THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:19

Vụ sập nhà ở phố Cửa Bắc (Hà Nội) và lỗ hổng trong quản lý xây dựng

Hiện trường vụ sập nhà phố Cửa Bắc (Ảnh: Duy Linh).

Từ Công văn số 1123
Nhiều ngày đã qua, nhưng người dân Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ sập đổ ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc khiến hai người thiệt mạng, nhiều người bị thương, một số ngôi nhà bên cạnh bị ảnh hưởng, để lại nỗi lo lắng lâu dài cho nhiều người khi đang phải ở trong những công trình cũ, nát.
Nhà số 41 phố Cửa Bắc nằm kế bên ngôi nhà bị sập do bà Nguyễn Thị Vân (82 tuổi) và con trai là Trương Quốc Hùng (43 tuổi) thuê và ở thường xuyên. Ngôi nhà có tuổi đời hàng chục năm nên đã xuống cấp. Bởi vậy, bà Vân làm hồ sơ xin được sửa nhà, khôi phục lại hiện trạng. Đến ngày 2/8/2016, (trước khi xảy ra vụ sập nhà hai ngày), UBND quận Ba Đình có Văn bản số 1123 chấp thuận cho khôi phục lại nhà cũ và yêu cầu chủ công trình phải lập hồ sơ khảo sát hiện trạng các công trình liền kề trước; bồi thường thiệt hại nếu gây hư hỏng các công trình liền kề, công trình ngầm trên mặt đất và trên không, cây xanh công cộng nếu nguyên nhân do công trình gây ra. Văn bản cũng kèm theo điều kiện, trong trường hợp bà Vân không thực hiện đúng các nội dung của Văn bản số 1123 thì văn bản này không có giá trị, sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật đối với công trình không phép.
Ngay sau khi có Văn bản số 1123, chủ công trình số 41 Cửa Bắc đã bỏ qua các yêu cầu của văn bản và thực hiện ngay việc sửa chữa, khôi phục nhà. Chính việc này đã dẫn đến vụ sập nhà kinh hoàng. Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng, chính Văn bản số 1123 của UBND quận Ba Đình vô hình trung đã “bật đèn xanh” cho chủ hộ ngôi nhà số 41 Cửa Bắc liều lĩnh thực hiện việc xây dựng, khôi phục ngôi nhà? Sự việc nêu trên đang cảnh báo về một lỗ hổng trong quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn TP Hà Nội, đó là tình trạng người dân chỉ cần được sự chấp thuận của chính quyền về mặt chủ trương là sẵn sàng bất chấp các yêu cầu chuyên môn, an toàn, để thi công mà không nghĩ đến những mối nguy hiểm có thể xảy ra. Trường hợp nhà số 41 Cửa Bắc thi công khi chưa thực hiện đủ các yêu cầu chỉ bị phát hiện khi gây nên vụ đổ sập nhà số 43 Cửa Bắc. Trên thực tế, những công trình đang thi công một cách nguy hiểm như trường hợp nhà số 41 Cửa Bắc không phải là ít.
Trách nhiệm các bên?
Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Với quyết định này, có thể hiểu rằng, chủ đầu tư và những người thực hiện thi công, tư vấn thi công đang là những đối tượng liên quan trực tiếp và sẽ phải chịu xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, dư luận cho rằng, cơ quan chức năng cũng cần phải làm rõ trách nhiệm quản lý của chính quyền, mà trực tiếp ở đây là UBND quận Ba Đình, nơi đã có Công văn 1123, chấp thuận cho bà Vân xây dựng lại ngôi nhà mà không kiểm soát việc thực hiện các điều kiện để xây dựng và trách nhiệm giám sát, thanh tra xây dựng đối với các đơn vị liên quan, chính quyền cơ sở.
Phóng viên Báo Nhân Dân đã liên hệ với đồng chí Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, người trực tiếp ký Văn bản số 1123, thì được trả lời, vấn đề này cần gặp ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình. Khi phóng viên đề nghị ông Dũng cung cấp hồ sơ về việc xin sửa chữa, khôi phục nhà của bà Nguyễn Thị Vân (chủ thuê nhà số 41 Cửa Bắc) cũng như Văn bản số 1123 về việc chấp thuận cho bà Vân, ông Dũng cho biết: “Cơ quan điều tra đã lấy hết hồ sơ rồi”!...
Giải thích vì sao lại ban hành Công văn số 1123 chấp thuận việc khôi phục nhà số 41 Cửa Bắc thay vì cấp giấy phép xây dựng, ông Trần Đức Dũng cho hay: Do bà Vân không phải chủ nhà, chỉ là người ở thuê, ngôi nhà này cũng đang chờ cơ quan chức năng phân định quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện để cấp giấy phép xây dựng. Nhưng vì ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng ở mức độ D nên quận có công văn cho họ sửa chữa, tránh nguy hiểm. Trả lời việc sau khi đã có Công văn số 1123, tại sao UBND quận không kiểm tra, giám sát ngôi nhà số 41 Cửa Bắc để ngăn chặn việc thi công khi chưa thực hiện đủ yêu cầu, ông Dũng nói: “Nhà số 41 Cửa Bắc đã tranh thủ làm đêm, trong khi lực lượng thanh tra xây dựng thì làm gì có ai làm đêm?! Khi được hỏi về trách nhiệm của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình trong sự việc trên, ông Dũng cho biết: “Xét thấy mức độ nhà 41 Cửa Bắc xuống cấp mức độ D nên đã có văn bản chấp thuận khôi phục nhà cũ, còn việc khảo sát công trình liền kề là việc của chủ đầu tư, chúng tôi không làm thay được, họ làm sai thì họ phải chịu”.
Theo TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Xây dựng: Về luật pháp, ai là người chủ sở hữu nhà mới có trách nhiệm và quyền hạn với ngôi nhà ấy. Người ở thuê chỉ có trách nhiệm giữ gìn cho khỏi bị hư hỏng chứ không có trách nhiệm sửa chữa. Trong việc này, chưa rõ ai là chủ sở hữu của nhà số 41. UBND quận muốn cấp phép cho người thuê nhà (tức bà Nguyễn Thị Vân) sửa chữa nhà thì phải được sự đồng ý, ủy thác của chủ nhà.
Về Văn bản số 1123 của UBND quận Ba Đình chấp thuận cho bà Nguyễn Thị Vân nhưng lại kèm theo điều kiện, trong trường hợp bà Vân không thực hiện đúng các nội dung của Văn bản số 1123 thì văn bản này không có giá trị, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết, ở đây quy trình “có sự lộn ngược”. “Trước khi cho phép, phải yêu cầu lấy ý kiến, khảo sát các vấn đề liên quan. Nhưng ở đây cho phép xong lại bắt đi khảo sát là chưa chuẩn xác”, TS Phạm Sỹ Liêm nói. TS Liêm cũng phân tích rằng, những điều kiện mà UBND quận yêu cầu bà Vân phải thực hiện là “điều kiện” để cho phép việc sửa chữa, khôi phục nhà cũ chứ không phải là “nội dung” để cho phép.
Nhìn nhận sự việc trên, rõ ràng đã đến lúc các cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm các bên. Bên cạnh việc xử lý sai phạm của người dân, cũng cần xem xét một cách nghiêm túc trách nhiệm, sai phạm của những cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp trong việc cấp phép, giám sát các công trình xây dựng, nhằm chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện đúng tinh thần “Năm trật tự và văn minh đô thị” trên địa bàn Hà Nội.

Không thể bất kỳ ai cũng đi xin sửa chữa nhà cũng được, không phải chủ sở hữu mà đi xin sửa chữa nhà và được chấp thuận thì nguy hiểm quá. Đơn cử như tôi không thể đi xin sửa xe máy nhà hàng xóm được…
TS PHẠM SỸ LIÊM, nguyên Thứ trưởng Xây dựng

 

Công văn số 1123 của UBND quận Ba Đình chấp thuận việc khôi phục lại căn nhà trong khi bà Vân không phải là chủ nhà, ngôi nhà đang chờ cơ quan tố tụng phân định quyền sử dụng đất, chưa đủ điều kiện cấp Giấy phép xây dựng là không đúng quy định của pháp luật. Bởi vì, về nguyên tắc là chủ hộ (chủ sở hữu nhà) phải thỏa mãn các điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng, sau đó mới được cấp phép đối với các hoạt động sửa chữa xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ.
Luật sư TRƯƠNG ANH TÚ, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh