THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:09

Võ Văn Kiệt – Trong bóng dáng một người cha

Ngày 12/7/1995, buổi sáng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu trực tiếp trên Đài truyền hình Việt Nam để tuyên bố hoan nghênh Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton quyết định bình thường hoá quan hệ với Việt Nam. Buổi chiều hôm đó, ông cho gọi tôi lên để nói chuyện về người con trai đầu của ông, người lính Phan Chí Dũng - đã hy sinh anh dũng tại chiến trường Khu 9 thời chống Mỹ.

Cuối năm 1994, tuần báo Thanh Niên Thời Đại (khi đó tôi là thư ký toà soạn) có biên tập và in một bài báo nhỏ từ câu chuyện của một người bạn học với Phan Chí Dũng. Chuyện rằng: Dù bận trăm công ngàn việc trong cương vị Thủ tướng mà mới đó, chú Sáu Dân đã cho gọi những đứa bạn cùng học với con trai mình hồi tập kết ra Bắc tới và dành hẳn một buổi để trò chuyện, tâm tình. Ông ngồi lặng đi, mái tóc bạc rung khẽ, khi nghe các bạn của Dũng kể về những ngày sống và học tập cùng con trai ông, những phút giây Dũng buồn bã thẫn thờ khi nhớ tới ba, mẹ và các em cùng quê hương còn mịt mờ trong máu lửa. Ông chăm chú tới từng chi tiết nhỏ như cố tìm kiếm điều gì… Rồi ông hỏi:

- Khi đi học ngoài này, Dũng có thương một cháu gái nào không? Nếu có, các cháu cho chú biết để chú có thể tìm…

Tất cả lặng đi vì tấm lòng thăm thẳm của người cha này. Như bao nhiêu người cha khác, ông vẫn luôn tìm kiếm dấu vết còn lại của đứa con đã hy sinh.

Sau khi bài báo in ra, tôi có dịp gặp ông tại Lễ khánh thành Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình. Ông nói với tôi:

- Chú mới đọc bài báo và càng thêm nhớ Dũng nhiều… Chú không biết tụi bay đưa chuyện này lên báo. Nếu biết, chú đã có thể kể thêm nhiều chi tiết nữa về Dũng…

Chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Sau đó, vào đầu tháng 7/1995, tôi có đề nghị được ông kể cho nghe thêm về Phan Chí Dũng. Chính vì thế mà chiều hôm đó, trước chuyến đi công tác dài ngày ở các tỉnh phía Nam, ông đã cho gọi tôi lên.

Ngồi với ông trên ghế đá dưới vòm cây xanh Phủ chủ tịch, tôi nghe ông kể:

- Dũng là con cả của chú. Năm 1951, khi chú lên đường từ trong Nam ra Việt Bắc dự Đại hội lần thứ II của Đảng thì mẹ Dũng có thai và cuối năm đó sanh Dũng. Dự Đại hội xong, chú quay lại chiến trường miền Nam. Rồi Dũng có thêm hai đứa em nữa. Em trai kế Dũng tên là Nam và cô em gái Hiếu Dân. Sau năm 1954, tình hình miền Nam dần dần ác liệt hơn. Ba anh em Dũng  cùng nhiều thiếu nhi con em cán bộ miền Nam được lần lượt đón ra Bắc để ăn học. Chia tay, cô chú thương tụi nhỏ ghê gớm. Nhưng tình hình như vậy, còn biết làm sao? Chúng còn quá nhỏ và nhớ ba mẹ dữ lắm.

Đầu năm 1966, báo chí và Đài Tiếng nói Việt Nam ngoài miền Bắc đưa tin và cực lực phản đối việc giặc Mỹ bắn vào chiếc tàu đò Thuận Phong chở toàn dân thường gồm trẻ em, người già và phụ nữ đi trên sông Sài Gòn. Lúc đó, Mỹ tiến hành trận càn quy mô lớn đầu tiên đánh vào vùng “Tam giác sắt” Củ Chi - Bến Cát. Máy bay trực thăng Mỹ quần đảo trên bầu trời. Chiếc tàu Thuận Phong đã lọt vào những con mắt khát máu. Mặc dù biết đây là tàu đò chở dân thường qua lại trên sông Sài Gòn đoạn từ thị xã Tân An lên tới Dầu Tiếng, nhưng để đề phòng hậu hoạ, máy bay Mỹ đã xả súng bắn tới tấp. Chiếc tàu với hơn hai trăm dân thường đã bắt đầu chìm, máu dân thường đã loang đỏ mặt sông mà mấy chiếc trực thăng vẫn châu vào vãi đạn xuống cho tới khi chiếc tàu chìm hẳn mới thôi. Một đoạn sông bầm sẫm máu…

Khi sự kiện này xảy ra, chú Sáu Dân đang công tác ở cơ sở tại Nhà Bè, phía Nam khu Sài Gòn - Gia Định. Nghe tin, ông bồn chồn lo lắng không biết có đồng chí cán bộ hay giao liên nào của ta đi trên con tàu ấy và bị hy sinh? Ông không ngờ một đau thương mất mát rất lớn đã đến với ông: Người vợ thân yêu của ông cùng hai đứa con nhỏ xíu, sinh ra sau khi ba anh em Dũng đã được đón ra ngoài Bắc, trong đó đứa con trai út mới năm tháng tuổi ông còn chưa biết mặt, đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông Sài Gòn cùng chiếc tàu này. Bà mẹ cơ sở mà ông coi như mẹ đẻ, người đã về thành phố để đón vợ con ông lên căn cứ, cũng cùng nằm lại nơi đây. Cho tới khi từ cơ sở Nhà Bè về tới căn cứ Củ Chi, ông mới biết chuyện. Nỗi đau như cơn bão cuộn xoáy trong tâm can ông…

Tin mẹ và hai em bị giặc giết, không biết bằng cách nào đã đến trường học sinh miền Nam ở ngoài Bắc và Dũng đã biết được. Anh bắt đầu nung nấu ý định xin vào bộ đội chiến đấu trả thù cho mẹ và hai em. Dũng xin đi học lái máy bay chiến đấu. Anh to khoẻ, mọi tiêu chuẩn đều đạt, duy chỉ có một chiếc răng hỏng nên bị loại. Sau khi tốt nghiệp cấp III, trong khi nhiều bạn học đi vào đại học hoặc tới học viện quân sự ở nước ngoài thì Dũng nằng nặc đòi vào Nam. Các bác các chú có phân tích, khuyên nhủ thế nào Dũng cũng không nghe, cứ nhất quyết đòi vào Nam để được chiến đấu và gặp ba. Đòi riết rồi anh cũng được chấp nhận.

Sau rất nhiều ngày hành quân gian khổ, Dũng tới được vùng Củ Chi và gặp lại ba. Hai cha con ôm nhau sau bao ngày xa cách, sau mất mát đau thương. Dũng nói với ba:

- Con sẽ ở với ba một thời gian cho thoả bao lâu nay phải xa ba. Rồi ba cho con xuống đơn vị trực tiếp chiến đấu.

Thời gian đó (khoảng cuối năm 1970) tình hình chiến trường hết sức căng thẳng, nhất là ở Khu 9. Giặc Mỹ triển khai kế hoạch Việt Nam hoá chiến tranh, tiến công càn quét ghê gớm để chuẩn bị ngồi vào bàn Hội nghị Paris. Ba của Dũng khi đó là Bí thư khu uỷ Sài Gòn – Gia Định. Trên quyết định đưa ông xuống tăng cường cho Khu 9. Thấy ba chuẩn bị đi xuống chiến trường trực tiếp chiến đấu, Dũng nhất quyết đi theo. Nhận thấy quyết tâm của con trai, ông đã đồng ý cho Dũng đi. Dũng hăm hở lao vào cùng tổ bảo vệ chuẩn bị đi xuống Khu 9 trước để lo căn cứ, còn ông sẽ xuống sau. Từ Sài Gòn – Gia Định xuống tới Khu 9 xa tới mấy trăm cây số và có hai cách đi: Đi bí mật và đi công khai. Đi bí mật thì an toàn nhưng mất nhiều thời gian, còn đi công khai trên các tuyến xe đò thì nhanh hơn, mất chưa tới hai ngày nhưng rất mạo hiểm vì  Dũng đang trẻ, ở độ tuổi quân dịch, dễ bị vây bắt đi lính như chơi.

Ông gọi Dũng tới và hỏi:

- Có hai cách đi đó. Con chọn cách đi nào?

- Con đi công khai! – Dũng đáp quả quyết.

- Nhưng như vậy nguy hiểm lắm. Con đã lường hết chưa?

- Con đã tính hết rồi. Ba cứ yên tâm.

Nói như vậy nhưng Dũng vẫn phải qua một cuộc “sát hạch” rất kỹ lưỡng. Người trực tiếp “sát hạch” Dũng là cô Sáu Trung. Cô là một cán bộ giao liên giàu kinh nghiệm, rất mưu trí và dũng cảm (Sau này cô Sáu Trung được phong danh hiệu Anh hùng và trở thành người thân thiết trong gia đình chú Sáu). Cô Sáu Trung đặt ra bao nhiêu câu hỏi về các tình huống có thể xảy ra và bắt Dũng phải trải lời về cách xử lý thật chi tiết. Dũng đã trả lời đạt yêu cầu cô Sáu Trung. Cô tới nói với ba của Dũng:

- Thằng Dũng được lắm. Anh cứ cho nó đi công khai. Xuống đó chắc nó còn làm nên chuyện nữa. Tôi đảm bảo với anh vậy mà.

Rất lo cho con, mặc dù đã đồng ý với cô Sáu Trung, trước khi Dũng đi, ông còn gọi Dũng tới dặn thêm:

- Nếu nhỡ con bị tụi nó bắt thì cứ nhận đại cái vụ mình làm giả giấy tờ để trốn lính thôi. Sau đó, thế nào nó cũng giam con một vài ngày rồi đưa tới Quang Trung để huấn luyện. Con cứ làm theo. Khi nào bị đưa ra trận thì cố chạy sang phía mình rồi xin gặp mấy chú, mấy bác ở trên. Ba biết, ba sẽ cho người đón con về.

Dũng trả lời làm cho ông nhớ mãi:

- Nếu rủi có thế thiệt, khi vô Quang Trung, con sẽ cố hết sức học và tìm hiểu tụi nó để sau này ra, con sẽ “oánh” lại chúng ngon hơn.

Chuyến đi công khai của Dũng xuống Khu 9 diễn ra hết sức “ngon lành”. Dũng dùng giấy tờ giả là thanh niên Việt kiều ở Campuchia mới về nước đang ở trong diện miễn quân dịch tám tháng. Trên đường đi, đôi ba lần Dũng tìm cách làm quen và sà vào chơi với tụi lính nguỵ, tranh thủ tìm hiểu cách bố phòng, hoạt động của tụi nó.

Xuống tới Khu 9, Dũng nhập vào đơn vị bảo vệ của Khu uỷ. Dũng giấu không cho ai biết mình là con trai ông Sáu Dân. Dũng sống phóng khoáng và hoà nhập với tất cả mọi người. Ai cũng quí mến Dũng vì Dũng vui, tốt bụng và đặc biệt là gan dạ và mưu trí. Có lần, một tổ cán bộ của ta trên đường tới Khu uỷ công tác thì bị giặc phục kích bắn và tổ cán bộ đã lạc mỗi người một nơi giữa vùng đất lạ lẫm. Dũng biết chuyện và dẫn anh em lặn lội đi tìm, bất chấp mọi nguy hiểm để gom lại đủ số cán bộ đó đưa về căn cứ. Đơn vị bảo vệ Khu uỷ sau đó được tuyên dương Đơn vị anh hùng. Trong thành tích chung, có đóng góp của Dũng. Là đơn vị bảo vệ nên mục tiêu chính là bảo vệ an toàn cán bộ. Mỗi khi địch đánh tới, đơn vị thường nhanh chóng đưa cán bộ rút đi chỗ khác, chỉ có một bộ phận nhỏ rút chậm để đánh địch nhằm mục đích bảo vệ. Bao giờ Dũng cũng ở trong bộ phận rút sau cùng này.

Ở đơn vị này chưa đầy năm thì Dũng không chịu nữa. Dũng nằng nặc đòi ba mình cho ra đơn vị chiến đấu trực tiếp. Dũng nói với ba:

- Ở bảo vệ, giặc tới thì rút hoài, chán lắm. Con hứa sẽ trả thù cho má và hai em. Không được đánh giặc thì trả thù làm sao? Đợt này dứt khoát ba phải cho con xuống đơn vị chiến đấu.

Đúng vào dịp này, trên có chỉ thị tăng cường cán bộ giỏi và mạnh cho các đơn vị chiến đấu trực tiếp, tập trung tấn công lại địch. Ông đã đồng ý và Dũng khoác ba lô lên vai, chia tay ông. Xuống tới đơn vị chiến đấu, Dũng xin vào đại đội trinh sát mũi nhọn. Dũng đã cùng anh em trinh sát nhiều đồn bốt và lập phương án tấn công. Vài tháng sau, ông nhận được tin Dũng hy sinh anh dũng khi cùng đơn vị đánh tan đồn Bàu Ráng của địch. Dũng ngã xuống trong tư thế hướng về phía địch. Máu từ vết thương đã thấm đỏ khắp  thân hình anh và khẩu súng hết đạn vẫn đang ghì chắc trong tay…

Kể tới đây, giọng chú Sáu Dân như trầm hẳn xuống:

- Hồi đó, Tư lệnh Khu 9 là anh Sáu Nam (Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau này). Anh Sáu Nam biết rõ những mất mát của chú. Khi Dũng xuống đơn vị chiến đấu một thời gian, anh Sáu Nam mới biết. Ảnh không đồng ý với chú. Ảnh đã lệnh cho tham mưu và viết thư xuống trung đoàn kêu Dũng về để học lớp pháo binh. Dẫu sao, lúc đó Dũng cũng là đứa học hành tới nơi, tới chốn, cần phải chú ý để đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng quân đội lâu dài. Thư anh Sáu Nam gửi tới trung đoàn đúng vào lúc Dũng vừa hy sinh – Ông ngừng lời, rồi nói chậm rãi – Nhưng… nếu như lá thư có đến sớm hơn, thì chắc Dũng cũng không chịu. Nó đang say chiến đấu đến thế cơ mà. Chú hiểu nó lắm. Chỉ tiếc là nó đã hy sinh sớm quá. Nếu không, chắc nó còn làm nên nhiều chuyện nữa…

Tôi ngồi yên lặng như cùng chia sẻ với ông hồi tưởng về đứa con yêu. Lúc sau, tôi rụt rè hỏi ông:

- Thưa chú, chú họ Võ, vậy sao Dũng lại mang họ Phan?

Ông đã dứt ra khỏi dòng hồi tưởng:

- Đâu có, chú họ Phan chớ. Vậy nên Dũng cũng họ Phan mà. Võ là họ của mẹ chú. Chú thương bả lắm. Vì vậy, khi hoạt động, chú lấy họ Võ là theo họ mẹ đó.

Tôi đưa hai bàn tay nắm lấy tay ông. Ngồi bên cạnh tôi không còn là khoảng cách với vị thủ tướng mà là một người con hiếu đễ với cha mẹ, quê hương, dòng tộc. Và trong bóng dáng một người cha, Võ Văn Kiệt cũng như bao nhiêu người cha trên đời này, cũng thường đau đáu về những đứa con của mình. Tôi khẽ hỏi:

- Chú ơi, vậy bây giờ anh Dũng nằm ở đâu?

- Sau khi Dũng hy sinh, anh em đưa Dũng về chôn cất ở nghĩa trang trong khu căn cứ. Sau giải phóng, chú cho đón Dũng về thành phố Hồ Chí Minh, hoả táng hài cốt Dũng. Bình tro hài cốt Dũng được đặt ở nghĩa tranh thành phố cùng mẹ và hai em của Dũng. Nhưng chỉ có tro hài cốt của Dũng là có thật. Còn mẹ và hai em của Dũng thì chỉ  là nắm đất lấy từ lòng tàu Thuận Phong làm tượng trưng thôi.

Sau khi chiếc tàu đò Thuận Phong bị giặc Mỹ bắn chìm, các đồng chí của ông cùng bà con bên ngoại đã mò tìm bao nhiêu lâu, hết nước ròng lại nước lớn mà không sao tìm được thi hài của vợ và  hai con của ông. Sau này, người ta đã trục vớt được xác chiếc tàu đó lên. Bao gia đình có người thân chết trong chiếc tàu đó, mỗi gia đình bốc lấy một nắm đất đưa về làm mộ tượng trưng cho họ mà thôi.

Vậy là nỗi đau và mất mát trong chiến tranh đã chạm đến hầu hết các gia đình Việt Nam. Và vấn đề hài cốt những người đã mất trong chiến tranh đã có ở ngay trong gia đình của một trong những người lãnh đạo cao nhất của đất nước ta. Thế mà nhiều năm qua, chúng ta chưa làm được bao nhiêu để giải quyết việc này, cũng có phần để tập trung lo tìm hài cốt của những người lính Mỹ. Chúng ta làm điều này vì nhân đạo, vì hoà hiếu, vì mong muốn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai. Không biết những gia đình của những người lính Mỹ mất tích, chưa tìm thấy hài cốt trong chiến tranh ở Việt Nam có hiểu được điều này?

Tôi nói với ông điều này và đưa ra bình luận về phát biểu của ông trên truyền hình buổi sáng, tuyên bố sẵn sàng thiết lập ngoại giao bình thường với Hoa Kỳ nhân tuyên bố của Tổng thông Bill Clinton bình thường hoá quan hệ với Việt Nam..

Ông cười, kể:

- Khi chú nói xong trên tivi, có một ông già nông dân ở Đồng Nai gọi điện thoại ra Văn phòng Chính phủ nói muốn trực tiếp nói chuyện và chúc mừng Thủ tướng về thắng lợi này. Văn phòng ghi lại số điện thoại của ổng và đầu giờ chiều nay, chú đã gọi vào nói chuyện với ổng. Chú với ổng thống nhất là thật đáng vui mừng vì chuyện nầy và dù sao thì cũng cần nhanh chóng hướng tới tương lai để xây dựng đất nước, vì các thế hệ tương lai…

Nguyễn Thành Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh