một người xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu được xác định là đã mất tích. Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An cũng đã tìm được một phần thi thể được xác định là nạn nhân bị ảnh hưởng do trận sạt lở đất trước đó. Hiện danh tính vẫn đang được xác định cụ thể.
Hiện tại, chính quyền huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa đang phối hợp với huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân thuộc thôn Chiềng Cà 2, xã Thanh Quân, huyện Như Xuân trong quá trình dựng lán, lấy măng tại xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã bị đất đá sạt lở, cuốn trôi vào đêm 13, rạng sáng 14/9.
Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin mới nhất đến bạn đọc.