CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 05:56

Văn phòng Công chứng Hậu Lộc (Thanh Hóa): Công chứng sai pháp luật, trái đạo đức xã hội

Đề xuất xử lý của Sở Tư pháp còn quá nhẹ

Tại kết luận số 223/KL-STP, ngày 5/8/2016 của Sở Tư pháp chỉ rõ: “Nội dung tố cáo ông Nguyễn Văn Cảnh, Công chứng viên VPCC Hậu Lộc đã công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế Số công chứng 1955, quyển 05 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 11/8/2015. Trong Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế này chữ ký của bà Lưu Thị Mai, ông Nguyễn Thái Anh là chữ ký giả mạo (không phải chữ ký của những người trên) là tố cáo đúng. Việc ông Nguyễn Văn Cảnh, Công chứng viên VPCC Hậu Lộc công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có số công chứng 1955, quyển 05 TP/CC - SCC/HĐGD ngày 11/8/2015 là đã công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội. Hành vi vi phạm nêu trên là vi phạm vào điểm e, khoản 3, điều 14 Nghị định số 110/2013/CP-NĐ ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã đó là: “Công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội”. Với hành vi vi phạm hành chính này, Công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh sẽ bị xử phạt từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng và hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 1 đến 3 tháng, theo khoản 7, điều 14 Nghị định 110/2013/CP-NĐ”.

Bà Nguyễn Thị Hởn khẳng định rõ với PV, bà không ký hoặc điểm chỉ vào bất cứ văn bản nào.

“Giao Chánh thanh tra Sở Tư pháp căn cứ vào các quy định hiện hành của pháp luật ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Cảnh, Công chứng viên VPCC Hậu Lộc đã có hành vi vi phạm nêu trên. Yêu cầu VPCC Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Cảnh, Công chứng viên VPCC Hậu Lộc phải có trách nhiệm yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Hậu Lộc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu đối với các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến di sản của ông Nguyễn Văn Ngạn (bao gồm Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế công chứng số 1955, quyển 05 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 11/8/2015; hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số công chứng 3053, quyển 05 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 25/11/2015 và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất số công chứng 3060, quyển 05 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 25/11/2015; Văn bản hủy bỏ văn bản thỏa thuận di sản thừa kế số công chứng 5345 quyển 06 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 21/6/2016). Yêu cầu VPCC Hậu Lộc phải tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh nghiêm túc đối với Công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh vì có vi phạm về thủ tục công chứng dẫn đến có hành vi vi phạm hành chính; rà soát lại quy trình, thủ tục công chứng của văn phòng bảo đảm thực hiện đúng quy định của Luật Công chứng và pháp luật công chứng hoạt động công chứng. Thực hiện nghiêm chỉnh quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Sau khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân huyện Hậu Lộc có hiệu lực pháp luật, VPCC Hậu Lộc có trách nhiệm đề nghị UBND huyện Hậu Lộc tiến hành thu hồi các Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp nêu trên theo quy định của Luật Đất đai năm 2003”.

Dù Sở Tư pháp Thanh Hóa đã kết luận, đề nghị có hình thức xử lý thích đáng đối với những sai phạm của công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh, Trưởng  VPCC Hậu Lộc. Tuy nhiên tại kết luận này vẫn chưa làm rõ một số vấn đề. Ví như, tại mục giải trình của ông Nguyễn Văn Cảnh có nêu: “...VPCC Hậu Lộc đã họp đã xác định sự việc bị tố cáo, thì xác định rõ chữ ký của bà Nguyễn Thị Hởn trong Văn bản thỏa thuận phân chia di sản trên đúng là chữ ký bà Hởn…”. Tuy vậy, tại mục kết quả làm việc với bà Nguyễn Thị Hởn của Sở Tư pháp lại chỉ ra: “Ngày 12/7/2016, Đoàn xác minh cùng với cán bộ tư pháp xã Minh Lộc (Hậu Lộc), bà Hởn cho biết bà không ký vào Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nào cả…”. Như vậy, trong Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có 5 người có quyền và nghĩa vụ, thì có 3 người không công nhận chữ ký là của mình (tức chữ ký giả mạo). Vậy tại sao Sở Tư pháp không kiến nghị chuyển vụ việc sang Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa điều tra, xác minh làm rõ ai là người giả mạo chữ ký của bà Hởn, bà Mai, ông Nguyễn Thái Anh?.

Cử tri đã nhiều lần phản ánh về VPCC Hậu Lộc

Chỉ một tuần sau ngày báo đăng bài, ông Nguyễn Văn Cảnh có đơn khiếu nại nhiều lần gửi đi khắp nơi, thậm chí gửi đến cả Chủ tịch nước. Đây là việc làm chứng tỏ ông Cảnh còn non yếu về pháp luật, trong đó có Luật Báo chí. Nhẽ ra, làm việc tại cơ quan pháp luật, hơn ai hết ông Cảnh phải hiểu rõ quy trình, trình tự khiếu nại về thông tin theo Luật Báo chí thì ông lại hành động như một người thiếu hiểu biết về pháp luật. Hay ông cố tình làm “nhiễu” thông tin nhằm che đậy, lấp liếm sai phạm của mình(?).

Ông Trịnh Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc trao đổi với PV.

Để làm rõ hơn về những sai phạm của ông Cảnh cũng như của VPCC Hậu Lộc, ngày 9/8/2016, PV Báo LĐ&XH đến thôn Minh Đức (xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc), gặp bà Nguyễn Thị Hởn. Trao đổi với PV, bà Hởn khẳng định: “Tôi không ký vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Tôi chỉ mong con tôi (chị Lưu Thị Mai), các cháu tôi (Nguyễn Thái Anh, Nguyễn Mai Anh) sớm về đây ở với tôi. Chồng con Mai (ông Phiên - PV) mất sớm, một mình nó tần tảo nuôi các cháu, đáng lẽ thằng Phan và con Phức phải biết thương, giúp đỡ con Mai, ai ngờ lại bày ra cái trò này, thật quá quắt!”.

Được biết, sau khi bị bà Mai viết đơn tố cáo, ngày 20/6/2016, công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh lại tiếp tục giả mạo “Đơn xin hủy bỏ văn bản công chứng”, có điểm chỉ của bà Hởn và người làm chứng là Nguyễn Thị Thoan. Có lẽ quá vội sửa sai “tội lỗi” của mình, mà ông Cảnh tính sai, bởi ở lá đơn này bà Hởn không biết chữ, mà điểm chỉ; còn ở Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế lại “hồn nhiên” có chữ ký bà Hởn. Bà Hởn năm nay đã 81 tuổi, bà không biết chữ, là vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngạn, vậy mà ông Cảnh vẫn bất chấp tình người, làm liều.Ông Lưu Văn Duyên (SN 1958), thôn Trần Phú (xã Mỹ Lộc, Hậu Lộc), người cùng xã đã có thời gian công tác tại Công an huyện Hậu Lộc cùng ông Nguyễn Văn Cảnh, cho biết: “Khi còn công tác, ông Cảnh là người có chuyên môn khá vững, tuy nhiên ông có lối sống không hòa đồng, tư lợi. Tôi không nhớ rõ thời gian, chỉ biết rằng, thời gian công tác ở Công an huyện Hậu Lộc ông Cảnh  bị kỷ luật phải  chuyển lên công tác tại công an huyện miền núi Thanh Hóa, sau này mới quay về công an huyện Hậu Lộc”.

Còn ông Trịnh Ngọc Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc cho biết: “VPCC Hậu Lộc đã nhiều lần bị cử tri phản ánh lên HĐND huyện, về việc thu phí quá cao, không xuất hóa đơn cho người nộp tiền công chứng. Nhiều dư luận phản ánh việc VPCC Hậu Lộc cạnh tranh không lành mạnh, cấu kết với một số ngân hàng, quỹ tín dụng nhằm ép những cá nhân, tổ chức khi vay vốn phải đến công chứng tại đây”. Trong bài viết VPCC Hậu Lộc “đánh cắp” quyền sử dụng đất hợp pháp của công dân không có gì sai. Bởi, nếu như không có sự chứng thực của ông Cảnh, đóng dấu VPCC Hậu Lộc, thì UBND huyện Hậu Lộc không cấp 3 “sổ đỏ” như đã nêu.

Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh sớm vào cuộc để xác minh, làm rõ việc có hay không chuyện VPCC Hậu Lộc nhận “lót tay” để cố ý, bất chấp pháp luật làm liều?. Đồng thời nhanh chóng trả lại quyền lợi hợp pháp cho bà Mai, ông Anh; trả lại danh dự cho bà Nguyễn Thị Hởn, vợ của liệt sĩ Nguyễn Văn Ngạn.

Luật sư Nguyễn Công Hiếu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Người bị thiệt hại có thể kiện công chứng viên ra tòa”

Về thủ tục công chứng hợp đồng giao dịch được quy định rất chặt chẽ tại Chương V của Luật Công chứng 2014.

Cụ thể là khi đến văn phòng công chứng, người yêu cầu công chứng phải viết phiếu yêu cầu công chứng, trong đó có thông tin về họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh mục giấy tờ gửi kèm theo... Công chứng viên phải kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Đặc biệt là người yêu cầu công chứng, phải ký vào hợp đồng, giao dịch trước mặt công chứng viên.

Trong hồ sơ công chứng không có bản sao CMND của ông Nguyễn Thái Anh và bà Lưu Thị Mai, chỉ có đơn xin xác nhận mất CMND ngày 10/7/2015 của ông Nguyễn Thái Anh được Công an xã Minh Lộc xác nhận mất. Như vậy, chắc chắn công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh đã không đối chiếu ảnh, chữ ký của bà Mai, ông Anh khi tiến hành công chứng Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế nên mới dẫn đến việc có chữ ký giả mạo ông Anh, bà Mai trong Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế số công chứng 1955, quyển số 05 TP/CC-SCC-HĐGD.Việc công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh “vô tình” hay “hữu ý” khi làm như vậy sẽ căn cứ theo kết quả điều tra của cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

Văn bản Kết luận nội dung tố cáo số 223/KL-STP đã kết luận chưa đúng về mức độ hành vi vi phạm của công chứng Nguyễn Văn Cảnh, đưa ra căn cứ vi phạm chưa phù hợp, mức xử phạt cũng chưa chính xác. Hành vi của công chứng Nguyễn Văn Cảnh đã vi phạm điểm e, khoản 3 Điều 14 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung bởi khoản 12 Điều 1 của Nghị định số 67/2015/NĐ-CP, cụ thể hành vi vi phạm là: “Công chứng trong trường hợp mục đích và nội dung của hợp đồng, giao dịch, nội dung bản giao dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội; xúi giục, tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo hoặc hành vi gian dối khác”.

Với hành vi vi phạm nêu trên thì Công chứng viên Nguyễn Văn Cảnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP, đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015/NĐ-CP. Cụ thể với hành vi vi phạm này thì công chứng viên sẽ bị xử phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 12 tháng theo khoản 15, Điều 1 Nghị dịnh số 67/2015/NĐ-CP.

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi công chứng Hợp đồng giao dịch, vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu khởi kiện công chứng viên ra Tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Văn Nghĩa.

Báo LĐ&XH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh