Cha tôi - Người thầy đầu tiên
- Văn hóa - Giải trí
- 16:18 - 16/02/2015
Nhà văn Kim Lân và con gái - Hoạ sỹ Nguyễn Thi Hiền
Năm 1954, giải phóng Thủ đô, tôi được bố cho về Hà Nội, đi theo đoàn các bác, các cô, chú ở Hội Văn nghệ, từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản Hà Nội.
Rời quả Đồi Cháy, ấp Cầu Đen, Bắc Giang, nơi tôi đã sống cả tuổi thơ của mình ở đây, gần các bác Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Đỗ Nhuận, bác Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, …
Nhớ quả đồi quá, tôi đã vẽ bức tranh “Quả đồi của em”. Bố tôi đã gửi bức tranh đó đi dự thi quốc tế, và tôi đã được giải thưởng tại Hunggari, tôi thật bất ngờ.
Thích quá, cứ thế miệt mài vẽ, hết bể cá của bố, đến Sông Hồng, rồi trường em, rồi con búp bê của tôi với lọ hoa... Bố tôi mua mầu, giấy, bút vẽ cho tôi, ông cứ lẳng lặng xem tôi vẽ, rồi lại gửi tranh của tôi dự thi thiếu nhi, tôi đã được bao nhiêu là giải trong nước và quốc tế. Thích quá, tôi cứ thế vẽ liên miên, nghĩ gì vẽ nấy, rất tự nhiên và ngẫu hứng.
Sau một thời gian vẽ theo tự nhiên, ngẫu hứng và những đề tài tùy ý, bố tôi đã bắt đầu đưa tôi vào nề nếp vẽ bài bản hơn - Trước tiên ông bắt đầu bầy biện hoa, quả, chai lọ... ông yêu cầu tôi vẽ tĩnh vật, vẽ bằng bút chì, thuốc nước, bột mầu. Hoa quả ông mua về cho tôi vẽ không ai được đụng vào, vẽ cho đến khi hoa quả hỏng thì bỏ đi, ông lại bầy các hình khối vuông, tròn, tam giác, để tôi vẽ hình họa cơ bản...
Rồi ông bắt đầu mang tượng thạch cao về, tượng thần vệ nữ (Venus), tượng đầu người, rồi cả tượng người đã lột da, chỉ còn cơ bắp bên trong - ông bắt tôi vẽ hình họa - đo đạc tỷ lệ sáng tối bài bản, rồi ông đưa tôi đi vẽ phong cảnh, và mang sách của các họa sỹ Việt Nam cũng như các họa sỹ thế giới rất ít ỏi lúc ấy cho tôi xem, quan trọng hơn là ông đã đưa tôi đến nhà các bác họa sỹ: Bùi Xuân Phái, Văn Cao, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tiến Chung... để xem các bác vẽ và nghe các bác giảng giải, phê bình tranh của tôi, ông đã nói cho tôi nghe về các họa sỹ mà tôi chỉ nghe tên chứ không được gặp mặt, như họa sỹ Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… và các họa sỹ trên thế giới nếu ông may mắn mượn được sách như Picasso, Matisse, Van Gogh, Paul Gauguin (Gô Ganh)… rồi ông mang những sách có tranh của họ về cho tôi xem để học hỏi.
Ông nói chuyện với tôi về họ, về phong cách nghệ thuật, tư tưởng và lối sống của họ cho tôi nghe, ông truyền cho tôi niềm đam mê hội họa ngay từ lúc đó.
Tôi đã được xem tranh và những minh họa từ những tập san, tờ báo Tiểu thuyết thứ Bảy từ những năm 1930 của Họa sỹ Nguyễn Gia Trí và cả một số họa sỹ trên thế giới đều do bố tôi mang về cho tôi xem để học hỏi.
Ôn lại những kỷ niệm xưa, tôi thực sự ngỡ ngàng, lòng bồi hồi rưng rưng cảm động, hóa ra tôi vẫn chưa hiểu hết, tôi đã được cha tôi yêu thương đến nhường nào, ông đã kỳ vọng ở tôi, đã dồn bao nhiêu tình cảm, sự mong mỏi dành cho tôi, cho sự nghiệp mà tôi theo đuổi. Nhớ những ngày hai cha con lễ mễ mang tranh của tôi đến các bác để được góp ý học hỏi, nhớ những ngày hè cha cho nghỉ mấy ngày rồi yêu cầu tôi một lịch làm việc dầy đặc, sáng đi vẽ phong cảnh, chiều vẽ tĩnh vật, tối ký họa ngoài ga, nhớ những lúc tôi vẽ minh họa cho sách báo các nhà xuất bản, mẹ ngồi một bên, bố ngồi một bên xem tôi vẽ, tôi chong đèn vẽ đến khuya, hai cụ ngồi hai bên im lặng xem tôi vẽ cũng đến khuya cùng tôi, nhớ những lúc còn đói nghèo, bố mẹ mua lọ hoa, nải chuối, quả na, quả bưởi cho tôi học tĩnh vật vẽ đến lúc hoa quả hỏng thì bỏ, cả nhà chẳng ai được ăn. Nhất là những lúc tôi vẽ tranh sáng tác, bố tôi không đi đâu, cứ hết từ nhà trong ra nhà ngoài, loanh quanh, luẩn quẩn xem tôi vẽ, lại nhớ có lần đang vẽ tranh bố cục, tôi cho một lớp nền tranh đỏ sậm, bố đang đi lại xem tôi vẽ bỗng ối lên một tiếng.
- Ối sao con lại cho nền đỏ sậm thế.
Mặt ông gần như thất sắc nhìn tôi. Buông bút xuống, tôi nói với bố:
- Thầy ơi, con biết mình đang làm gì mà, mầu đỏ chỉ là lớp nền bên dưới, bên trên sẽ là một mầu khác phủ lên cho mầu có độ dầy và sâu.
Bố tôi ngồi thịch xuống ghế, mặt như dãn ra nhẹ nhõm:
- À thầy hiểu rồi, con cứ làm việc của con đi nhé.
Lại nhớ khi tôi nhận một hợp đồng minh họa cho xưởng phim hoạt hình, giá trị hợp đồng rất lớn so với lúc bấy giờ, 200 đồng, lương cán bộ chỉ từ 30 đến 50 đồng, tôi đang bận sáng tác bức tranh sơn dầu, thấy tôi tần ngần, bố tôi nói:
- Ý con thế nào, nếu con bận sáng tác thì không cần làm bộ tranh này nữa.
Tôi nói:
- Vâng con muốn hoàn thành bức tranh này, hay là hai bố con mình mang đi trả nhé.
Thế là hai bố con tôi hớn hở gói tập bản thảo mang đi trả, đến nơi ông nói với nhà xuất bản:
- Anh thông cảm cháu nó đang vẽ dở bức sơn dầu, sợ ảnh hường đến công việc của cháu, hai bố con xin gửi lại anh tập bản thảo này. Cám ơn nhà xuất bản đã quan tâm và tin tưởng cháu.
Tôi còn được mời xuống Đoàn múa rối trung ương vẽ sân khấu và tạo hình nặn tượng cho các con rối, mỗi ngày được trả công 5 đồng, cứ đi làm vài ngày, có tiền tôi lại nghỉ ở nhà để vẽ. Anh Ngọc Hiếu hỏi tôi:
- Sao em cứ làm vài ngày lại nghỉ thế, em có biết, không bạn nào có điều kiện kiếm tiền nhanh bằng công việc như em đang làm đâu, sao em không tranh thủ làm để kiếm ít tiền.
Tôi nói:
- Em cám ơn anh, nhưng em còn phải sáng tác.
Tôi hay được giao hợp đồng vẽ tranh minh họa, bìa sách, tranh cổ động, làm tạo mẫu tượng các con rối, trang trí sân khấu… Cứ vẽ xong, có tiền nhuận bút là tôi giao hết cho mẹ chẳng giữ đồng nào cho mình, đến nỗi bố tôi phải nói:
- Sao con không giữ lại ít tiền để mua toal, sơn và bút vẽ?
Theo lời khuyên của bố, tôi bắt đầu biết cất riêng một ít tiền của mình để mua nguyên vật liệu vẽ từ đó.
Tôi đã có một kỷ niệm không thể nào quên khi lần đầu tiên bước chân vào trường Mỹ thuật - Do được bố luyện vẽ ngày đêm nên hình họa của tôi rất vững. Đó là năm học thứ nhất ở trường, chúng tôi được cả chuyên gia Liên Xô đến xem xét và chỉ bảo.
Nhà văn Kim Lân - Tranh sơn dầu của Nguyễn Thị Hiền
Hôm đó, đang có bài vẽ hình họa, thầy giáo Liên Xô đi vòng quanh xem, thấy bài hình họa khá vững vàng bài bản của tôi, thầy giáo Liên Xô cầm lấy cặp vẽ của tôi, giơ lên để các bạn ở lớp xem như là giáo cụ trực quan vậy.
Bỗng từ trong cặp vẽ của tôi rơi ra một loạt tranh của Picasso, Matisse, Van Gogh, Paul Gauguin, Salvador Dalí… Đó là những tranh in, tôi cắt ra từ các tờ báo của nước ngoài. Thầy giáo đang hớn hở khen tranh của tôi, thấy vậy, ông sững lại, bỏ cặp của tôi xuống, lạnh lùng bước ra ngoài.
Một lúc sau tôi được gọi lên ban giám hiệu. Bước vào phòng, các cô giáo, thầy giáo ngồi đông kín trong phòng. Tôi, cô bé 13 tuổi - bé tý được yêu cầu ngồi đối diện mọi người, các thầy cô bắt đầu chất vấn:
- Những bức tranh đó em lấy ở đâu?
- Ai cho phép em còn bé như vậy đã xem tranh mà nhà trường không cho phép như vậy?
- Em có biết như vậy là sai lầm, là không được phép không?
Tôi đứng dậy nghiêm trang nói với các thầy cô:
- Những bức tranh đó là do em nhặt được. Khi có báo nước ngoài, các bạn em cắt giữ hình những cô gái đẹp, hình mẫu quần áo... còn tranh các bạn vứt đi, em nhặt từ sọt rác cất lại cho mình để xem và học tập ạ.
- Thế em có biết đó là sai lầm và ở tuổi của em là không được phép không? Thầy cô cho phép em nói ý kiến suy nghĩ tiếp thu của mình.
Tôi đã đứng im, nhìn các thầy cô một lúc rồi nói:
- Thưa Ban giám hiệu, thưa các thầy cô, cho em xin lại toàn bộ số tranh đó của em, vì mặc dù các thầy cô phê bình, giảng giải nhưng em thấy nó vẫn rất đẹp ạ.
Các thầy cô ngồi lặng một hồi nhìn tôi đứng nghiêm trang. Một thầy trong Ban giám hiệu nói:
- Không được, sau khi cả Ban giám hiệu giảng giải, phê bình em vẫn không nhận ra khuyết điểm sai lầm của mình, vì vậy Ban giám hiệu cảnh cáo em và tịch thu toàn bộ số tranh này của em - Cấm từ nay không được lưu trữ hay xem những tranh như vậy nữa.
Lần đầu tiên bước chân vào học tập chính quy trong trường chỉ sau có ít ngày - tôi đã vấp ngay vào sự khác biệt giữa việc dậy dỗ của cha tôi và các bác Nghiêm, Liên, Sáng, Phái, Văn Cao - với sự chính quy của nhà trường. Khác biệt xa vời - Vì thế suốt trong những năm đi học, mặc dù là một học sinh giỏi về hình họa, bố cục, mầu sắc, đánh giá là ngoan ngoãn, lễ phép, là một học sinh giỏi nhưng tôi vẫn bị gạch ngang điền thêm một câu: "Tư chất tiểu tư sản".
Vì thế tất cả các bạn cùng lớp tôi được vào Đoàn, riêng một mình tôi thì không. Tôi đã gặp không ít bất công, chông gai trên con đường nghệ thuật của mình, nhưng tôi vẫn nung nấu một niềm tin con đường nghệ thuật mà tôi dấn thân theo đuổi là đúng.
Có một lần thầy tôi nói với tôi:
- Hiền ạ, trong những giai đoạn khó khăn nhất của văn học nghệ thuật thời kỳ nhân văn giai phẩm, thời kỳ xét lại, trong các biến động, bất công của thời cuộc thầy vẫn giữ mình, không đánh mất một người bạn nào, thầy rất thanh thản bình an, để con không có gì phải xấu hổ về thầy con ạ.
Nhìn ông gầy gò, khắc khổ, tôi thương ông vô cùng, tôi biết ông đã phải quyết giữ lòng mình trong sạch, không làm điều gì sai với lương tâm mình, với bạn bè, ông cũng đã phải hy sinh rất nhiều trong sự nghiệp sáng tác của mình để bảo vệ sự yên ổn của gia đình, của bảy đứa con- Ông không đầu hàng kể cả những lúc sóng gió nhất của cuộc sống - Ông cũng đưa tôi vào con đường chông gai của những người không xếp hàng đều, không ca cùng một giọng, những người luôn muốn đóng góp tiếng nói sáng tạo riêng cho nghệ thuật một cách bền bỉ, kiên cường, quyết liệt và cô đơn đến tận cùng.
Ông đã dạy cho tôi biết vượt qua khó khăn, bỏ lại sự hận thù, không chấp nê sự bất công:
- Hãy dũng cảm là chính mình con ạ! - Ông đã luôn nói với tôi - Sự tìm tòi sáng tạo là vô cùng, là dòng chảy không có tận cùng, không đầu hàng, không ngừng nghỉ, không bao giờ là cái bóng của ai, phải luôn là chính mình.
Ông đã ký tặng tôi quyển sách của ông với lời đề tặng: "Để lại cho con - Nguyễn Thị Hiền, vẫn kỳ vọng ở con, con gái yêu của thầy - Kim Lân".
Nhà văn Kim Lân - Tranh sơn mài của Nguyễn Thị Hiền