THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 09:15

Vĩnh Tràng ngôi chùa cổ đẹp độc đáo nhất vùng Tây Nam bộ

Mang đậm truyền thống Việt

Vĩnh Tràng là ngôi chùa thờ Phật lớn nhất tỉnh Tiền Giang, được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1984. Chùa mang dáng vẻ kiến trúc châu Á pha lẫn châu Âu. Chùa Vĩnh Tràng xưa vốn chỉ là cái am nhỏ, mái lá vách đất, do tri huyện Bùi Công Đạt phát nguyện xây cất để di dưỡng tinh thần sau khi về hưu. Sau đó, ông bà Bùi Công Đạt mời Hòa thượng Huệ Đăng, vị tổ thứ 38 dòng lâm tế chánh tông ở chùa Giác Lâm, Gia Định về trụ trì chùa và dạy chữ nghĩa cho con cháu. Khi ông mãn phần, Hòa thượng Huệ Đăng vận động tín đồ xây dựng thành “Đại tự”, theo lối kiến trúc của chùa Giác Lâm ở Gia Định, nhưng to lớn hơn với 178 cây cột, 2 sân thiền tỉnh, 5 lớp nhà và hoàn thành vào năm 1849 lấy niên hiệu là “ Vĩnh Trường” với ý nghĩa chùa sẽ bền vững, trường tồn thể hiện qua hai câu đối: “Vĩnh cửu đối sơn hà / Trường tồn tề thiên địa”. Qua thời gian người dân gọi thành “Vĩnh Tràng” tồn tại cho đến ngày nay. Tết Tân Dậu nhà thơ Xuân Thủy đến viếng chùa và viết thơn đề tặng:

“Đức phật giàu tình thương

Nên chùa tên Vĩnh Tràng

Nhà sư vốn yêu nước

Lòng như dòng Tiền Giang”

Chùa được xây dựng theo dạng chữ “Quốc” của Hán tự, như các chùa Hoa nhưng chùa Vĩnh Tràng có những hoa văn theo kiểu thời Phục Hưng, vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt theo phong cách Pháp, nền lót gạch men Nhật Bản. Riêng chữ Hán được viết theo kiểu chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ viết theo lối chữ Gô-tích. Nhìn tổng quan bên ngoài, kiến trúc chùa là sự giao thoa giữa Á và Âu một cách lạ mắt nhưng hài hòa. Tuy nhiên, kiến trúc bên trong chùa vẫn mang đậm lối kiến trúc điêu khắc truyền thống Việt Nam.

Độc đáo dung hợp Á - Âu

Từ ngoài nhìn vào chùa gồm có 4 gian nối tiếp nhau: tiền đường, chánh điện, nhà tổ, nhà hậu, có diện tích 14.000m², dài 70m, rộng 20m, xây bằng xi măng và gỗ quý, nền đúc cao 1m, xung quanh xây tường vững chắc. Chánh điện mặt tiền đường được xây dựng theo lối kiến trúc dung hợp  Âu – Á với những hàng cột thanh mảnh, vòm cong và hoa văn nhiều màu sắc.  Nóc chùa có năm mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) theo quan niệm của phương đông.

Bước vào chánh điện là một tòa lầu đồ sộ với nhiều di tích cổ. Đáng chú ý hơn cả là những đôi “Long trụ” được làm bằng gỗ quý kiến trúc “Thượng thu hạ cách”. Phía trong ngôi chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, nối hai ngôi này là một khoảng nhỏ có hòn non bộ ở giữa. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau ngôi chánh điện, hai bên nhà cầu, mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Rôma với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ kiểu Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

Hiện nay, chùa bảo tồn 60 tượng quý, được tạo tác bằng đồng, gỗ, đất nung tất cả đều được thếp vàng rực rỡ; trong đó có giá trị nghệ thuật nhất là bộ tượng Thập Bát La Hán cưỡi trên mình các con thú nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ 20. Những pho tượng gỗ sơn son thếp vàng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m với nét chạm trổ sắc sảo vừa mềm mại, uyển chuyển vừa cứng cáp. Bộ tượng này do tài công (thợ) Nguyên cùng học trò chạm khắc mang nét riêng của khu vực, là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Ấn tượng hơn cả là những bức tượng La Hán, mỗi tượng một vẻ với những thần thái khác nhau như vị thì hoan hỷ, vị thì trầm tư …cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm bửu bối, tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà phật gọi là “lục căn” (mắt, tai, miệng, mũi, thân và ý, ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai).

Chùa có 3 tượng đồng (Di Đà, cao 98cm, Quan Âm và Thế Chí cao 93cm) được tạo tác giữa thế kỷ 19; bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng, do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng 1907-1908. Ngoài ra, còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 12cm, nặng khoảng 150kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854 trên thân có khắc chữ “Vĩnh Trường Tự”. Đặc biệt, chùa còn lưu giữ một số tranh sơn thủy có giá trị. Tuy ảnh hưởng của Trung Quốc vẽ tranh tứ quý “mai, lan, cúc, trúc” nhưng những bức tranh này vẫn mang đậm nét dân gian Việt Nam. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904.

Từ xa trông vào ngôi chùa như đền Angkor có 5 tháp nhô cao. Xung quanh là những vườn cây cảnh, ao sen, hàng cây cổ thụ và cây kiểng đẹp mắt do điêu khắc gia Thụy Lam và đồ đệ xây dựng. Hòa thượng Thích Huệ Minh (Trụ trì chùa) cho biết: vẻ đẹp của chùa là đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình và có thể xem chùa Vĩnh Tràng là phản ánh lịch sử mỹ thuật của đất Tiền Giang. Vào năm 2007, chùa xây dựng pho tượng phật Di Đà cao 24m (bệ 6m, tượng 18m). Tượng màu trắng, diễn tả Phật đang đứng trông nom chúng sinh các cõi. Tượng Phật được nhiều người địa phương cho là biểu tượng của ngôi chùa hiện nay. Bên trái Chánh điện là Tôn tượng Đức phật Di lặc ngồi cao 20m, dài 27m, nặng 250 tấn mặt bằng phía dưới tượng phật ngồi được bố trí một trệt, một lầu, không gian rộng thoáng, đèn chiếu sáng và đèn trang trí được thiết kế rất thiền vị. Chùa Vĩnh Tràng không chỉ có ý nghĩa về tôn giáo và giá trị kiến trúc  - nghệ thuật, mà còn là nơi ẩn náu của nhiều nhà yêu nước và cung cấp hậu cần cho phong trào cách mạng, góp phần vào công cuộc giải phóng dân tộc.  Bên cạnh việc thờ cúng lễ bái của phật tử trong tỉnh, chùa cón đón hàng trăm ngàn lượt khách phương xa và du khách nước ngoài đến tham quan, lễ bái, vãn cảnh chùa.

Ngọc Tánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
5 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh