CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:08

Tháo gỡ “điểm nghẽn” trong dạy nghề

Kiện toàn mạng lưới cơ sở dạy nghề 

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, điểm lại những dấu mốc quan trọng sau khi Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 29/5/2012. “Dẫu trong 2 năm gần đây, lĩnh vực dạy nghề gặp một số khó khăn, đặc biệt trong công tác tuyển sinh, nhưng nhìn tổng thể, dưới sự chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, các cơ sở dạy nghề đã có sự phát triển vượt bậc so với thời điểm trước khi triển khai Quyết định 630...”- ông Lân khẳng định.

Báo cáo sơ kết thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề sau 5 năm, TS Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết, công tác tuyển sinh và tỷ lệ lao động qua đào tạo, việc quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề; cơ sở vật chất phục vụ dạy nghề... đều có bước tiến lớn, tạo đà cho giai đoạn tới. Mạng lưới cơ sở dạy nghề đã được hoàn thiện quy hoạch, trên toàn quốc hiện có 1.467 cơ sở dạy nghề, gồm 190 trường cao đẳng nghề (đạt 100%), trong đó cơ sở ngoài công lập đạt 80%, 280 trường trung cấp nghề và 997 trung tâm dạy nghề, cùng hơn 1.000 cơ sở khác tham gia dạy nghề...

Cùng với việc hình thành mạng lưới cơ sở dạy nghề, Tổng cục Dạy nghề đã lựa chọn được 45 trường nghề trọng điểm để đầu tư, thành trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo các nghề theo chuẩn các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế công nhận; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 26 nghề cấp độ quốc tế, 34 nghề cấp độ ASEAN và 100 nghề cấp độ quốc gia... Đội ngũ giáo viên tại các cơ sở dạy nghề cuối năm 2014 đạt hơn 4 vạn người, tăng khoảng 23% so với năm 2010, 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn đào tạo theo mục tiêu Chiến lược phát triển dạy nghề đề ra...

Linh hoạt trong đào tạo

Đồng tình với những thành tựu trong 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề; tính hiệu quả của dự án “Đổi mới và và phát triển dạy nghề” thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề giai đoạn 2011-2015, hiệu trưởng một số trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm dạy nghề các địa phương đã nêu ra một số vướng mắc nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn” trong công tác tuyển sinh, thúc đẩy phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tham gia học nghề, đặc biệt khi Luật Giáo dục nghề nghiệp đã có hiệu lực từ 1/7/2015.

Hiệu trường Trường cao đẳng nghề du lịch Huế (Bộ VH-TT& DL) Vũ Hoài Phương cho rằng, sau những thành công giai đoạn đầu thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề, hiện nay cần điều chỉnh phương pháp, giáo trình đào tạo, trang thiết bị giảng dạy, đặc biệt với việc học lý thuyết và thực hành bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội... Giải đáp vấn đề này, PGS.TS Dương Đức Lân, nhấn mạnh: “Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời thay thế Luật Dạy nghề (có từ năm 2006), luôn khuyến khích các trường tự chủ trong việc xây dựng khung đào tạo nghề theo khung trình độ quốc gia (gồm 8 bậc), phù hợp chuẩn khu vực ASEAN, tiếp cận chuẩn thế giới. Điều quan trọng là chất lượng đầu ra của học viên đáp ứng nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp như thế nào, được xã hội đón nhận ra sao...”.

Trước băn khoăn của TS Khiếu Hữu Triển, Hiệu trường Trường cao đẳng nghề VMU (Đại học Hàng hải, Bộ GTVT) về việc phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học các trường nghề, PGS.TS Dương Đức Lân chia sẻ: Đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến khâu tuyển sinh của các trường, cơ sở dạy nghề. Trung ương đã ban hành 2 Chỉ thị 10 và 37/CT-TW về phân luồng, khuyến khích học sinh trung học phổ thông học nghề. Tuy nhiên, trên thực tế việc phân luồng chưa thực sự hiệu quả, học sinh chuyển sang học nghề còn rất ít, tâm lý xã hội vẫn hướng tới việc con em vào các trường đại học là phổ biến.

Có mặt tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục-đào tạo và dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương) Nguyễn Đắc Hưng cho biết: Về mặt hướng dẫn, các văn bản, chỉ thị rất đầy đủ, vấn đề là khâu tổ chức thực hiện. “ Năm 2016 sẽ tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện 2 chỉ thị này, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, có như vậy mới khắc phục được tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện tại".

PGS.TS Dương Đức Lân nhấn mạnh: “Năm 2016, Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống trường, cơ sở dạy nghề toàn quốc, với cả 45 trường nghề trọng điểm đang nhận đầu tư vốn ngân sách nhà nước. Hướng là nâng cao chất lượng từ khâu tuyển sinh, đến đào tạo, các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động tuyển sinh không hiệu quả sẽ phải sáp nhập, hoặc chuyển đổi để tránh lãng phí nguồn lực...”.

Sau 5 năm thực hiện Quyết định 630, đã hình thành 34 trung tâm đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động gắn với việc đầu tư xây dựng các nghề trọng điểm tại các cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp; ban hành 189/250 bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia, 74/130 bộ tiêu chuẩn nghề trọng điểm quốc gia; mở rộng hợp tác quốc tế với Cơ quan hợp tác quốc tế Úc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc...

PHÚC THANH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh