THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:12

Vĩnh Phúc: Trên 25.000 lao động được giải quyết việc làm

Đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Năm 2017, Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề: Phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành chức năng và các cấp chính quyền trong quản lý dạy nghề, đặc biệt là phát huy chức năng quản lý Nhà nước về dạy nghề của cấp huyện. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về dạy nghề; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho những nghề trọng điểm đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH.

Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến hết năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 79,6%; trong đó qua đào tạo nghề là 59,5%.

 
Hiện toàn tỉnh có 35 cơ sở đăng ký hoạt động dạy nghề, hàng năm đào tạo hàng nghìn lao động có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tuyển mới hơn 37.000 học sinh, sinh viên. Trong đó, 795 người có trình độ cao đẳng nghề; 36.000 người  trình độ trung cấp, sơ cấp nghề, dạy nghề dưới 3 tháng và hàng nghìn lao động được đào tạo tại các doanh nghiệp, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Sau đào tạo, khoảng 80% số lao động tìm được việc làm ổn định.
Nhiều giải pháp đồng bộ giải quyết việc làm
Để người lao động có điều kiện tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (trung tâm) đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; tăng cường năng lực hoạt động của sàn giao dịch việc làm bằng việc nâng từ 2 lên 4 phiên hàng tháng.

Ông Khổng Sơn Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc.

 
Từ hiệu quả ban đầu, trung tâm đã tiếp tục mở sàn giao dịch việc làm online; đặt văn phòng tư vấn, tuyển dụng lao động tại các huyện; tổ chức các buổi hội thảo, tư vấn; hướng dẫn người lao động quy trình thủ tục cần thiết khi có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Trung bình mỗi năm, trung tâm tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm, thu hút hơn 1.000 lượt doanh nghiệp tuyển dụng và 6.000 - 7.000 lao động tham gia đăng ký; qua đó, hàng nghìn lao động tìm được việc làm mới ổn định với mức thu nhập khá. 
Trong năm, Trung tâm Đào tạo lao động xuất khẩu tỉnh tiếp nhận 958 hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí cho lao động xuất khẩu và thực tập sinh kỹ thuật ở Nhật Bản. Đến nay, tỉnh đã chi trả hỗ trợ cho 929 người lao động có nhu cầu vay vốn với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng. Sàn giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 39 phiên giao dịch. Tại đây, 757 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển lao động; số người đăng ký tìm việc tại sàn giao dịch là 2.888 người, đã có 1.997 lao động được tuyển dụng. Trung tâm đã tư vấn về chính sách lao động và việc làm cho hơn 19.600 lượt người.
“Năm 2018, Sở sẽ chỉ đạo tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua hình thức hợp đồng liên kết đào tạo và tuyển dụng sau đào tạo. Chú trọng công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về dạy nghề, giải quyết việc làm, cung cấp thông tin về cơ sở dạy nghề, các nghề đào tạo, địa chỉ sử dụng lao động để hoạt động dạy nghề và giải quyết việc làm tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động của ngành LĐ-TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Khổng Sơn Trường nhấn mạnh. 

TUẤN PHẠM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh