THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:04

Vụ Gang thép Thái Nguyên: Không biết gần 2.300 tỷ đồng đang ở đâu

Theo tienphong.vn, chiều 13/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử 19 bị cáo trong vụ án thất thoát 830 tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Cty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO).

Theo truy tố, năm 2007, TISCO ký với Tập đoàn Khoa học công nghệ luyện kim Trung Quốc (MCC) hợp đồng EPC trị giá 160 triệu USD để xây dựng nhà máy thép thuộc dự án mở rộng sản xuất.

Tuy nhiên, do nhiều sai phạm, dự án đến nay chưa hoàn thành và TISCO đã rót vào đây 4.423 tỷ đồng. Trong số đó, có 1.404 tỷ đồng tiền vay của ngân hàng VDB và 1.684 tỷ đồng vay của ngân hàng Vietinbank nên TISCO hiện chịu thiệt hại 830 tỷ đồng tiền lãi.

Vụ Gang thép Thái Nguyên: Không biết gần 2.300 tỷ đồng đang ở đâu - Ảnh 1.

Hội đồng xét xử

Tường thuật tại phiên tòa này báo SGGP cho hay, luật sư Trương Anh Tú, bào chữa cho Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) hỏi đại diện TISCO về khoản tiền giải ngân hơn 4.400 tỷ đồng.

Theo luật sư, chủ đầu tư đã giải ngân hơn 4.400 tỷ đồng, đã thanh toán cho các nhà thầu hơn 2.100 tỷ đồng, vậy số còn lại đang ở đâu? Đại diện TISCO từ chối trả lời vì cho rằng việc này thuộc các phòng, ban chuyên môn.

Luật sư Tú tiếp tục "truy": "Kết luận điều tra thể hiện, TISCO thanh toán cho MCC 2.114 tỷ đồng trong khi đã tiêu hơn 4.423 tỷ đồng; vậy còn khoảng 2.300 tỷ đồng đang để ở đâu? Chắc trong tài khoản ngân hàng và trong tài khoản sẽ có lãi, khoản lãi này có thể sử dụng để khắc phục hậu quả hay không?".

Trả lời câu hỏi này, đại diện TISCO nói: "Hiện nay, TISCO và MCC đang đàm phán. Với các thiết bị TISCO đã thanh toán nhưng có sai khác, TISCO đang yêu cầu MCC phải hoàn trả".

Phía TISCO tiếp tục đáp: "Dự án gồm phần E (thiết kế) hơn 3 triệu USD, phần P (cung cấp thiết bị) hơn 114 triệu và phần C (xây lắp) là hơn 42 triệu USD. Trong các hạng mục EPC này, phía TISCO đã thanh toán trên 90%. Tôi chỉ có thể thống kê vậy".

Vụ Gang thép Thái Nguyên: Không biết gần 2.300 tỷ đồng đang ở đâu - Ảnh 2.

Các luật sư tham gia bào chữa

Trong phần xét hỏi, bị cáo Mai Văn Tinh khẳng định, thời điểm ông nhận chức Chủ tịch HĐQT VNS, dự án đang rất bế tắc. Do đó, cá nhân đã tìm mọi cách để làm tốt cho dự án, làm sao để dự án phát triển và nghĩ cách tìm biện pháp, tìm cơ chế đặc thù.

Với việc giới thiệu Tổng Công ty xây dựng Công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ, thực hiện phần C ở hợp đồng EPC số 01#, ông Tinh nói theo sự chỉ đạo của cấp trên. Bởi VINAINCON thời điểm đó là lựa chọn tốt nhất, việc giới thiệu VINAINCON, Bộ Công Thương cũng có văn bản giới thiệu.

Cũng trình bày tại tòa, ông Mai Văn Tinh cho biết, với cáo buộc ông là người chỉ đạo thực hiện hành vi phạm tôi, bị cáo 69 tuổi cho rằng hơi nặng.

"Tâm huyết của tôi, một người làm gang thép thì suốt đời làm gang thép. Tất cả phải tạo điều kiện phát triển, muốn phát triển phải xin cơ chế đặc thù, tất cả việc tôi làm đều vì mục tiêu đó", ông Tinh nói.

Kết thúc phần trình bày, bị cáo Tinh cho rằng mặc dù đã làm hết sức nhưng thừa nhận có sai sót vì chưa cặn kẽ trong công việc, và do quá tin tưởng cấp dưới.

Hôm nay 14/4, tòa tiếp tục làm việc.

HOÀNG TÙNG(tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh