Vĩnh Phúc: Hiệu quả tích cực của chính sách hỗ trợ dạy nghề
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 19:55 - 03/01/2016
Theo thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác triển khai thực hiện Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo giai đoạn 2012-2015, Nghị quyết 116 HĐND tỉnh về một số chính sách hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo giai đoạn 2012-2015 đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Công tác tuyên truyền được triển khai kịp thời, rộng rãi với nhiều hình thức và nội dung phong phú, thiết thực. Phát huy được vai trò của các cơ quan thông tin truyền thông, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể. Đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, nhất là lao động nông thôn về vai trò, ý nghĩa quan trọng của công tác dạy về và giải quyết việc làm, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống, phát triển kinh tế-xã hội.
Đào tạo nghề ở Trường Cao đẳng nghề Việt Đức -Vĩnh Phúc.
Theo ông Khổng Sơn Trường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc, đến thời điểm này, hệ thống mạng lưới cơ sở dạy nghề tại Vĩnh Phúc đang được kiện toàn và củng cố theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Mỗi năm tuyển mới hàng chục nghìn người học nghề, qua đó góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh lên 49% năm 2015, cao hơn mức trung bình của cả nước. Hiệu quả dạy nghề gắn với giải quyết việc làm bước đầu thể hiện khá rõ nét, các lớp dạy nghề được hỗ trợ theo Nghị quyết của tỉnh Vĩnh Phúc đều được đào tạo theo hợp đồng với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, có địa chỉ đầu ra.
Công tác dạy nghề ngắn hạn đã tập huấn bồi dưỡng nghề và bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho người lao động, phát huy được những kinh nghiệm từ việc triển khai Nghị quyết 03 của giai đoạn trước. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện, mở lớp, kiểm tra, giám sát thực hiện nghiêm túc, đồng bộ. Đặc biệt, nội dung bồi dưỡng, tập huấn là những kỹ năng, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cần thiết cho người lao động nhất là lao động nông thôn và những kiến thức về nông thôn mới, tư vấn hướng nghiệp, học nghề và việc làm được người lao động đánh giá là thiết thực, bổ ích và có khả năng vận dụng vào thực tế sản xuất và đời sống của người dân.
Ông Vũ Chí Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, với những biện pháp tích cực, giai đoạn 2012-2015, mặc dù công tác tuyển sinh nhìn chung gặp nhiều khó khăn, nhưng do có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích học nghề của Nghị quyết 37, sự cố gắng, nỗ lực của nhiều cấp, nhiều ngành, đặc biệt là của các cơ sở dạy nghề, công tác tuyển sinh dạy nghề đạt trên 84% kế hoạch đề ra: Tổng số tuyển mới: 66720 người, trong đó cao đẳng nghề 3.378 người, trung cấp nghề và bổ túc văn hóa nghề 16.787 người; sơ cấp nghề 46.555 người.
Sở LĐ-TB&XH và Sở GD&ĐT thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc quản lý, thẩm định và cấp phát kinh phí hỗ trợ. Hai Sở đã chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch, lập dự toán kinh phí; phê duyệt chỉ tiêu hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị lập hồ sơ thẩm định, tiến hành thẩm định đúng đối tượng, mức và trình tự thủ tục quy định của tỉnh. Kết quả hỗ trợ kinh phí học nghề cao đẳng, trung cấp nghề, bổ túc văn hóa nghề giai đoạn 2012-2015: Hỗ trợ cho 44.543 lượt người với kinh phí trên 97 tỷ đồng. Từ năm 2012-2015 mở được 58 lớp tập huấn bồi dưỡng nghề nông nghiệp cho 2014 người lao động, kinh phí thực hiện gần 670 triệu đồng đạt 28 % kế hoạch. Công tác truyền nghề và hỗ trợ người truyền nghề, người học nghề đã mở 47 lớp truyền nghề mộc, mây tre đan, rèn tại 8 xã có các làng nghề, cho 580 người lao động với kinh phí hỗ trợ gần 1,8 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch. Công tác hỗ trợ đầu tư kinh phí mua sắm thiết bị dạy nghề, tỉnh đã đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho 24 lượt cơ sở dạy nghề công lập với tổng kinh phí đầu tư là gần 55 tỷ đồng.
“Công tác hỗ trợ kinh phí cho dạy và học nghề, bồi dưỡng kiến thức, hỗ trợ hướng nghiệp, phân luồng và giải quyết việc làm cơ bản được các sở ngành, UBND cấp huyện tiến hành khẩn trương, kịp thời, đúng quy định đã tạo ra sự đồng thuận, hưởng ứng trong nhân dân, qua đó tạo điều kiện thuận lợi và góp phần đưa Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống” - ông Vũ Chí Giang đánh giá.